Tiếng Việt | English

30/07/2020 - 10:12

Ngành Tuyên giáo Long An: 90 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển

Ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1/8”, kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.

Ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1/8”, kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Đây là tài liệu lịch sử quý giá, sớm nhất để khẳng định một hoạt động tiền thân có ý nghĩa chính trị sâu sắc trong công tác tuyên giáo của Đảng.

Từ đó, ngày 1/8 trở thành cái mốc trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xuất phát từ hoạt động có ý nghĩa chính trị to lớn trên, năm 2000, Bộ Chính trị khóa VIII chuẩn y, lấy ngày 1/8 hằng năm là Ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng (nay là công tác tuyên giáo). Công tác tuyên giáo của Đảng gắn với sự ra đời và trưởng thành của ĐCSVN.

Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng với những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn lịch sử, như Ban Cổ động và Tuyên truyền, Ban Tuyên truyền, Ban Tuyên huấn, Ban Văn hóa giáo dục, Ban Văn hóa Văn nghệ, Ban Tư tưởng - Văn hóa, Ban Khoa giáo, Ban Tuyên giáo,…

Tuy tên gọi, cơ cấu tổ chức ở từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử có sự khác nhau nhưng chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, văn hóa, khoa học, giáo dục về cơ bản là thống nhất và xuyên suốt.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được chúc mừng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhân Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo

Cùng với tiến trình phát triển chung của ngành Tuyên giáo, trên địa bàn tỉnh Long An ngày nay (trước kia là hai tỉnh Tân An và Chợ Lớn), từ cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, những hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước tại địa phương đã đặt những tiền đề cho sự ra đời của ngành Tuyên giáo.

Qua 15 năm đấu tranh - từ khi hình thành những chi bộ cộng sản đầu tiên vào năm 1930 cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, công tác tuyên truyền, vận động cách mạng và huấn luyện cán bộ, đảng viên đã được các tổ chức Đảng tại địa phương đặc biệt chú trọng, trở thành công tác quan trọng bậc nhất của toàn Đảng bộ. Bước sang giai đoạn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, công tác tuyên huấn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc xác lập và thống nhất tư tưởng, ý chí, hành động của Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Tân An, Chợ Lớn.

Năm 1948, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy hai tỉnh Chợ Lớn và Tân An chính thức thành lập, vừa xây dựng bộ máy vừa từng bước học hỏi nghiệp vụ và trưởng thành qua thực tiễn, đưa sự nghiệp kháng chiến của 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn vượt qua nhiều thời điểm gian khổ, khó khăn, sẵn sàng bước vào thời kỳ cách mạng mới gian nan hơn, ác liệt hơn - thời kỳ 21 năm cùng cả nước chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Giai đoạn này, các cơ quan làm công tác tuyên huấn của 2 tỉnh Long An, Kiến Tường có những tên gọi khác nhau: Tuyên truyền - báo chí, Tuyên truyền cổ động, Tuyên văn giáo với nhiều công việc khác nhau: Tuyên truyền, huấn luyện chính trị, thông tin lưu động, thông tấn báo chí, văn công, nhà in, chiếu bóng,… để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng cụ thể, góp phần tạo nên những chiến công vang dội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hòa bình lập lại, đầu tháng 2-1976, tỉnh Long An (ngày nay) chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Long An và Kiến Tường. Ngay sau khi hợp nhất, ngày 10-2-1976, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ký Quyết định số 22-QĐ/TU kiện toàn tổ chức Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy.

Sau khi được kiện toàn, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy khẩn trương hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, xã hội, xóa bao cấp trên lĩnh vực phân phối lưu thông, thực hiện chương trình khai mở vùng Đồng Tháp Mười, triển khai các chương trình trọng điểm về KT-XH; làm tốt công tác tư tưởng phục vụ công cuộc đổi mới, kiến thiết đất nước. Thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 24/3/1988, Tỉnh ủy Long An đã ban hành Quyết định số 06-QĐ/TU hợp nhất Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và Ban Khoa giáo Tỉnh ủy thành Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng được đổi thành “Tổ Thường trực Nghiên cứu Lịch sử Đảng” thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (như hiện nay).

90 năm qua, đánh dấu từng bước trưởng thành và phát triển của ngành Tuyên giáo tỉnh nhà, từ những tổ chức sơ khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến một tổ chức bộ máy hoàn chỉnh từ tỉnh đến cơ sở như hiện nay với 148 đồng chí cán bộ tuyên giáo chuyên trách (cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương), trong đó 17 đồng chí có trình độ thạc sĩ, 126 đồng chí có trình độ đại học, 80 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị và 52 đồng chí có trình độ trung cấp lý luận chính trị và gần 200 đồng chí cán bộ Tuyên giáo cấp cơ sở đã qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ có thể đáp ứng tốt yêu cầu và nhiệm vụ của công tác Tuyên giáo trong tình hình mới.

Qua từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo tỉnh nhà luôn được giữ vững và phát huy, đã làm tốt vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trên các lĩnh vực công tác tư tưởng, văn hóa và ngày càng khẳng định vị trí trọng yếu của mình trong công tác xây dựng Đảng.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2015-2020, hệ thống tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở đã trải qua một nhiệm kỳ làm việc tích cực, khẩn trương, năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đạt được những kết quả tích cực; mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất, góp phần giúp cấp ủy giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng của Đảng, của địa phương. Công tác tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận có sự quan tâm; công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực luôn được chú trọng; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới được tăng cường; triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa việc học tập và làm theo gương Bác ngày càng đi vào chiều sâu, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, tạo sự chuyển biến tích cực trong tu dưỡng, rèn luyện, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản được quan tâm chỉ đạo thường xuyên hơn. Công tác tham mưu chỉ đạo trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các vấn đề xã hội ngày càng bám sát thực tiễn, góp phần điều chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động của các lĩnh vực này; hoạt động thông tin đối ngoại được mở rộng; công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân (theo Quyết định 221-QĐ/TW của Ban Bí thư) được thực hiện thường xuyên, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo sức mạnh tổng hợp vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Những năm tới đây, bên cạnh những thuận lợi chung, đất nước và tỉnh nhà sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là việc đối phó với làn sóng bùng phát của dịch Covid-19; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; tham nhũng, lãng phí; sự xuống cấp về đạo đức xã hội; sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các vùng, miền; sự phân hóa giàu - nghèo giữa các bộ phận dân cư; sự tác động từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường; sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động,...

Những khó khăn, thách thức trên sẽ tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến nhận thức, tư tưởng, tâm trạng xã hội và thật sự trở thành thách thức đối với công tác tuyên giáo của Đảng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tư tưởng nhạy bén, có kiến thức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng kịp với yêu cầu công tác tuyên giáo trong thời kỳ mới.

Đồng thời, phải tiếp tục tìm tòi, đổi mới nội dung, phương thức công tác theo hướng bám sát cuộc sống của nhân dân, nắm chắc tình hình, hướng về cơ sở, hướng tới từng đối tượng cụ thể, chủ động thông tin, tăng cường đối thoại, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”,...

Chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang 90 năm qua, ngành Tuyên giáo và đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo các cấp tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những diễn biến phức tạp của tình hình, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020 và tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp trong tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Long An - Đinh Ngọc Lâm

Chia sẻ bài viết