Tiếng Việt | English

06/09/2018 - 16:11

Nghề sửa điện tử... “về chiều”

Nghề sửa chữa điện tử hiện nay không còn thịnh hành như trước nữa do thị trường hàng điện tử rất đa dạng, phong phú, giá cả lại rất “mềm”.

Anh Nguyễn Anh Kiệt, ngụ phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An chia sẻ: “Những mặt hàng điện tử hiện nay giá rẻ, mẫu mã, tính năng ngày càng được đổi mới nên nếu thiết bị nào bị hư hỏng, người tiêu dùng sẵn sàng mua đồ mới chứ ít sửa chữa”.

Anh Trần Văn Thuần đang sửa chữa các thiết bị điện tử

Một cái tivi chỉ từ 3,5 triệu đồng trở lên nên khi máy bị hư hỏng vài bộ phận, ít người chịu bỏ ra vài trăm ngàn đồng để sửa mà phần lớn chọn mua máy mới. Những loại tivi đắt tiền sử dụng công nghệ màn hình led đều có bảo hành nên rất ít khi cần đến thợ sửa điện tử. Ông Nguyễn Tuấn Vinh, ngụ phường 3, TP.Tân An, cho biết: “Thông thường, các loại thiết bị điện tử ít trục trặc trong thời gian bảo hành; phải đến vài năm sau, sản phẩm mới bắt đầu hư hỏng, lúc đó người tiêu dùng có xu hướng mua sản phẩm mới với nhiều tính năng ưu việt hơn chứ không sửa chữa. Vì thế, những người làm nghề sửa điện tử không còn “đất dụng võ””.

Cách đây hơn 15 năm, sửa điện tử là một nghề “ăn nên làm ra”. Thế nhưng gần đây, nhiều người phải bỏ nghề vì thu nhập quá thấp, có khi mở cửa tiệm cả ngày không có khách. Anh Trần Văn Thuần - chủ tiệm điện tử Mười (ấp 6, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức), cho biết: “Nghề sửa điện tử ngày càng gặp khó khăn, đó là tình trạng chung của những người làm nghề bởi hàng điện tử giá ngày càng rẻ, các cửa hàng bán kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nên người tiêu dùng có xu hướng mua đồ mới khi thiết bị cũ hư hỏng. Vì vậy, những người còn bám trụ với nghề này không nhiều”. Không thể sống bằng nghề sửa điện tử như trước nên nhiều người bỏ nghề, số người giữ nghề chỉ xem đây là nghề tay trái. Nhiều người thợ điện tử động viên nhau chịu khó mày mò, học hỏi, nghiên cứu thêm về sửa màn hình led, LCD, đầu kỹ thuật số HD để bám trụ./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết