Tiếng Việt | English

31/05/2022 - 18:21

Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân dân gian Đoàn Dự: Cả đời gắn bó với cải lương, đờn ca tài tử

Trong Liên hoan đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia diễn ra tại Cần Thơ vừa qua, Long An có 3 tiết mục đoạt Huy chương Vàng. Trong đó, có tiết mục ca ra bộ do Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), Nghệ nhân dân gian (NNDG) Đoàn Dự (Phạm Hữu Dự) biểu diễn cùng tài tử Cẩm Châu và Kim Phượng. Là người có nhiều kinh nghiệm, NNDG Đoàn Dự trực tiếp hướng dẫn cho 2 tài tử cùng biểu diễn. Đó là cách ông sống hết lòng, hết sức với nghệ thuật ĐCTT, cải lương.

Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Dự, tính theo tuổi thật, năm nay ông đã 76 tuổi

NSƯT Đoàn Dự, tính theo tuổi thật, năm nay ông đã 76 tuổi

Nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân dân gian NSƯT

Đoàn Dự vốn là Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An từ năm 2003. Đến năm 2010, ông về hưu. Tuy nhiên, thời điểm đó, Đoàn đang thiếu diễn viên, lớp nghệ sĩ trẻ chưa đủ vững vàng để thay thế các vai diễn của lớp đàn anh nên ông tiếp tục ở lại 3 năm nữa theo lời mời của Đoàn. Năm 2013, ông chính thức nghỉ hưu, lúc đó, tính theo tuổi thật, NSƯT Đoàn Dự đã 67 tuổi.

Cứ nghĩ, ở độ tuổi xấp xỉ 70, ông sẽ vui với gia đình, nhưng NSƯT Đoàn Dự vẫn không thể dứt mình ra khỏi nghiệp cầm ca. Ông kể: “Tôi mới chính thức nghỉ hôm trước thì hôm sau Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT huyện đến nhà chơi, các anh mời tôi tham gia CLB. Vậy là tôi tham gia tới bây giờ. Lúc rảnh rỗi thì đi đờn, ca với anh em cho vui”. NSƯT, NNDG Đoàn Dự là một trong những thành viên nòng cốt của CLB ĐCTT huyện Thủ Thừa. Ông cùng với Chủ nhiệm CLB là chú Sáu Đam và Nghệ nhân ưu tú Tấn Khoa tham gia hướng dẫn những thành viên mới và trao truyền cho họ kinh nghiệm đờn, ca. Đó là niềm vui của người nghệ sĩ yêu nghề lúc bóng xế tuổi già. Với những đóng góp dành cho nghệ thuật ĐCTT, năm 2014, NSƯT Đoàn Dự được công nhận là NNDG.

Thành quả Huy chương Vàng dành cho tiết mục ca ra bộ Cả nhà cùng vui tại Liên hoan ĐCTT Quốc gia có không ít công sức của NSƯT, NNDG Đoàn Dự. Vừa tham gia biểu diễn ca, ông vừa hướng dẫn bạn đồng diễn cách ca, diễn. Những ngày diễn ra liên hoan, dù tuổi cao, sức khỏe có phần không được tốt, ông vẫn chung vai sát cánh cùng đoàn nghệ nhân, tài tử. 6 ngày ròng rã tại Cần Thơ và 5 Huy chương Vàng (3 Huy chương Vàng tiết mục, 2 Huy chương Vàng toàn đoàn) mang về khiến người nghệ sĩ lớn tuổi không khỏi nức lòng. Ông lật đi lật lại những hình ảnh về liên hoan được các thành viên trong đoàn chia sẻ để xem. NSƯT Đoàn Dự nói, ông đã dành cả cuộc đời mình cho đờn, ca, từ thời mới mười tám, đôi mươi đến tận bây giờ nên cứ làm được chuyện gì cho cải lương, ĐCTT, ông đều cảm thấy rất vui và hạnh phúc.

“Quên trước, quên sau nhưng bài ca lại không quên”

Có lẽ “máu” yêu đờn, ca đã có sẵn trong người nên lúc còn đi học, dù gia đình ngăn cấm, cậu học trò Đoàn Dự vẫn lén đến nhà người cậu, vốn là “tài tử vườn” để học đờn, ca. Là người sáng dạ, có năng khiếu nên được cậu chỉ đến đâu là ông biết đến đó. Lúc gia đình biết Đoàn Dự lén học đờn, ca thì ông đã đờn hay, ca giỏi. Để trốn quân dịch, ông xin phép gia đình theo đoàn hát rồi rời nhà theo đoàn cải lương ở Sài Gòn lúc bấy giờ (hiện nay là TP.HCM). Khi đất nước giải phóng, ông tham gia đoàn Tiếng Ca Sông Cửu ở Vĩnh Long và trở thành nghệ sĩ được khán giả yêu mến.

Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Dự trong một vở diễn cùng NSƯT Hồ Ngọc Trinh (bìa phải). Khi còn là Phó Trưởng đoàn Cải lương Long An, NSƯT Đoàn Dự đã rất nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp trẻ, trong đó có NSƯT Hồ Ngọc Trinh (Ảnh chụp lại do nhân vật cung cấp)

NSƯT Đoàn Dự trong một vở diễn cùng NSƯT Hồ Ngọc Trinh (bìa phải). Khi còn là Phó Trưởng đoàn Cải lương Long An, NSƯT Đoàn Dự đã rất nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp trẻ, trong đó có NSƯT Hồ Ngọc Trinh (Ảnh chụp lại do nhân vật cung cấp)

Sinh ra tại xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An nhưng phải sớm xa quê vì chiến tranh, loạn lạc, NSƯT, NNDG Đoàn Dự luôn mong muốn được trở về sinh sống và làm việc tại quê nhà. Đến năm 1982, ông được Đoàn Cải lương Long An mời về làm việc. NSƯT Đoàn Dự kể: “Hồi đó, tôi đang trông về xứ lắm! Từ lúc rời nhà đi theo đoàn hát, tôi bôn ba khắp nơi nhưng chưa được về nhà. Nhận được lời mời của đoàn Long An, tôi mừng lắm! Rồi tôi về công tác tại đoàn Long An cho tới lúc nghỉ hưu”.

Tiết mục ca ra bộ Cả nhà cùng vui do NSƯT, NNDG Đoàn Dự biểu diễn cùng Kim Phượng và Cẩm Châu trong Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tiết mục ca ra bộ Cả nhà cùng vui do NSƯT, NNDG Đoàn Dự biểu diễn cùng Kim Phượng và Cẩm Châu trong Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tại Đoàn Cải lương Long An, NSƯT Đoàn Dự là người chuyên "trị" các vai hài - thể loại vai được đánh giá là khó nhất trong một vở diễn. Người nghệ sĩ diễn hài ngoài ca hay, diễn tốt còn phải có nét duyên để chọc cười khán giả. Năm 2001, ông được phong tặng danh hiệu NSƯT. Thời điểm đó, cả miền Nam chỉ có 2 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu cao quý ấy. Đến năm 2003, ông được tín nhiệm giữ vị trí Phó Trưởng đoàn Cải lương Long An. Vừa làm nghề, ông vừa hướng dẫn, đào tạo cho lớp nghệ sĩ trẻ. Những ngày mới vào đoàn, NSƯT Hồ Ngọc Trinh (Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An hiện nay) cũng nhận được sự hỗ trợ, chỉ dẫn nhiệt tình của NSƯT Đoàn Dự. Với nghề, NSƯT Đoàn Dự không ngần ngại bất cứ điều gì. Ông không sợ khó, sợ khổ, luôn tìm tòi, học hỏi, chỉ mong đem đến cho khán giả những tiết mục hay nhất, đáng nhớ nhất. Với đồng nghiệp, ông không sợ mất nghề và "sóng sau xô sóng trước" mà luôn hướng dẫn, chỉ dạy hết lòng. Ông không nhận mình là thầy của bất cứ ai, bởi với ông, việc người trước hướng dẫn người sau là điều tất yếu.

Giờ đây, khi đã về hưu, NSƯT Đoàn Dự ngày ngày cùng vợ chăm lo việc buôn bán của gia đình và dành thời gian tham gia CLB ĐCTT. Thỉnh thoảng, lúc ngồi một mình buồn, ông vẫn hay lẩm nhẩm lời bài ca cũ như một cách giải khuây. Ông nói: “Tuổi này ưa quên lắm, quên trước, quên sau nhưng bài ca lại không quên. Lâu lâu ngồi nhẩm lại chơi, tưởng quên nhưng mà vẫn nhớ, nhớ hết”./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết