Tiếng Việt | English

30/04/2019 - 08:17

Ngày miền Nam giải phóng

Rồi thì ba tôi về thật. Mỗi lần thấy má tôi ngồi gỡ tóc mà gương mặt u buồn, tôi đều lí nhí hỏi bộ má nhớ ba nữa hả, má tin lời người ta đồn là ba hy sinh trên chiến trường thật hả? Má tin chứ tôi không tin. Trong linh cảm của tôi, ba vẫn còn sống, vẫn vững tay súng chiến đấu trên chiến trường và lòng ba vẫn khôn nguôi hướng về xóm nhỏ xa xôi.

Minh Họa: Internet
Minh Họa: Internet

Ba về nhà khi trời sẫm tối. Không khí ngày đất nước giải phóng len lỏi vào tận nơi đây, sắc cờ đỏ sao vàng, tiếng nói cười, giọng của cô phát thanh viên vang ra từ chiếc radio nhỏ xíu má để trên kệ nghe đài báo tin vui đất nước. Đêm tháng tư, gió từ sông lồng lộng thổi vào trong xóm nhỏ. Má tôi đem radio ra hàng ba ngồi để nó hút sóng rõ hơn. Các chú hàng xóm đã về đoàn tụ với gia đình cả rồi, nhà láng giềng làm con gà nấu mâm cơm cúng tổ tiên, ăn mừng ngày chiến thắng. Nhà tôi vẫn lặng thinh. Hai má con vẫn lùi lũi trong căn nhà xập xệ. Sáng, má ra đồng ngó ngọn cỏ nước mặn mọc dài ngang ống chân không buồn nhổ. Chiều, má lội đìa nhổ bông súng nấu canh cá rô nêm thêm chút tiêu ăn cho ấm cái bụng mấy ngày trời sau mưa. Và đêm đêm, má lại ngồi mơ tưởng tới ba. Má cứ ngóng mãi xuống bến sông, trông chờ một âm thanh mái dầm khua nước, mũi xuồng va vào bờ lộc cộc. Chắc ba về! Mấy lần má mừng hụt, tại cơn gió vô tình cứ đẩy chiếc xuồng chòng chành sóng làm gì để má tôi hối hả chạy xuống rồi thất thểu trở lên nhà.

Ba tôi không đứng bên kia sông í ới gọi má tôi bơi xuồng qua đón ba. Ba tháo ba lô giơ cao lên rồi lội bì bõm ngang sông, từ cổ xuống chân ba ướt sũng. Qua được bên này sông, ba kêu to:

- Má con Hường ơi, tôi về rồi nè! Hường ơi, ba về rồi con ơi!

- Trời ơi, ba về rồi kìa má! - Tôi la toáng lên rồi chạy ra sân, còn má tôi vẫn cố dụi mắt thật kỹ, nghiêng đầu để nghe cho rõ coi có phải tiếng của ba tôi thật hay không. Hay gió bạt một âm thanh đoàn viên nào đó từ nhà láng giềng khiến má hy vọng rồi lại thất vọng. Nhưng lần này là thật. Tôi đã sờ được bàn tay lạnh lạnh vì nước sông của ba tôi. Dưới ánh trăng, tôi nhìn thấy ba mặc bộ quân phục, tay áo xắn lên. Gương mặt ba tôi vẫn lành thiện như xưa, có phần đen hơn.

Má tôi chạy ra đỡ cánh tay của ba, gục mặt:

- Ba nó đã về. Vậy mà tôi nghe người ta đồn ba nó bị Mỹ bắn trên chiến trường...

Nói tới đây, má tôi bật khóc nức nở. Hai cánh tay ba dang ra, một bên ôm má, một bên ôm tôi. Ôm cho thỏa lòng. Ôm để sưởi ấm, đắp bù tình yêu thương bấy lâu nay ba gửi lại quê nhà, còn con tim ba dành trọn cho miền Nam yêu thương đang sục sôi đánh Mỹ. Tôi khe khẽ:

- Ba về chuyến này, đừng đi đâu nữa, nghen ba!

Ba tôi gật đầu:

- Ừ, đất nước thanh bình rồi, ba còn đi đâu nữa.

Tôi thấy lòng mình ấm áp lạ thường. Má tôi kéo ống tay áo lau vội mấy hạt nước mắt lăn dài, sóng sánh dưới trăng khuya.

Tôi nhớ ngày ba đi đánh Mỹ, tôi còn nhỏ xíu. Lúc đó tôi mới bắt đầu nhận mặt mấy chữ i tờ. Hôm ba đi, má thức dậy từ sáng sớm, nấu bữa cơm thiệt ngon rồi bơi xuồng đưa ba ra đầu xóm. Trước lúc ba đi, tôi cứ líu ríu theo ba như một chú chim sâu. Ba vuốt tóc tôi, hôn lên má tôi và dặn:

- Út Hường của ba ở nhà ngoan, nghe lời má nghen con!

Thuở ấy, tôi chưa biết “kháng chiến” là gì. Có lần bà ngoại cắt nghĩa nôm na nhưng dễ hiểu: “Kháng chiến nghĩa là đi đánh giặc. Thằng Mỹ nó sang áp bức dân mình, giết người mình. Ba con phải đi đánh Mỹ, trả thù cho đồng bào ta”. Vậy tôi mới hiểu, tôi cũng lấy làm tự hào về việc đi kháng chiến của ba tôi.

Tôi lí nhí:

- Ba đi chừng nào ba về với con?

- Kháng chiến thắng lợi, nhất định ba sẽ về.

Tôi ngả đầu vào người ba. 

- Con đợi ba về.

Rồi ba đi. Má đội nón lá bơi chiếc xuồng ba lá đưa ba đi trên dòng sông hai bên mọc đầy mấy rặng dừa nước. Ngày trước, mỗi lần đi ruộng về, ba thường lội qua con sông ngó xem có buồng dừa nước nào vừa ăn hay không để chặt mang về cho tôi. Dừa nước ngọt thanh, dường như phù sa sông đất quê nhà đã âm thầm gieo vào loại quả tuyệt vời này cái vị ngọt như dòng sữa mẹ...

Tôi vẫn thường mơ về ba. Xóm tôi bình yên. Mấy lần có đoàn chiến sĩ đi ngang qua, má tôi đều chạy ra xem có ba tôi hay không. Không có thì má cũng mời mấy chú bộ đội vào nhà uống ngụm nước, bắt con gà làm thịt đãi các chú. Má dặn các chú có gặp ba tôi thì nhắn giùm với ba má con tôi ở nhà vẫn khỏe, vẫn đợi ba, chừng nào thanh bình, ba về với má con tôi.

Ngày ba về, trong nhà rộn rã. Tôi thấy mình sống lại những ngày trước khi ba tôi đi đánh giặc. 

Bây giờ cũng vậy, ba người trong mái nhà đơn sơ phía sau có chái bếp từng chiều má tôi nấu cơm, vạt khói bay lơ lửng lên nền trời xanh, tạt ra đồng xa. Có chăng là giờ đây, tôi đã lớn hơn xưa, tóc cũng dài hơn xưa. Mái tóc ấy chừng bao năm má không cho tôi cắt đi, dài quá thì má chỉ tỉa vài phân, má nói ba thương má, thương tôi một phần cũng vì mái tóc dài óng ả. Tôi xem việc để tóc dài là vì ba. Chờ đến khi ba về, ba lại sờ lên mái tóc tôi mà khen: “Tóc út Hường mượt quá! Y hệt tóc má ngày xưa”. Nhưng thanh xuân trôi qua, sự cơ cực của cuộc đời khiến má không thể để mái tóc dài năm xưa nguyên vẹn được. Một buổi trưa, má đội nón lá đi ra đầu xóm, tôi không biết là má đi đâu, đến chừng má về tháo nón lá ra, tôi hốt hoảng khi thấy tóc má tôi ngắn cũn cỡn. Tôi sụt sùi khóc, má tặc lưỡi: “Cái con này, kỳ thiệt! Cắt bỏ mớ tóc có gì mà khóc lóc, từ từ nó ra, má già rồi, đi ra đồng để tóc dài vướng víu”. Má nói vậy chứ mắt má cũng sóng sánh nước. Tôi biết má không tiếc thanh xuân, không tiếc mái tóc, chỉ sợ ba hụt hẫng lúc quay về.

Đêm đầu tiên ba tôi trở về sau ngày giải phóng, chúng tôi quây quần bên nhau. Ba kể cho má con tôi nghe mấy trận đánh ác liệt, ba và đồng đội giữ chắc tay súng, còn thằng Mỹ co giò chạy như đàn kiến bị người ta rót nước sôi vào. Hứng chí, ba vỗ đùi, cười sảng khoái. Tôi nhận ra ba vẫn trẻ trung như lúc ba đi. Hơn mười năm rồi còn gì! Mười năm nhớ thương, chờ đợi, có lúc tôi ngỡ rằng ba đã không về với má con tôi. Và rồi ba cũng quay về, hình như ông trời luôn hoan hỉ cho chúng tôi những điều mong mỏi. Ba tôi, người đàn ông kiên cường, nghĩa tình và chất phác. Không khí trong nhà lắng xuống khi ba kể về sự hy sinh của đồng đội bên bờ sông, trên chiến trường. Sự hy sinh đó dẫu vì đất nước cũng không khỏi chạnh lòng xa xót khôn nguôi.

Xóm tôi trở về với sự bình yên vốn có. Sau chiến tranh, hàng cây lại xanh, thảm lúa lại vàng, dòng sông lại trôi bên lở bên bồi, bờ đê cỏ mơn man thăm thẳm. Trên mảnh đất này, đã bao người ngã xuống từ thế hệ trước, đã bao người quật khởi đứng lên từ thế hệ hôm nay./.

Hoàng Khánh Duy

Chia sẻ bài viết