Tiếng Việt | English

30/09/2020 - 08:46

Người cao tuổi - vốn quý của xã hội

Người cao tuổi ở nước ta là lớp người đã đi cùng thăng trầm của đất nước, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong thời chiến, cha ông ta đã tích cực lao động, sản xuất, hăng hái lên đường theo tiếng gọi của đất nước, đấu tranh vì nền hòa bình, độc lập dân tộc. Họ đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh, cống hiến cả tuổi thanh xuân vì Tổ quốc.

Ngày nay, người cao tuổi là nhân chứng sống của những cuộc đấu tranh giữ nước, là vốn quý của xã hội với biết bao kinh nghiệm sống mà thế hệ trẻ cần học tập. Ở người cao tuổi hội đủ phẩm chất của người Việt Nam: Nhân nghĩa, cần cù, dũng cảm, thủy chung, lạc quan… Có rất nhiều người ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng vẫn không ngừng cống hiến, góp sức mình vào sự phát triển chung của xã hội. Đó là giáo sư Trần Đông A, giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, giáo sư Vũ Khiêu… Không khỏi xúc động trước hình ảnh giáo sư Trần Đông A bước vào phòng mổ cùng ekip để thực hiện ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi vào tháng 7/2020. Ông muốn đồng hành cùng những đồng nghiệp của mình, mang kiến thức y học để giành lại sự sống bình thường cho 2 bé. Với kinh nghiệm quý báu từ ca mổ tách rời cặp song sinh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức (năm 1988), ông đã cùng đồng nghiệp thực hiện thành công ca phẫu thuật tách rời Trúc Nhi - Diệu Nhi.

Giáo sư Trần Đông A cũng là người thực hiện nhiều ca ghép tạng cho trẻ em. Ở tuổi 79, vị giáo sư này vẫn không ngừng cống hiến, với ông “còn tỉnh táo là còn cống hiến”. Hay giáo sư Vũ Khiêu, học giả uyên bác về văn hóa Đông - Tây, ông biên soạn và xuất bản nhiều tác phẩm về văn hóa, lịch sử có giá trị, ý nghĩa to lớn. Và còn biết bao người cao tuổi khác đã bước vào tuổi nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, nhưng vẫn tích cực lao động, sản xuất, tham gia công tác xã hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao…

Trong gia đình, ông bà là “cây cao bóng cả”, chỗ dựa tinh thần vững chắc của con cháu. Cuộc sống hiện đại, những gia đình tam, tứ đại đồng đường không còn phổ biến, con cháu thường ít sống chung cùng ông bà, nhưng ông bà vẫn là “bức tường thành” vững chắc, là kho kinh nghiệm sống quý báu, luôn răn dạy con cháu điều hay, lẽ phải, đạo lý ở đời. Ông bà là những người giữ nếp nhà, luôn rèn con cháu vào nền nếp gia phong, sống theo khuôn phép, biết “kính trên, nhường dưới”. Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ là đạo lý từ ngàn đời nay luôn được con cháu giữ gìn và phát huy. Thế nhưng, đâu đó trong xã hội vẫn còn những trường hợp con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ. Gần đây, vụ việc người con gái có hành vi ngược đãi, đánh đập mẹ già vì không được chia tài sản ở xã Long Hòa, huyện Cần Đước, khiến mọi người bức xúc. Hành vi đó vi phạm đạo đức, đi ngược lại những giá trị đạo hiếu của người làm con. Tuy nhiên, đó chỉ là trường hợp cá biệt, “con sâu làm sầu nồi canh”.

Người cao tuổi là lớp người có nhiều cống hiến cho xã hội, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, người truyền thụ, bổ sung cho thế hệ trẻ truyền thống văn hóa với kinh nghiệm sống quý báu. Để “cái gốc” của gia đình và xã hội được bền vững, mỗi người cần quan tâm, chăm sóc để người cao tuổi tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích./.

Anh Túc

Chia sẻ bài viết