Tiếng Việt | English

30/01/2020 - 09:27

Nghĩa tình ngày xuân

Tết là thời điểm sum họp, đoàn viên, gặp nhau nói lời chúc mừng năm mới sau một năm dài theo đuổi những dự định riêng. Ngày xuân, khắp các ngõ đường từ phố thị đến thôn quê đều rực rỡ cờ, hoa. Người đi du xuân, thăm hỏi nhau, cầu chúc một năm mới bình an, hạnh phúc.

Tết tri ân

Về thăm quê những ngày nghỉ tết, ngoài dành thời gian cho gia đình, anh Dương Hoàng Hiệp (TP.Tân An, tỉnh Long An) cùng các bạn đến thăm cô giáo cũ. Hơn 20 năm, những cô cậu học trò lớp 9 năm xưa nay đã trưởng thành, quay về chúc tết người thầy cũ. Đó là cách anh Hiệp và các bạn mình nói lời tri ân thầy, cô giáo năm xưa. Mỗi năm, dịp tết đến, anh cùng các bạn đến chúc tết thầy cô, dù mọi người đã rời xa trường cũ nhiều năm.

Kỳ nghỉ tết dài ngày là thời điểm mọi người được nghỉ ngơi, về với gia đình, kết nối lại những mối dây tình cảm sau một năm bận bịu cùng cuộc sống

Những chuyến thăm, chúc tết nhau tạo nên không khí vui tươi, ấm áp ngày xuân, gắn kết tình cảm gia đình, làng xóm. Anh Phạm Ngọc Hà (huyện Châu Thành) cho biết: “Mỗi năm, mùng 2 tết là đại gia đình tôi họp mặt mừng tuổi bà nội, chúc tết bà và lì xì các cháu nhỏ trong nhà. Đây là thời điểm cả gia đình sum họp đầy đủ thành viên, quây quần bên mâm cỗ, cùng nói những chuyện vui trong năm mới”.

Chúc tết, mừng tuổi, lì xì là điều không thể thiếu trong ngày tết. Phong tục truyền thống ấy được người Việt gìn giữ dù ở bất kỳ đâu. Chị Nguyễn Thị Kim Dút (thị xã Kiến Tường) kể một kỷ niệm khó quên: “Chúng tôi sống cùng ba chồng. Gia đình lớn họp mặt vào mùng 2 tết nhưng sáng mùng 1, vợ chồng tôi và các cháu đều ăn mặc chỉnh tề chúc tết và mừng tuổi ba. Điều đó đã trở thành thông lệ. Tuy nhiên, có một năm, do quá bận rộn, vợ chồng tôi bàn nhau để mùng 2 khi cả nhà quây quần rồi sẽ chúc tết ba sau. Ba đã buồn nhiều vì điều đó. Từ đó về sau, dù có bất cứ chuyện gì, chúng tôi cũng không dám lơ là những điều đã trở thành nếp gia đình”. Đó là cách mà tết truyền thống được gìn giữ.

Mỗi gia đình có một nếp riêng để đón mùa xuân ấm áp. Có nhà chọn diện trang phục áo dài cùng nhau trong ngày đầu năm, quây quần chúc tết ông bà, uống ly trà thơm, ăn viên mứt tết. Có gia đình gìn giữ phong tục chúc tết, lì xì con cháu như một niềm vui không thể thiếu, để mỗi dịp tết về, các cháu trong nhà dù lớn, dù nhỏ vẫn mong mỏi được về nhà nhận bao lì xì từ ông bà, cha mẹ như nhận sự yêu thương bền vững từ gia đình. Thường các phong bao sẽ có giá trị về mặt tinh thần nhiều hơn, tượng trưng cho may mắn, lời chúc tốt đẹp dành cho các thành viên trong gia đình với nhau.

Cũng như bao gia đình khác, gia đình anh Hồ Kim Lân (thị xã Kiến Tường) vẫn giữ phong tục chúc tết, lì xì đầu năm mới. Anh Lân chia sẻ: “Gia đình lớn họp mặt vào mùng 1 tết tại nhà tôi nên các con luôn nhận được nhiều lì xì. Tôi dạy con chúc tết và gọi bao lì xì là lộc. Lộc tết trong bao đỏ là điều đáng trân trọng, không so bì hơn thua và cũng không mở lộc trước mặt mọi người. Tôi mong con mình có cái tết vui đúng nghĩa với các bao lì xì”.

Tết là thời điểm cả gia đình anh Phạm Ngọc Hà sum họp đầy đủ các thành viên, quây quần bên mâm cỗ, cùng nói những chuyện vui trong năm mới

Xuân họp mặt

Kỳ nghỉ tết dài là thời điểm mọi người được nghỉ ngơi, về với gia đình, kết nối lại những mối dây tình cảm vô tình bị bỏ quên trong suốt một năm bận bịu cùng cuộc sống. Chị Trương Thị Hồng Tươi (TP.Tân An, tỉnh Long An) cho biết: “Suốt 3 ngày tết, tôi đều dành thời gian đến thăm, chúc tết người thân, bạn bè. Mùng 1, tôi về viếng mộ người thân, ghé thăm, họp mặt cùng gia đình dì tôi ở Tân Trụ. Mùng 2, tôi dành thời gian đến thắp nhang cho ông bà ngoại. Mùng 3, mùng 4 là thời điểm tôi dành cho bạn bè”. Dù quý mến nhau nhưng giữa bộn bề cuộc sống, mọi người ít có dịp thăm viếng, sum họp cùng nhau. Kỳ nghỉ tết dành cho tất cả mọi người là cơ hội để gặp gỡ, tâm tình. Buồn, vui năm cũ trút cạn cùng bè bạn, người thân để bắt đầu năm mới đong đầy niềm vui, hạnh phúc. Chị Trần Thị Cẩm Giang (huyện Châu Thành) kể: “Đêm mùng 2 tết, các bạn đến chơi, chúc tết nhà tôi. Từ ngày tốt nghiệp mỗi người một hướng, chỉ có dịp tết về, chúng tôi mới được ngồi lại với nhau”. Bên ly trà thơm và khay mứt tết, những người bạn cũ nhắc chuyện xưa và sẻ chia những dự định sau này. Ngày xuân nhờ vậy mà rộn rã tiếng cười.

Có gia đình gìn giữ phong tục chúc tết, lì xì để mỗi dịp tết về, các cháu trong nhà dù lớn, dù nhỏ vẫn mong mỏi được về nhà nhận bao lì xì từ ông bà, cha mẹ như nhận sự yêu thương bền vững từ gia đình (Ảnh tư liệu)

Sợi dây tình cảm vô hình chính là bản lề giúp mọi người gìn giữ những nét đẹp trong ngày Tết Cổ truyền. Năm nào cũng vậy, vợ chồng ông Phạm Văn Giang (huyện Châu Thành) luôn dành ngày mùng 1 tết để viếng thăm người thân, hàng xóm. Ông Giang nói: “Bà ấy thì thả bộ mấy nhà trong xóm, tôi thì đi xa một chút. Chúng tôi tới thăm, ngồi chơi nói đôi ba câu chuyện, uống chung trà rồi về”. Bên ly trà thơm, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân (vợ ông Giang) tiếp lời chồng: “Chúng tôi chúc tết người thân, hàng xóm, các con thì dành thời gian thăm nhà đồng nghiệp. Tôi hay thấy con cùng đồng nghiệp tổ chức đoàn chúc tết vòng hết các gia đình, mỗi nhà sẽ ngồi lại uống đôi chung trà, rượu nhưng từ năm nay trở đi có lẽ chỉ uống trà thôi!” - bà cười.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, tết cũng dần thay đổi cho phù hợp. Nhưng dù thay đổi thế nào thì ý nghĩa sum họp, đoàn viên, thăm viếng ngày đầu năm mới vẫn là nét truyền thống được giữ gìn! Tết là dịp để trở về, sống chậm, tri ân, lúc những đứa con xa quê được về nối lại mối dây tình cảm thiêng liêng của ruột rà, bạn bè, làng xóm./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết