Tiếng Việt | English

02/06/2020 - 15:57

Ngát hương cho đời

Mỗi người một công việc, cùng đóng góp sức mình vào phong trào thi đua, thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà phát triển.

Ni sư Thích nữ An Huệ (người choàng khăn) tặng quà cho người nghèo
Ni sư Thích nữ An Huệ (người choàng khăn) tặng quà cho người nghèo

1. Bằng cái tâm của người tu hành, ni sư Thích Nữ An Huệ - Trụ trì chùa Phật Huệ, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An không chỉ là tấm gương sáng mà còn truyền cảm hứng về lòng từ bi bác ái, tình yêu thương con người. 

Như một cái duyên, ni sư sinh ra tại huyện Cần Giuộc đã giác ngộ Phật pháp và về vùng đất Thủ Thừa để tu hành. Mặc dù công việc khá bận rộn nhưng ni sư luôn dành thời gian cùng chính quyền, hội, đoàn thể thăm hỏi, giúp đỡ, động viên nhân dân địa phương chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu sống tốt đời, đẹp đạo.

Mỗi lần nghe được thông tin ở đâu có những mảnh đời éo le, khổ cực là ni sư tìm hiểu để giúp đỡ. Bất kể nơi đâu có những con người lam lũ, dù mưa, nắng, không quản đường xa, ni sư đến động viên, thăm hỏi. Ni sư cho rằng: “Cho đi là nhận lại”, đôi môi của sư luôn nở nụ cười phúc hậu trên mỗi chặng đường đi làm từ thiện. Từng đi nhiều nơi, gặp nhiều người, không ít lần, ni sư chạnh lòng khi chứng kiến nhiều mảnh đời nghèo khó, bất hạnh. Niềm trăn trở của ni sư là làm sao để giúp người nghèo vơi bớt nhọc nhằn, trẻ em nghèo được học tập đến nơi, đến chốn. Với tâm niệm đó, ni sư vận động phật tử, mạnh thường quân chung tay làm việc thiện. 

Thời gian qua, chùa Phật Huệ hỗ trợ gạo thường xuyên cho một số hộ nghèo trong và ngoài huyện; tổ chức tặng quà các hộ có hoàn cảnh khó khăn; vận động xây dựng 3 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo; đóng góp xây dựng đường giao thông,... Ngoài ra, ni sư còn thành lập bếp ăn tình thương với mong muốn mang đến những suất cơm ngon ngọt giúp người nghèo no lòng. Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, ni sư đảm nhận việc đi chợ, lựa chọn thực phẩm, sơ chế và nấu ăn. Mỗi tháng 2 đợt, tại chùa Phật Huệ tổ chức nấu ăn giúp đỡ người lao động nghèo, trung bình mỗi đợt nấu khoảng 350 suất,...

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (bìa phải) đến thăm, tặng quà trẻ mồ côi trên địa bàn xã

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (bìa phải) đến thăm, tặng quà trẻ mồ côi trên địa bàn xã

2. Những ai từng gặp và tiếp xúc Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thị Ngọc Tuyết đều dành lời khen ngợi cho người phụ nữ giàu lòng nhân ái này. 

Chị gắn bó với công tác Hội gần 10 năm nay. Suốt thời gian đó, chị không ngại khó, giúp đỡ nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, chị phát động nhiều phong trào thi đua đạt hiệu quả: Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; Tiết kiệm tình thương; Hội viên giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn; Nói không với rác thải nhựa; Giữ gìn cảnh quan môi trường; Chung tay mua bảo hiểm y tế; trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; xây dựng mái ấm tình thương,... Mấy năm gần đây, tại xã có 2 cơ sở nhận nuôi trẻ mồ côi, chị không ngại khó đi kêu gọi hỗ trợ, dành thời gian đến chăm sóc, tặng quà các cháu. 
Chị từng nói, gắn bó với cơ sở nếu như mình tính toán thù lao, thời gian, có lẽ rất khó để hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian không cố định, làm những ngày trong tuần chưa đủ, chị tranh thủ làm thêm những ngày cuối tuần, kể cả buổi tối. Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền nhưng sức lại dẻo dai, bền bỉ, âm thầm làm những việc thiện để giúp đời. 

“Làm việc gì cũng cần có tinh thần trách nhiệm. Bản thân tôi cảm thấy vui khi mình góp chút công sức nhỏ bé vào xây dựng quê hương. Tôi luôn suy nghĩ giản đơn, cứ làm việc thiện đi rồi đời sẽ đền đáp bạn” - chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết bộc bạch. 
Theo nhận xét của Đảng ủy xã, chị Tuyết là người tận tâm, trách nhiệm với công việc, không ngừng tìm tòi, đổi mới sinh hoạt ở các 
chi hội nhằm thu hút hội viên tham gia. Chị Tuyết cũng nhận nhiều giấy khen, bằng khen trong các phong trào thi đua yêu nước, trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ni sư Thích nữ Như Hương và cầu xã Tân Tây - cây cầu đầu tiên ni sư Như Hương hỗ trợ xây dựng

Ni sư Thích nữ Như Hương và cầu xã Tân Tây - cây cầu đầu tiên ni sư Như Hương hỗ trợ xây dựng

Ni sư Thích nữ Như Hương và cầu xã Tân Tây - cây cầu đầu tiên ni sư Như Hương hỗ trợ xây dựng

3. Một buổi sáng yên ả. Bên mái chùa Phổ Hương, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, sư Trụ trì Thích Nữ Như Hương bận rộn với những việc thiện. 

Trong không gian thoáng mát của nhà chùa, ni sư dành một góc để treo những câu châm ngôn hay về đạo Phật, những bằng khen, giấy khen được tỉnh, huyện trao tặng trong công tác an sinh xã hội. Bên bàn làm việc, ni sư có một quyển tập nhỏ để ghi lại những đóng góp trực tiếp của mạnh thường quân nhằm tri ân. 

Nhắc đến chùa Phổ Hương, những người dân sinh sống trên địa bàn đều khen ngợi tấm lòng của ni sư đối với những người nghèo, bất hạnh. Đã bao suất ăn được ni sư đứng ra tự tay trao tặng các bệnh nhân, những bao gạo, thùng mì gói, những chiếc phong bì chứa đầy tấm lòng chân thành của ni sư được gửi gắm trong đó. Nếu bây giờ có hỏi ni sư đã từng làm được những gì, cho ai, đến địa chỉ nào, chắc sư cũng không thể nhớ hết.

Thông tin từ huyện Thạnh Hóa, từ năm 2018 đến nay, ni sư vận động các nhà hảo tâm hàng tỉ đồng làm công tác xã hội. Nhiều nhất là tặng quà các hộ nghèo, tổ chức Tết Trung thu, ngày 1-6 cho các cháu thiếu nhi trên địa bàn; vận động mổ mắt cho người nghèo; hỗ trợ xây tặng nhà tình thương;... Trong số những hoạt động thiện nguyện khi nhắc về ni sư Thích Nữ Như Hương, nếu không kể đến việc xây cầu là một thiếu sót.

Qua từng năm tháng, dấu chân của ni sư cùng các nhà tài trợ in hằn trên mảnh đất Thạnh Hóa. Họ cùng đi khảo sát, lên phương án, lập kế hoạch chi tiết, lên kinh phí để “xin” tài trợ. Những chiếc cầu nông thôn do ni sư vận động xây dựng góp phần mang lại niềm vui cho những người dân vùng Đồng Tháp Mười. Trong ký ức của mình, cây cầu tại xã Tân Tây là cầu đầu tiên ni sư xây dựng. Đó là chiếc cầu bêtông nhỏ, bắc qua một con kênh, nằm ở ngã tư đường.

“Khi đoàn chúng tôi cùng địa phương khảo sát, ai nấy đều thót tim khi nhìn thấy người dân phải đi trên chiếc cầu tre không bảo đảm an toàn. Lúc đó, lãnh đạo xã chia sẻ, đời sống người dân nơi đây còn khó khăn, dân cư tập trung thưa thớt, địa bàn sông nước, có nhiều cây cầu cần xây dựng,... trong khi kinh phí vận động khó khăn... Nghe những lời đó, chúng tôi quyết tâm phải hoàn thiện cây cầu để người dân có điều kiện đi lại. Ngày khánh thành cây cầu đầu tiên, cảm giác của tôi không thể nào diễn tả được” - ni sư nói.

Trò chuyện cùng ni sư, chúng tôi hiểu lòng bác ái của sư ngày càng lớn dần. Có tiền vận động rồi, sư lại muốn giúp đỡ thật nhiều những mảnh đời khốn khó không chỉ trong địa bàn nơi mình sống mà còn những địa phương khác. Rồi những chuyến đi thiện nguyện chở nặng nghĩa tình của sư cứ kéo dài theo từng năm tháng để đến với những nơi cần được sẻ chia, giúp đỡ. 

Chia sẻ về việc làm của mình, ni sư tâm niệm, người xuất gia cần sống “Tốt đời, đẹp đạo”. Việc thiện chính là nhân duyên và là chuyện nên làm của người tu hành. Bản thân ni sư tự nhận mình là người may mắn khi gặp được những người phát tâm, cùng chung suy nghĩ hướng thiện.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, cho yêu thương sẽ nhận về tình yêu thương. Đó cũng là cách để tình người “xích lại” gần nhau, góp phần xây dựng quê hương, đất nước./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết