Tiếng Việt | English

09/02/2021 - 09:23

Nét đẹp ngày xuân

Dù xưa hay nay thì ngày Tết cổ truyền của dân tộc vẫn mang nét đẹp với những phong tục, tập quán giàu ý nghĩa.

Những người bà, người mẹ chuẩn bị hũ kiệu ngâm chua, ít bánh in, mứt dừa, mứt gừng ăn tết và biếu tặng người thân, hàng xóm. Ảnh: Quế Lâm

Mở cửa đón xuân

Chiều 22 tháng Chạp, gia đình ông Nguyễn Huỳnh Triều (xã Khánh Hậu, TP.Tân An) mời một vài bạn bè thân hữu đến dự lễ dựng cây nêu. Cây tre dài được treo tấm phướn lớn, 1 trái bầu, đôi trái bắp và ít nông sản được dựng lên trước sân, cao vút. Trên ngọn nêu còn có chiếc chuông gió tre, gió thổi phát ra âm thanh lách cách.

Mấy chục năm nay, ông Triều luôn gìn giữ phong tục dựng cây nêu trước cửa vào ba ngày tết. Ông xem đó là việc làm góp phần gìn giữ những giá trị tốt đẹp của ngày tết, đồng thời tưởng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên. Nghĩ vậy nên từ những tháng gần tết, đi đâu thấy cây tre to, đẹp, dáng thẳng là ông dặn gia chủ để dành cho ông làm cây nêu ngày tết. Với ông Triều, việc dựng cây nêu cũng lắm công phu. Ông kể: “Cây tre dựng nêu phải còn ngọn, tượng trưng cho người quân tử, thẳng ngay. Tôi nghiên cứu nhiều về cây nêu ngày xưa nên cố gắng gìn giữ phong tục dựng nêu, tuy nhiên cũng thay đổi một chút cho phù hợp với xã hội ngày nay. Mỗi vật phẩm, trái cây chọn treo trên cây nêu đều mang một ý nghĩa riêng. Mục đích cuối cùng là mong quốc thái dân an, cuộc sống người dân được ấm no, hạnh phúc trong năm mới”.

Năm nào ông Nguyễn Huỳnh Triều cũng trang trí nhà bằng chữ viết, câu đối thư pháp mới và tặng chữ cho bạn bè

Đó là ước mong của tất cả mọi người trong những ngày đón chào năm mới. Năm mới là khởi đầu mới nên nhà nhà trang hoàng, dọn dẹp để đón chào những điều mới mẻ, tốt lành và may mắn. Gần tết, người người, nhà nhà mua thêm chậu hoa, lau sạch bậu cửa để đón một năm mới tươm tất. Điều đó trở thành nét đẹp trong phong tục đón tết của người Việt. Khắp phố phường, làng quê ngày giáp tết, đâu đâu cũng thấy những nhành mai đã được lặt hết lá đang chờ hoa bung nở. Vừa chăm những chậu hoa sắp nở, chị Nguyễn Huỳnh Băng Tâm (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) vừa kể: “Năm nào tôi cũng mua hoa về trang hoàng nhà cửa đón tết, năm nay trồng thêm mấy chậu hoa này cho ba ngày tết được tươi vui. Từ khoảng 23 tết, gia đình tôi bắt đầu dọn dẹp nhà cửa”. Trước nhà chị Tâm, các chậu hoa đang chờ khoe sắc, bên trong nhà, nhánh mai vàng được trưng giữa nhà. Tết đã về trong sự chờ đón của mọi người.

Mấy mươi năm nay, ông Nguyễn Huỳnh Triều luôn gìn giữ phong tục trồng cây nêu trước cửa vào ba ngày tết

Nét đẹp “ba ngày tết”

Tết đến, những người bà, người mẹ chuẩn bị dưa kiệu, bánh in, mứt dừa, mứt gừng để dùng và biếu tặng người thân, hàng xóm. Từ đầu tháng Chạp, bà Phan Thị Tím, ngụ xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, đã nhờ con gái mua hơn chục kilôgam kiệu tươi từ chợ đầu mối ở TP.HCM gửi về để làm dưa kiệu. Nhà đơn chiếc nhưng bà Tím làm rất nhiều kiệu chua để biếu người thân ăn tết.

Nhà đơn chiếc nhưng bà Phan Thị Tím làm rất nhiều kiệu chua để biếu người thân ăn tết

Sau một năm bận rộn với công việc và cuộc sống, ngày tết là dịp để mọi người đến thăm hỏi, chúc nhau những điều tốt đẹp, tặng quà thể hiện sự quan tâm. Phong tục chúc tết ngày nay cũng khác xưa nhiều, không câu nệ phải quá nghiêm trang, nghi lễ. Tuy nhiên, tục xông đất đầu năm, chúc điều lành, điều tốt đẹp thì vẫn vẹn nguyên. Con cháu về mừng tuổi ông bà; bạn bè, người thân đến thăm nhau, chúc những điều tốt đẹp, tươi vui, chuyện muộn phiền năm cũ được tạm gác qua để mong ước về những điều tốt đẹp. Chị Nguyễn Hồng Hải Tuyền (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) cho biết: “Tôi thuộc thế hệ 9X. Tôi thích ngày tết được sum vầy gia đình, đi chúc tết nhau. Nhiều người trẻ thích một cái tết hiện đại với những chuyến đi du lịch dài ngày, riêng tôi lại thích những phong tục truyền thống. Tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc khi được trao và nhận bao lì xì vào ngày tết”.

Lì xì, mừng tuổi là một nét đẹp văn hóa nhằm chúc phúc, cầu điều may mắn, tốt lành cho người được lì xì, mừng tuổi. Sự tích bao lì xì bắt nguồn từ việc giữ an lành cho trẻ con tránh khỏi sự đe dọa của quỷ dữ. Để thể hiện sự quan tâm và trân trọng, người lì xì thường dùng tiền mới và chuẩn bị sẵn bao lì xì trước khi đi thăm, chúc tết đầu xuân. Hình ảnh các bạn nhỏ khoanh tay, chúc tết và vui vẻ nhận bao đỏ là một hình ảnh làm nên “phần hồn” Tết Việt. Tuy nhiên, ngày nay, việc lì xì dần dần có những đổi thay không đẹp. Nói về điều này, chị Tuyền cho rằng: “Bản chất của phong tục lì xì là tốt. Tôi luôn dạy các cháu biết trân trọng và lịch sự khi chúc tết và nhận lì xì”.

Nhà nào cũng được lau dọn tinh tươm, hoa nở rực trước sân nhà. Ảnh: TL

Ngoài lì xì, tặng chữ cũng là một nét đẹp ngày xuân của người Việt. Phong tục viết và tặng chữ thư pháp đã có từ lâu đời và được gìn giữ đến ngày nay. Theo sự phát triển của xã hội, chữ được viết là chữ quốc ngữ thay vì chữ Hán hay chữ Nôm như xưa kia nhưng cũng đều nhằm cầu chúc điều lành, mang đến niềm vui cho cả người tặng và người nhận chữ. Ông Huỳnh Triều luôn dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu về nghệ thuật thư pháp nên năm nào ông cũng trang trí nhà bằng chữ viết, câu đối mới và tặng chữ cho bạn bè. Tại chợ hoa xuân hoặc đường hoa ngày tết không thể thiếu một gian nhỏ dành cho các “ông đồ” tặng chữ khách du xuân. Chữ thư pháp cầu chúc điều lành còn được ứng dụng lên nhiều sản phẩm trang trí khác chứ không ràng buộc trong khuôn khổ “mực tàu, giấy đỏ” như xưa.

Tết Việt vì thế mang nhiều nét đẹp cổ truyền được lưu giữ qua nhiều thế hệ./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích