Tiếng Việt | English

02/05/2019 - 14:42

Nghề nấu ăn - chủ động thời gian, có thêm thu nhập

Hàng năm, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnhLong An phối hợp mở các lớp dạy ghề cho lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, nghề nấu ăn được nhiều phụ nữ chọn học để tận dụng thời gian rảnh làm thêm, cải thiện cuộc sống.

1. Là giáo viên, chị Nguyễn Thị Trang (44 tuổi, ngụ ấp Bình Quới) thường rảnh rỗi cuối tuần và dịp nghỉ hè nên muốn tận dụng thời gian đó làm thêm một việc khác để tăng thu nhập. Theo đúng năng khiếu, sở thích của mình, chị Trang quyết định theo học lớp nấu ăn mở tại địa phương. Nhờ sự “bén duyên” ấy, hiện chị Trang là chủ Dịch vụ nấu ăn Anh Khoa và được khá nhiều người biết đến.

Bên cạnh là giáo viên, 3 năm trở lại đây, chị Trang có thêm nghề nấu ăn. Dù là nghề tay phải hay tay trái, chị cũng làm việc bằng cái tâm và có trách nhiệm. Chị Trang tâm sự: “Mặc dù có năng khiếu nấu ăn từ nhỏ nhưng tôi chỉ tự tin nấu cho gia đình. Sau khi tham gia khóa học, tôi biết thêm nhiều kiến thức mới về nấu ăn và tự tin nhận nấu cho những đơn vị quen biết. Tôi rút kinh nghiệm, tự học hỏi, trau dồi thêm và dần mở rộng thành dịch vụ kinh doanh chuyên nghiệp. Theo tôi, nếu đã chọn 2 nghề thì phải yêu cả 2 và không để nghề này làm ảnh hưởng đến nghề kia. Do đó, tôi phân chia thời gian rõ ràng cho từng công việc”.

Được biết, dịch vụ nấu ăn của chị Trang giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Bởi hàng tuần, dịch vụ nấu ăn của chị đều có khách đặt nấu, đặc biệt là dịp cuối tuần, lễ. Mỗi khi nhận nấu tiệc, chị Trang tập hợp mọi người trong nhóm để phân chia công việc, trong đó, chị đảm nhận nhiệm vụ của bếp trưởng.

Chị Trang chia sẻ: “Bí quyết nấu ăn để khách hàng tin tưởng là nấu bằng cái tâm. Nấu cho khách cũng như nấu cho gia đình mình, tôi chọn thực phẩm tươi, ngon, chất lượng và đặc biệt là bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, giá nhận đặt bàn cũng hợp lý bởi theo tôi, lời ít một chút nhưng tạo được uy tín, có chất lượng thì sẽ dễ dàng xây dựng thương hiệu của riêng mình”.

Nhờ nghề tay trái này, chị Trang có thêm thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng và giúp các thành viên trong nhóm có từ 200.000 -300.000 đồng/lần nhận tiệc.

2. Khác với chị Trang, chị Đỗ Thị Thu Hồng (36 tuổi, ngụ ấp Đông Trung), chọn bán những món ăn sáng để tận dụng thời gian nhàn rỗi và có thêm thu nhập cho gia đình.

Mỗi ngày, chị Đỗ Thị Thu Hồng thức dậy rất sớm để chuẩn bị nguyên liệu, nấu nước dùng

Mỗi ngày, chị Đỗ Thị Thu Hồng thức dậy rất sớm để chuẩn bị nguyên liệu, nấu nước dùng

Chồng thường xuyên đi làm xa, chị Hồng phải ở nhà quán xuyến gia đình và chăm sóc 2 người con đang còn đi học. Kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào nguồn thu nhập của chồng nên chị Hồng muốn tận dụng thời gian rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập, đỡ đần cho chồng. Vậy là chị Hồng tham gia lớp nấu ăn của địa phương. Được học các món hủ tiếu, bánh canh,... và nhận thấy mình có năng khiếu nấu ăn, chị Hồng mạnh dạn mở tiệm bán đồ ăn sáng. Những món ăn chị bán chính là những món chị được học một cách bài bản
nên có hương vị đúng chuẩn. Nhờ vậy, quán của chị có lượng khách quen đáng kể.

Chị Hồng bộc bạch: “Để có lượng khách quen đông, ngoài nấu đúng công thức, mình phải nấu bằng cái tâm và luôn vui vẻ. Nấu cho khách như nấu cho gia đình mình ăn nên thực phẩm không chỉ tươi ngon mà còn bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, buôn bán cũng niềm nở, tiếp thu những góp ý của khách hàng và thay đổi cho phù hợp. Có như vậy, quán mình mới ngày càng đông khách”.

Ngoài bán bữa sáng, chị Hồng còn tận dụng thời gian rỗi để may gia công, kiếm thêm thu nhập

Ngoài bán bữa sáng, chị Hồng còn tận dụng thời gian rỗi để may gia công, kiếm thêm thu nhập

Mặc dù dậy từ 1 giờ 30 phút sáng để chuẩn bị và làm việc đến gần 12 giờ trưa mới xong nhưng chị Hồng được ở nhà để chăm lo cho gia đình, chăm sóc các con. Với chị, công việc bán đồ ăn sáng rất phù hợp với hoàn cảnh của mình. Và nhờ công việc này, gia đình chị có thêm nguồn thu nhập ổn định, khoảng 300.000 đồng/ngày.

Không chỉ chị Trang, chị Hồng mà còn nhiều người khác tham gia lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, tận dụng được thời gian nhàn rỗi của mình để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích