Tiếng Việt | English

18/06/2021 - 09:27

Nghề báo - Nghề của sự đam mê và dấn thân

Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng cần sự dấn thân của những người tham gia. Nhưng với riêng những nhà báo, phóng viên cần đặc biệt có sự dấn thân, vượt qua những nguy hiểm, cám dỗ để có những tác phẩm báo chí chất lượng. Đam mê, dấn thân không chỉ đơn giản là trách nhiệm của mỗi nhà báo mà đó còn là trách nhiệm với bạn đọc, xã hội đấu tranh trước cái sai để mang đến những điều tốt đẹp hơn cho xã hội.

Bài 1:   Dấu ấn những tác phẩm báo chí

Không có niềm vui nào đối với người làm báo hơn là những tác phẩm báo chí được bạn đọc đón nhận, dư luận quan tâm và được các cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, giải quyết các vấn đề được đặt ra từ bài báo. Chính những tác phẩm báo chí tốt sẽ góp phần gây dựng nên thương hiệu, uy tín cho mỗi tờ báo.

Vấn đề nuôi cá tra bột tự phát tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười được Báo Long An phản ánh

Vấn đề nuôi cá tra bột tự phát tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười được Báo Long An phản ánh

Đi tìm những đề tài của nhân dân

Đầu năm 2018, tìm về các địa phương vùng Đồng Tháp Mười - vựa lúa của tỉnh cũng như của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nông dân trong những câu chuyện thường ngày không mặn mà bàn đến chuyện giống gì, phân gì, nước tưới ra sao hay sâu, bệnh thế nào cho cây lúa. Mà câu chuyện lại xoay quanh con cá tra bột, nhà ông nào trúng lớn tiền tỉ, nhà ông nào được ít hơn.

Trong khi đó, xưa nay trên vùng đất này, con cá tra bột chỉ là thứ yếu do một vài hộ nuôi bán con giống cho người dân thả quanh ao nhà để đổi món trong mâm cơm gia đình. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hàng ngàn hộ dân đua nhau đào ao nuôi cá mong đổi đời. Những ao nuôi được máy múc thi nhau đào bới loang lổ xen giữa những cánh đồng lúa bất tận. Trong khi đó, đầu ra không ổn định do các thương lái từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang sang quyết định.

Cũng vì thế, viễn cảnh “được mùa, mất giá” như đã được dự báo từ trước. Bất chấp các khuyến cáo của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, rất nhiều hộ dân vẫn bỏ ngoài tai để mong sớm được đổi đời. Báo Long An cũng tiên phong vào cuộc phản ánh. Những bài báo: Ồ ạt nuôi cá tra giống, rủi ro khó lường; Nông dân bỏ lúa đào ao nuôi cá; Giá cá tra xuống thấp, nhiều nông dân lo lắng; Xử phạt hàng chục hộ dân tùy tiện sử dụng đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản;… liên tục được Báo Long An đăng tải để mang thông tin đầy đủ, chính xác hơn đến nông dân cũng như các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, có người biết thông tin không tiếp tục thực hiện nhưng cũng có không ít người bất chấp vẫn tiếp tục đào ao nuôi cá. Hệ quả của việc nuôi cá tra bột tự phát chính là không có đầu ra, người nuôi thua lỗ nặng. Hơn 2 năm sau, đa số các ao đã bỏ hoang trong khi nhiều người nuôi phải bán cả đất ruộng mới trả được nợ vay nuôi cá.

Hơn 2 năm sau, chúng tôi tiếp tục về lại vùng Đồng Tháp Mười khi nghe thông tin người dân bắt đầu thả nuôi tôm thẻ trên vùng ngọt hóa. Dù chỉ mới khởi phát ở một số hộ với gần 100ha ao nuôi nhưng đây rõ ràng là một vấn đề bất cập và bài học về con cá tra bột cũng mới vừa xảy ra. Những bài viết cảnh báo tiếp tục được Báo Long An đăng tải.

Cơ quan chức năng, nhất là UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều chỉ đạo về vấn đề này, tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn tái diễn ở nhiều địa phương. Hệ quả chắc chắn khó tránh khỏi. Hãy khoan nói đến việc “lỗ - lãi”, việc nuôi tôm thẻ trên vùng Đồng Tháp Mười trước mắt sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến lún đất, nhiễm mặn và nguy hiểm hơn, việc tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ ngấm ngầm ảnh hưởng, phá vỡ hệ sinh thái đa dạng trên vùng ngọt hóa.

Những vấn đề đã được đặt ra sau mỗi bài báo, nhưng rõ ràng để giải quyết căn cơ vấn đề cần rất nhiều giải pháp. Không phải chỉ là cấm, khuyến cáo hay xử phạt mà phải là các cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển nông nghiệp phù hợp, bền vững để người trồng lúa yên tâm với nghề bởi phải mất hàng chục năm cải tạo đất, rốn lũ Đồng Tháp Mười mới có thể trở thành vựa lúa trù phú như ngày hôm nay.

Từ phản ánh của Báo Long An đã góp phần chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép tại các huyện giáp ranh với TP.HCM

Từ phản ánh của Báo Long An đã góp phần chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép tại các huyện giáp ranh với TP.HCM

Sức lan tỏa của những bài báo

“Những bài báo có tính phản biện luôn thu hút được độc giả và được quan tâm nhiều nhất”. Đó không phải  là một nhận xét phiến diện khi đây là mảng đề tài khó, đòi hỏi nhiều công sức, thời gian cho phóng viên khi thực hiện bài viết. Công tác tại mảng Pháp luật - Bạn đọc, Báo Long An lâu nhất, gần 13 năm qua, phóng viên (PV) Lê Đức có hàng trăm bài báo phản biện. Đây cũng là mảng đề tài mang đến cho anh nhiều giải thưởng báo chí trong mỗi dịp thi thố cùng anh em đồng nghiệp. Những vấn đề nóng, những vụ việc được dư luận quan tâm trên địa bàn tỉnh luôn được anh phản ánh kịp thời, sinh động thông qua các tác phẩm báo chí. PV Lê Đức khẳng định: “Tôi sẽ luôn có mặt tại những điểm nóng, sẵn sàng nhận những đề tài khó hay phản ánh những trăn trở, bức xúc chính đáng của người dân đến với các cấp chính quyền. Đó là trách nhiệm của mỗi nhà báo đối với bạn đọc”.

Nhớ lại thời điểm những năm 2017, 2018, 2019, thị trường bất động sản Long An trở nên “nóng” với hàng loạt dự án lớn, nhỏ ở khắp các địa phương giáp ranh TP.HCM nở rộ. Trong số đó, có không ít dự án nhà đầu tư bỏ qua các quy định của pháp luật để triển khai. Thậm chí có cả “dự án ma” chưa hề triển khai đã rao bán rầm rộ trên mạng khiến nhiều người dân như lâm vào “ma trận” và có không ít người dành dụm, tích góp để đóng tiền cho dự án nhưng chỉ nhận được mảnh đất trên giấy. Thực trạng ấy không chỉ ảnh hưởng đến người dân, khách hàng mà còn khiến chính quyền địa phương, các ngành chức năng lúng túng trong xử lý sai phạm. Mở đầu bằng loạt bài viết Dự án tay không bắt giặc trên địa bàn xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, Báo Long An đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của dự án.

Cũng từ đó, Sở Xây dựng rà soát lại toàn bộ dự án liên quan đến xây dựng khu dân cư để chấn chỉnh vi phạm. Tiếp sau đó, lần lượt các bài viết liên quan đến đất đai, xây dựng, quản lý xây dựng đối với các khu dân cư tại các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc được Báo Long An liên tục phản ánh giúp các ngành chức năng, chính quyền địa phương kịp thời ghi nhận, xử lý. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng thành lập các đoàn thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng với số tiền hàng tỉ đồng, kịp thời chấn chỉnh những hành vi vi phạm trong các dự án kinh doanh bất động sản sau này.

Không chỉ có những tác phẩm báo chí phản biện, hơn 1 năm trở lại đây, khi dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là trong những đợt thực hiện giãn cách xã hội, những PV Báo Long An không quản nguy hiểm, vất vả, lăn xả vào tuyến đầu chống dịch để kịp thời đưa những thông tin chính thống, chính xác đến với bạn đọc. Đó là những thông tin về số ca mắc, những văn bản chỉ đạo của chính quyền, những câu chuyện nhỏ đầy nghĩa tình của đội ngũ y, bác sĩ, tinh thần sẻ chia của nhân dân trong mùa dịch và cả những đêm hành quân cùng bộ đội nơi miền biên giới. Tất cả những nỗ lực đó của đội ngũ người làm báo Báo Long An đều mong muốn mang những bài báo chất lượng đến độc giả.

Đổi lại cho những tác phẩm báo chí chất lượng, phản ánh được hơi thở cuộc sống, mỗi PV trước hết phải bám địa bàn, "lăn lộn" cùng nhân dân và phải có một tư duy tổng hợp, phân tích các khía cạnh của vấn đề. Đó không phải chỉ là một sớm, một chiều, thậm chí phải cả tháng trời để có đủ tư liệu cho một bài viết./.

(còn tiếp)

Bài 2: Báo chí cần sự đam mê và dấn thân

Kiên Định - Lam Hồng

Chia sẻ bài viết