Tiếng Việt | English

25/01/2020 - 07:38

Người già kể Tết xưa

Cũng là dịp để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên; người thân vui vẻ, đoàn viên bên nhau nhưng tết xưa qua lời kể của những người lớn tuổi thật ấm cúng, ý nghĩa và đậm đà bản sắc truyền thống.

Cùng nhau chuẩn bị tết

Cận tết, nhà nhà tất bật chuẩn bị đón xuân. Những người thân trong họ hàng, xóm làng làm heo chia thịt. Ai có tiền trả bằng tiền, ai có lúa trả bằng lúa, dù còn thiếu thốn cũng cố gắng chia vài cân thịt để ăn tết.

Ông Đặng Thành Quan (75 tuổi), ngụ huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cho biết: “Khi tôi 5-10 tuổi, người dân mình thời ấy còn nghèo, đất nước chưa thống nhất nên tết cũng không trọn vẹn nhưng nét truyền thống thì vẫn luôn được giữ. Tùy theo điều kiện, mỗi gia đình làm mâm cơm cúng ông bà khác nhau nhưng thường có món thịt kho, món canh và món xào. Đó là món ăn truyền thống ngày tết nên ai cũng cố gắng chia thịt để làm món kho cúng tổ tiên, ông bà”.

Từ xưa đến nay, tết luôn là dịp để các thế hệ trong gia đình quây quần bên nhau

Ngoài chuẩn bị thịt, trước tết, mọi người còn tháo đập, tát đìa để bắt cá và chứa trong những khạp lớn, tự trồng cải để làm dưa muối và tự nấu rượu, gói bánh, làm bánh, mứt,... chuẩn bị tết. Trong đó, bánh tét là nét đặc trưng và không thể thiếu trong dịp tết của người miền Nam. Hình ảnh những người phụ nữ ngồi quây quần bên mái hiên nhà gói bánh tết trở nên quen thuộc mỗi dịp xuân về. Người lau lá, xếp lá, người chuẩn bị nếp, đậu, thịt mỡ, chuối, người gói, cột bánh. Bánh tét gói xong thì đem đi nấu. Mọi người thay phiên canh nồi bánh tét. Thường bánh chín là gần giao thừa hoặc nhà nào gói mùng 2 tết thì bánh chín cũng tận khuya. Trong lúc chờ bánh chín, những câu chuyện được sẻ chia bên bàn trà hay ngồi tâm tình trên tấm đệm được trải trước nhà; những đứa trẻ chơi đùa, ríu rít với nhau. Không khí tết tràn ngập từng ngõ ngách.

Ngoài bánh tét, để chuẩn bị tết, mọi người còn làm nhiều loại bánh, mứt khác. Trong đó, bánh phồng mì là loại bánh không thể thiếu của những gia đình nghèo. “Tận dụng những nguyên liệu sẵn có, mọi người chế biến thức ăn, bánh để dành cho tết. Ngày xưa, khoai mì được trồng rất nhiều nên bánh phồng mì trở thành món ăn chơi quen thuộc của người già, trẻ nhỏ ngày tết. Bánh được làm từ củ mì nấu chín, bung nở rồi cho vào cối tán mịn với nước đường tán đến khi thành hỗn hợp dẻo mịn thì cho ra lá chuối cán mỏng, sau đó đem phơi khô. Bánh được nướng lại trước khi ăn” - ông Quan chia sẻ.

Dù nghèo, mọi người vẫn chuẩn bị tết theo khả năng của mình để niềm vui thêm trọn vẹn.

Cầu mong năm mới may mắn, tốt đẹp

Tảo mộ là một phong tục không thể thiếu của ngày tết. “Sống có nhà, thác có mộ” - đó là nơi tổ tiên, ông bà an nghỉ. Tết đến, các gia đình đi tảo mộ để dọn cỏ, rác xung quanh như làm mới lại “căn nhà” cho ông bà đón tết.

Ông Tôn Thọ Nuôi (66 tuổi), ngụ TP.Tân An, tỉnh Long An bộc bạch: “Tết là dịp để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên nên trước khi dọn nhà cửa của mình để đón tết, mọi người đi tảo mộ nhằm thể hiện sự tôn kính, biết ơn người đã mất. Đó cũng là nét đẹp đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Sau khi tảo mộ, tùy theo phong tục địa phương, mọi người có thể tập trung về nhà thờ để cúng mâm cơm cho ông bà và ăn bữa cơm đoàn viên”.

Sau khi tảo mộ, các gia đình bắt đầu trang trí nhà cửa tươi mới, tươm tất hơn, nhất là bàn thờ gia tiên. Chủ nhà thường mua tranh tứ thời như mai, lan, cúc, trúc; ngư, tiều, canh, mục; tranh theo sự tích, truyện như Phạm Công - Cúc Hoa, Lâm Sanh - Xuân Nương, Lục Vân Tiên,… hoặc tranh ghi lại nội dung truyện tàu: Tiết Đinh San chinh Tây, La Thông tảo Bắc,… để treo trên vách nhà. Riêng bàn thờ gia tiên, chủ nhà thường mua tranh chữ vạn hoặc tranh có 4 chữ Hán gồm: Hiếu nghĩa vi tiên để treo ở giữa. 2 bên bàn thờ treo 2 câu đối với giấy đỏ mực tàu đen. Câu đối thường được chọn là Tổ công đức phụ thiên niên thịnh/ Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh.

Ngoài ra, các gia đình cũng có thể mua giấy cắt sẵn hình trái bí, trái châu, hình hoa để treo cao giữa nhà. “Hoa tươi trang trí tết không phải mua như bây giờ mà các gia đình thường tự trồng như hoa vạn thọ, mào gà, cúc,…” - ông Quan cho biết. Tất cả sự chuẩn bị ấy, ngoài làm đẹp căn nhà còn thể hiện mong muốn đón nhận những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới của gia chủ.

Ngày tết, mọi người trong dòng họ, xóm làng đi chúc tết nhau. Những điều tốt đẹp, may mắn được gửi trao để bắt đầu năm mới tốt đẹp. Ông Nuôi thổ lộ: “Tết đến, mọi người bỏ qua hết những chuyện cũ không vui, không may mắn, tha thứ và xí xóa những lỗi lầm của nhau để bắt đầu một năm mới với những điều mới. Mọi người trong gia đình, họ hàng, xóm làng chúc nhau một năm mới “vạn sự như ý, an khang thịnh vượng”. Câu chúc ấy thể hiện niềm tin, khát vọng về một năm mới may mắn, mạnh khỏe và đủ đầy”. Nét đẹp truyền thống không thể thiếu trong ngày tết còn là con dâu, con rể mới đi thăm, chúc tết cha mẹ chồng, vợ.

Dù còn khó khăn, thiếu thốn nhưng tết xưa vẫn ấm cúng và mang đậm giá trị truyền thống. Theo sự phát triển của xã hội, tết dần có sự thay đổi là điều tất yếu nhưng giá trị truyền thống của tết vẫn vẹn nguyên. Tết là dịp để con cháu thể hiện sự hiếu kính với ông bà, tổ tiên và là ngày đoàn viên của các gia đình./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích