Tiếng Việt | English

24/11/2016 - 17:25

Trường THPT Đức Hòa

Nghiên cứu bài học - góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Thực hiện đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, Trường THPT Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, đạt những kết quả thiết thực. Qua đó, học sinh (HS) nắm chắc bài, giáo viên (GV) được nâng cao nghiệp vụ sư phạm.

Nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên

Từ đầu năm học, các tổ chuyên môn chọn ít nhất 14 bài học, rải đều theo chương trình cả năm học để cùng nghiên cứu. Các bài được chọn nghiên cứu là những bài khó trong chương trình. Từ đó, cả tổ cùng nhau trao đổi, thảo luận chi tiết để xây dựng giáo án từ những đóng góp ý kiến của tập thể GV trong tổ.

Các bài học được thống nhất về phương pháp dạy, phương tiện dạy học, cách tổ chức tiết học, các hoạt động để HS tự khám phá, tiếp cận kiến thức, cách vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Ngoài ra, cả tổ cũng thảo luận thêm về những thuận lợi và khó khăn của HS trong quá trình lĩnh hội kiến thức, dự đoán các tình huống có thể xảy ra đối với từng HS, từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp.


Học sinh tập trung quan sát nhóm mình làm bài tập

Sau khi thống nhất về giáo án, các tổ tiến hành dạy thử nghiệm trên lớp và các tổ viên cùng dự giờ. Đặc biệt, vị trí ngồi của GV dự giờ không nhất thiết ở cuối lớp mà có thể ngồi ở bất cứ nơi nào thuận tiện để GV quan sát, theo dõi được nét mặt, hành động, thái độ học tập của HS. Từ đó, GV có thể nhận định về chất lượng tiết học, xem HS có hiểu bài và hứng thú trong quá trình học hay không.

Ngoài ra, GV dự giờ còn phải chú ý những hoạt động mà HS không hợp tác, gặp khó khăn trong tiếp cận kiến thức hay những câu hỏi chưa tạo sự hứng thú cho HS, từ đó tìm các giải pháp khắc phục. Thông qua buổi dạy thử nghiệm, GV trong tổ họp rút kinh nghiệm về giáo án và xây dựng giáo án hoàn chỉnh hơn, khắc phục những hạn chế trước khi áp dụng ở tất cả các lớp.

Học sinh nắm chắc bài hơn

Thầy Đào Ngọc Trai - GV môn Toán chia sẻ: Ở các bài học khó, nếu không có nghiên cứu bài học, GV sẽ dạy theo ý cá nhân mình nên tiết học không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, khi áp dụng nghiên cứu bài học, giáo án được xây dựng trên trí tuệ của tập thể, các GV trong tổ có thể đưa ra nhiều phương pháp dạy khác nhau và cùng thảo luận chọn phương pháp phù hợp nhất với bài học được chọn. Nhờ có nghiên cứu bài học, HS lĩnh hội kiến thức tốt, tích cực tham gia xây dựng bài học, GV cũng tích lũy cho mình những phương pháp dạy hay, hiệu quả.

Thông thường, tiết học được nghiên cứu được khởi động bằng một trò chơi liên quan đến bài học. Sau đó, GV hướng dẫn để HS khám phá kiến thức mới, vận dụng kiến thức này giải quyết các vấn đề thực tiễn. Nhờ vậy, dù là những bài học khó, kiến thức có phần trừu tượng nhưng HS thoải mái trong tiết học, hiểu rõ bản chất của kiến thức, tiết học trở nên sinh động hơn.


Học sinh được biểu dương khi phát biểu đúng

"Những tiết học được GV dạy theo hướng gợi mở thông qua các hoạt động rất thu hút, kích thích em phải cố gắng suy nghĩ tìm ra đáp án mà GV đang gợi ý. Nhờ vậy, em hiểu bài kỹ hơn và dễ dàng áp dụng khi giải quyết các vấn đề thực tiễn. Ngoài ra, GV thường cho học nhóm, chơi các trò chơi nên lớp học cũng sôi động, các bạn hứng thú học tập và tích cực phát biểu hơn" - em Lâm Cẩm Tiên - HS lớp 11TN1 chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hòa - Huỳnh Công Thành cho biết: Nghiên cứu bài học là việc làm thiết thực trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trường là đơn vị điểm của tỉnh trong thực hiện đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn trong nghiên cứu bài học. Trong năm học này, để đáp ứng kỳ thi THPT quốc gia, ngoài nghiên cứu bài học, các tổ còn tham gia nghiên cứu ra đề trắc nghiệm, đặc biệt là các môn Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, giúp HS làm quen dạng đề này.

Nghiên cứu bài học thực sự là hướng dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS. HS được tham gia xây dựng bài học, nhờ vậy, các em hứng thú học tập cũng như phát huy khả năng tư duy, năng lực của mình. Ngoài ra, GV có cơ hội học tập kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần nâng cao năng lực sư phạm, từ đó chất lượng dạy học ngày một nâng cao./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích