Tiếng Việt | English

22/10/2021 - 10:06

Nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống thiên tai

Thiên tai, mưa, bão gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ngoài diễn biến bất thường của thời tiết thì việc chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) cũng là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại không đáng có. Để khắc phục tình trạng này, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) tỉnh Long An tích cực phối hợp các địa phương vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và nâng cao ý thức cảnh giác.

Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do không tuân thủ khuyến cáo

Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do không tuân thủ khuyến cáo

Người dân còn chủ quan, lơ là

Mùa khô năm 2019 - 2020, hạn, xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến vụ lúa Đông Xuân ở các huyện phía Nam của tỉnh, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Để chủ động ứng phó, tránh tình trạng thiệt hại tiếp tục xảy ra trong mùa khô năm 2020 - 2021, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn chủ quan xuống giống không tuân theo khuyến cáo của ngành chức năng. Hậu quả là nhiều diện tích bị thiệt hại, nông dân mất trắng.

Ông Lê Văn Côn (ấp 1, xã Tân Hòa, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Vụ Đông Xuân 2020 - 2021, do chủ quan nên tôi gieo sạ vào cuối đợt 2, trong khi khu vực của tôi được khuyến cáo chỉ nên gieo sạ trong đợt 1. Do đó, khi mặn đến sớm, 6,5ha lúa của tôi đều bị ảnh hưởng, chỉ thu hoạch được từ 1,7 - 2,5 tấn/ha, thiệt hại khoảng 12 triệu đồng/ha”.

Cũng như ông Côn, ông Trần Văn Mẫn, ngụ cùng địa phương, bộc bạch: “Vụ Đông Xuân 2020 - 2021, gia đình tôi thiệt hại gần 2ha lúa. Do chủ quan nên không thường xuyên theo dõi độ mặn của nguồn nước, hậu quả là tôi lấy nước có độ mặn cao từ ngoài sông vào đồng làm cho lúa không trổ được, mất trắng”.

Tại huyện Cần Đước, cũng trong mùa khô năm 2020 - 2021, nhiều nông dân xã Long Hựu Đông (địa phương không chủ động được nguồn nước sản xuất vào mùa khô) đã vội vàng gieo sạ khi mùa khô chưa kết thúc khiến các diện tích lúa đều thiếu nước, không thể thu hoạch được.

Ông Tô Văn Ngợi (xã Long Hựu Đông), bị thiệt hại hơn 0,8ha lúa, cho biết: “Những ngày đầu tháng 4 đã có mưa nên tôi cày ải và xuống giống lúa. Đến thời điểm lúa trên 40 ngày tuổi thì nguồn nước dự trữ tại các hệ thống kênh, rạch đã cạn, dẫn đến thiếu nước, lúa chết dần, số còn lại thì không làm đòng được, thiệt hại hơn 10 triệu đồng/ha”. Không riêng trường hợp gia đình ông Ngợi mà nhiều nông dân trên địa bàn xã Long Hựu Đông cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước, gần 160ha mạ non do nông dân sạ sớm tự phát, không đúng lịch thời vụ nên bị mất trắng vì nhiễm phèn, mặn.

Thời gian qua, huyện Vĩnh Hưng chủ động triển khai các biện pháp PCTT và thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn để bảo vệ sản xuất. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm thông tin: “Tuy hầu hết các hộ dân chủ động gia cố, chằng chống nhà cửa và công trình phục vụ sản xuất,... nhưng vẫn còn số ít hộ dân lơ là, chủ quan, để xảy ra thiệt hại khi mưa giông.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 4 căn nhà bị sập hoàn toàn và 19 căn nhà bị tốc mái, ước tính tổng thiệt hại khoảng 317 triệu đồng. Trước tình hình đó, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện kịp thời đến hiện trường hỗ trợ các hộ dân khắc phục thiệt hại và ổn định cuộc sống; đồng thời, lập hồ sơ đề xuất UBND huyện hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại với tổng số tiền hơn 190 triệu đồng”.

Đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng PCTT trên điện thoại thông minh

Đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng PCTT trên điện thoại thông minh

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân

Nhằm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời với thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, kịp thời cảnh báo, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của cộng đồng về ứng phó với thiên tai. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án PCTT sát với nhiệm vụ, tình hình thực tiễn.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết, thời gian qua, công tác PCTT trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả. Ngành chức năng xây dựng phương án ứng phó với dạng thiên tai thường xuyên xảy ra phù hợp với tình hình, đặc điểm ở từng địa phương.

Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PCTT như cài đặt ứng dụng "PCTT" trên điện thoại thông minh; theo dõi trang Facebook "Thông tin Phòng chống thiên tai" do Tổng cục PCTT thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập hoặc truy cập website: https://pctt.longan.gov.vn của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Long An;... để kịp thời nắm bắt các thông tin về cảnh báo, dự báo thiên tai, công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó với từng loại hình thiên tai.

“Để công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đạt hiệu quả, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc PCTT.

Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, hiệu quả các đội xung kích PCTT cấp xã; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc đầu tư, xây dựng, củng cố mạng lưới thông tin, trang thiết bị, công nghệ để quan trắc, truyền tin, phát tin cảnh báo sớm về thiên tai; quy định trình tự chi tiết, tổ chức hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư phù hợp với đặc thù của địa phương, bảo đảm kịp thời, an toàn tính mạng cho người dân,...” - ông Thuần cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết