Tiếng Việt | English

15/09/2021 - 09:32

Nét đẹp mùa Covid (Bài 3)

Đợt dịch Covid-19 lần này “tấn công” Long An với tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, khó lường. Trong lúc hiểm nguy, đầy cam cam go, cả hệ thống chính trị, toàn bộ lực lượng và các tầng lớp nhân dân cùng vào cuộc. Những “pháo đài” được dựng lên, những câu chuyện về nét đẹp đời thường,... đã trở thành sức mạnh góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Bài 3: Những “chiến binh” xét nghiệm

Nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở đợt dịch thứ 4 đã đặt ra cho Long An những nguy cơ và thách thức lớn trong công tác phòng, chống dịch, nhất là công tác xét nghiệm. Trong làn sóng dịch lần này, ngoài các đối tượng F1, F2, người về từ vùng dịch, tỉnh còn tiến hành xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng. Điều này đồng nghĩa với số mẫu xét nghiệm mỗi ngày từ hàng trăm tăng lên hàng ngàn và hàng chục ngàn, gây không ít khó khăn, áp lực với đội ngũ làm công tác xét nghiệm.

“Cánh tay nối dài” của ngành y

“Mẹ ơi! Tối rồi sao mẹ không về với con, con nhớ mẹ quá!” là câu nói quen thuộc từ 2 con của chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh (SN 1990) - nhân viên y tế cơ sở tại Trạm Y tế phường Tân Khánh, TP.Tân An, mỗi khi gọi điện thoại cho chị. Ngụ phường 5, TP.Tân An nhưng rất lâu rồi, chị Oanh vẫn chưa về thăm gia đình.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh - nhân viên y tế cơ sở tại Trạm Y tế phường Tân Khánh, TP.Tân An, ăn vội cơm tối sau khi về trạm

Năm 2011, chị Oanh tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Long An. Năm 2012, chị về công tác tại Trạm Y tế xã Nhơn Thạnh Trung. Từ năm 2014 đến nay, chị công tác tại Trạm Y tế phường Tân Khánh. Ngày ngày, đội ngũ nhân viên y tế ở cơ sở như chị Oanh vẫn miệt mài công việc với niềm tin chiến thắng đại dịch.

“Các con còn nhỏ nên rất quấn mẹ. Ngày biết tôi đi làm dài ngày, bé lớn gần 6 tuổi, bé nhỏ 4 tuổi ôm chân không rời, nhìn thương lắm! Chồng tôi công tác ở khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Trụ, không thuộc lực lượng phục vụ tại bệnh viện dã chiến nhưng tham gia đội xét nghiệm Covid-19 cộng đồng và thực hiện các công việc được cơ quan phân công. Những lúc cả 2 đều làm nhiệm vụ, chúng tôi nhờ ông bà ngoại giữ các cháu. Năm nay, con lớn vào lớp 1 nhưng đến thời điểm này, tôi vẫn chưa chuẩn bị quần áo, giày dép, sách, vở cho con. Mong dịch nhanh qua để mọi người được trở về nhà” - chị Oanh gượng cười. Được biết, từ tháng 7/2021, khi phường Tân Khánh xuất hiện ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng, toàn thể cán bộ, nhân viên y tế của trạm túc trực làm việc không quản ngày, đêm hay cuối tuần.

Chị Oanh trải lòng: “Khi phát hiện trường hợp dương tính thì tiến hành phong tỏa khu vực đó. Sau đó thống kê số hộ, làm phiếu điều tra từng người, sàng lọc các F, lập danh sách lấy mẫu PCR,... Thời điểm đó, mọi người cố gắng làm siết để có thể hoàn thành công việc trong thời gian sớm nhất. Khoảng 13-14 giờ, mọi người mới bắt đầu ăn trưa, 21-22 giờ mới ăn chiều. Mỗi ngày, làm đến 1-2 giờ hôm sau. Buổi sáng kế tiếp, chưa đầy 6 giờ đã có người dân đến khai báo y tế. Giai đoạn đó thật sự áp lực nhưng nghĩ đến sức khỏe của cộng đồng, chúng tôi lại có thêm nghị lực để vượt qua”.

Khi dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào TP.Tân An, cùng các lực lượng, nhân viên y tế tại phường tham gia trực tại chốt kiểm soát ở xã Lợi Bình Nhơn và phường Tân Khánh. Để bảo đảm trực 24/24 giờ, các thành viên của trạm luân phiên chia ca, vừa giải quyết công việc tại trạm, vừa trực chốt để hỗ trợ người dân khai báo y tế. Thời gian qua, ngoài thực hiện các nhiệm vụ y tế tại cơ sở, chị Oanh và mọi người còn được tăng cường hỗ trợ công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại các điểm tiêm trên địa bàn TP.Tân An.

Bảo đảm chính xác, tránh lây nhiễm chéo

“Cuộc chiến” chống dịch bước vào những thời điểm cam go, hàng ngàn người được điều động phục vụ ở tuyến đầu. Và rất nhiều trong số họ đã mấy tháng nay chưa được về nhà, chưa được gặp người thân.

Một chị làm điều dưỡng, công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, kể: “Sau khi hoàn thành cách ly y tế theo quy định, sau khi được tiêm vắc-xin mũi 2, nhiều đồng nghiệp của tôi đã lên đường đến các bệnh viện dã chiến, khu cách ly để hỗ trợ xét nghiệm, điều trị bệnh nhân Covid-19. Người có con nhỏ, người có cha mẹ già bị bệnh nhưng họ tạm gác chuyện gia đình, ngày đêm “căng mình” làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh”.

Đoàn cán bộ, y tế Bắc Giang hỗ trợ phòng, chống dịch tại Long An

Đồng hành cùng Long An trong những ngày qua, nhiều đoàn y tế được “chi viện”, giúp tỉnh chống dịch. Đêm 20/7/2021, sau hành trình dài, Đoàn cán bộ, sinh viên, y tế tỉnh Bắc Giang đã đến Long An. Được phân công về Trung tâm Y tế TP.Tân An, kỹ thuật viên xét nghiệm Nguyễn Trọng Nhân và đồng nghiệp nhanh chóng nhận nhiệm vụ. Anh Nhân từng tham gia chống dịch từ đợt đầu tiên ở các khu cách ly tập trung tại Bắc Giang. Vợ anh cũng là kỹ thuật viên lấy mẫu, vợ chồng có 2 con nhỏ.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi phả lên mặt, lưng thì ướt đẫm nhưng những kỹ thuật viên xét nghiệm vẫn dặn lòng, trong mọi tình huống phải bình tĩnh, tỉ mẩn, tránh lây nhiễm chéo và bảo đảm tính chính xác để cung cấp các mẫu bệnh phẩm cho Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh. Anh nói: “Chúng tôi đem kinh nghiệm chống dịch tại Bắc Giang, hỗ trợ hết mình giúp Long An đẩy lùi dịch bệnh”.

Đặng Thị Thanh Huyền tham gia test cộng đồng tại xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An

Tham gia lấy mẫu xét nghiệm trong đợt này còn có các sinh viên Trường Y tế Bắc Giang. Đối với sinh viên, đây chính là “trận địa” mới mẻ, tuy nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội thử sức. Đặng Thị Thanh Huyền - sinh viên năm 3, Đoàn y tế Bắc Giang, bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Long An. Đi cùng tôi lần này có khoảng 40 sinh viên cùng trường. Lúc đầu khi quyết định tình nguyện tham gia đội lấy mẫu, tôi cũng cân nhắc rất nhiều, ba mẹ cũng hơi lo. Nhưng với tinh thần tuổi trẻ, tôi động viên gia đình và mong muốn góp sức cùng Long An sớm kiểm soát, khống chế dịch bệnh”./.

(còn tiếp)

Thanh Nga - Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết