Tiếng Việt | English

28/06/2021 - 10:33

Ngành Văn hóa: 10 năm nỗ lực trong công tác gia đình

Những năm gần đây, cùng với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH), công tác gia đình được đặc biệt quan tâm. Tỷ lệ gia đình văn hóa tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao, nhiều gia đình tiêu biểu được tuyên dương. Đó là kết quả của ngành Văn hóa trong suốt giai đoạn 2010-2020 nhằm thực hiện Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam.

Công tác phối hợp chặt chẽ

Cầu kênh xáng Thủy Tân dẫn vào ấp 4, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An được xây dựng hơn 1 năm với kinh phí "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Trong đó, gia đình ông Trần Minh Hoàng, ngụ ấp 4, đóng góp gần 450 triệu đồng. Trước đây, dù cuộc sống khó khăn nhưng vợ chồng ông Hoàng cố gắng cho 4 người con học hành đến nơi, đến chốn. Khi các con lớn, ổn định cuộc sống, vợ chồng ông Hoàng đồng lòng dành tâm sức làm việc cộng đồng. Ngoài  góp kinh phí làm cầu, ông bà còn hỗ trợ làm cống, tặng quà cho hộ nghèo;… Về ấp 4, xã Tân Đông, hỏi thăm vợ chồng ông Hoàng, hầu như ai cũng biết, bởi gia đình ông vốn nổi tiếng thuận hòa và hay giúp đỡ xóm giềng, địa phương.

Cầu Thủy Tân tại xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa được xây dựng mới có sự đóng góp không nhỏ của gia đình ông Trần Minh Hoàng

hủ tịch UBND xã Tân Đông - Huỳnh Nông Nghiệp cho biết: “Phong trào xây dựng đời sống văn hóa nói chung và công tác gia đình nói riêng cùng công cuộc xây dựng xã nông thôn mới tại Tân Đông đã giúp đời sống người dân được nâng cao, xuất hiện nhiều gia đình tiêu biểu, trong đó có gia đình ông Hoàng”. Để làm tốt công tác gia đình, các đoàn thể xã tập trung phối hợp thực hiện. Các mô hình, câu lạc bộ (CLB) được xây dựng mang lại hiệu quả. Năm 2020, Tân Đông có trên 98% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa.

Không chỉ tại Tân Đông mà trên toàn tỉnh, nhìn chung, công tác triển khai, thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) mang lại nhiều kết quả khả quan. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch ký hợp đồng với Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và Tỉnh đoàn được triển khai, thực hiện tốt. Mỗi đơn vị đều có nhiều hoạt động tuyên truyền, mô hình hiệu quả, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. 

Nỗ lực từ cơ sở

Tính đến nay, toàn tỉnh có 97,5% gia đình văn hóa. Những giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình được gìn giữ và phát huy, góp phần giúp gia đình thực sự là tổ ấm, tế bào lành mạnh của xã hội. Để đạt kết quả đó, đòi hỏi sự nỗ lực của ngành Văn hóa từ cơ sở. Các mô hình, nhóm, CLB được triển khai bằng nhiều hình thức rộng khắp và mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều gia đình tiêu biểu được tuyên dương trong suốt giai đoạn 2010-2020 (Trong ảnh: Giao lưu với gia đình văn hóa cấp tỉnh năm 2018 - Ảnh tư liệu)

Nhiều năm nay, CLB Gia đình phát triển bền vững và nhóm PCBLGĐ tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức hoạt động khá hiệu quả, giúp nhiều gia đình giữ được sự ấm êm, hạnh phúc. Trong đó, điển hình là gia đình ông Huỳnh Chí Thiện, ngụ ấp 1. Trước đây, ông Thiện thường xuyên uống rượu và gây sự với vợ con. Nắm được thông tin, nhóm PCBLGĐ của ấp phối hợp ban, ngành, đoàn thể kịp thời đến can thiệp. Đến nay, gia đình ông Thiện giữ được sự hòa thuận, chăm lo làm ăn. Có thể nói, mô hình hoạt động PCBLGĐ tại các địa phương trong tỉnh từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát hiện, can thiệp, hòa giải, giảm từ 10-20% số vụ BLGĐ hàng năm.

Nếu nhóm PCBLGĐ thiên về can thiệp, giúp đỡ các gia đình có nguy cơ bạo lực thì CLB Gia đình phát triển bền vững, CLB Gia đình hạnh phúc lại là nơi giao lưu sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc. Chủ nhiệm CLB Gia đình hạnh phúc tại ấp 4, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa - Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: “Chúng tôi thường trao đổi, khuyên bảo nhau cách cư xử để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Nhiều năm nay, ở ấp không xảy ra  tình trạng BLGĐ”. Từ những buổi sinh hoạt CLB, việc giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ được chú trọng, tiến tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy, 10 năm qua, các cấp, các ngành rất quan tâm thực hiện những mục tiêu của Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Điều đó đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi gia đình, nêu bật truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình gia đình nông dân văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình vượt khó vươn lên, gia đình hiếu học, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình nhiều thế hệ mẫu mực,...

Toàn tỉnh hiện có 347 CLB Gia đình hạnh phúc, hơn 1.000 CLB Gia đình phát triển bền vững; 309 CLB không sinh con thứ 3 trở lên, hơn 2.800 tổ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên; hơn 1.000 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và hơn 1.200 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. 188/188 xã, phường, thị trấn của 15/15 huyện, thị xã và thành phố thực hiện mô hình phòng, chống bạo lực gia đình./.

Thúy Phương

Chia sẻ bài viết