Tiếng Việt | English

01/08/2022 - 10:45

Người kiên quyết 'sống ngoài vòng pháp luật' của kẻ thù

Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Lê Thị Rành là mẹ duy nhất còn sống ở xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Mẹ là 1 trong 4 Mẹ VNAH đại diện cho 109 Mẹ VNAH còn sống trên toàn tỉnh dự Lễ họp mặt nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua.

1. Khi chương trình văn nghệ diễn ra, đôi mắt mẹ rưng rưng. Mẹ nói mẹ nhớ hoàn cảnh của mình, nhớ những ngày tiễn chồng, tiễn con lên đường theo cách mạng để rồi vĩnh viễn chia xa.

Từ ngày chồng mẹ - liệt sĩ Lê Văn Còn thoát ly đi chiến đấu, mẹ một mình ở lại nuôi con và kiên quyết “sống ngoài vòng pháp luật” của kẻ thù. Giặc chủ trương gom dân vào ấp chiến lược để bình định chiến trường, cắt đứt đường dây liên lạc giữa cách mạng và người dân. Trước hoàn cảnh đó, mẹ chọn đưa các con vào sống giữa những rừng tràm bạt ngàn của Tuyên Bình, bám vào rừng mà sống, quyết tâm không ở trong vùng địch tạm chiếm, không vào ấp chiến lược.

Mẹ Rành xem lại Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Lê Văn Nguyên

“Một nách 5 con” trong điều kiện bình thường đã vô cùng vất vả nhưng mẹ Rành lại vừa nuôi con, vừa lo cho bộ đội lại phải tránh sự truy lùng, càn quét bất ngờ của giặc. Những lúc ôm con trong hầm trú ẩn hay nép sát dưới ao sen lẩn trốn kẻ thù, mẹ cảm thấy mình và các con dường như đang cận kề cái chết. Vậy nhưng nỗi niềm lớn nhất của mẹ lúc bấy giờ không phải là nỗi sợ mà là nỗi lo nếu mình “có chuyện gì” thì các con sẽ bơ vơ. Mẹ kể: “Hồi đó cực khổ cỡ nào, đi làm tôi cũng không dẫn con theo. Nếu dẫn đứa lớn theo thì nó cũng phụ mình được chuyện này chuyện nọ nhưng tôi sợ lỡ có chuyện gì mà mình chết lúc đi làm thì đứa lớn ở nhà có thể lo cho các em”.

Vất vả là vậy nhưng khi người thân khuyên mẹ nên đưa con vào ấp chiến lược, sống dưới sự quản lý của kẻ thù, mẹ thẳng thừng từ chối. Mẹ kể: “Hồi đó có người thân sống ở Tây Ninh thấy tôi cực khổ, con thì còn nhỏ nên nói tôi về đó sống rồi mọi người đùm bọc nhưng tôi từ chối. Thà chết chứ tôi không chấp nhận sống dưới áp bức của kẻ thù. Lúc đó, ông nhà tôi đi thoát ly cũng là cán bộ quan trọng, tôi nghĩ nếu mình ra ngoài sống, bọn giặc cũng không thể nào để yên cho mẹ con tôi. Với lại, tôi ở lại trong rừng thì có thể hỗ trợ được anh em đang hoạt động bí mật, chồng tôi đi công tác cũng dễ về thăm nhà, thăm con”.

Căn nhà nhỏ cất giữa rừng, được ngụy trang kỹ là nơi mẹ Rành sống cùng các con, cũng là nơi các anh, các chú thường ghé qua khi cần thiết. Bữa cơm nghèo chỉ có con cua, con ốc nhưng bất cứ khi nào đồng đội cần, mẹ đều sẵn sàng chia sẻ. Có khi các anh, các chú tiện chuyến công tác đi ngang ghé lại, mỗi người góp 1 vốc gạo, 1 con khô, đôi con ốc, cá đồng cũng thành bữa cơm ngon ấm tình đồng đội.

2. Tuyên Bình xưa là vùng chiến trường ác liệt, cán bộ, chiến sĩ ta nằm lại không hề ít. Mẹ Rành đã từng tự tay mình khâm liệm cho nhiều đồng chí, đồng đội nhưng điều đó không khiến mẹ hoang mang hay lo sợ mà chỉ hun đúc thêm trong lòng mẹ sự kiên trung, bất khuất.

Ngày hay tin chồng hy sinh, dù chết lặng trong lòng, mẹ vẫn gượng dậy cùng đồng đội lo cho chồng, rồi lại gạt nước mắt chăm sóc đàn con. Khi đó, người con lớn nhất mới 12 tuổi. Mẹ kể, từ ngày cha hy sinh, con trai lớn của mẹ - liệt sĩ Lê Văn Nguyên cũng bắt đầu nuôi chí theo cách mạng. Nhiều lần anh trốn mẹ tìm về căn cứ, vì quá nhỏ nên các chú lại đưa về nhà với mẹ. Nhưng không gì có thể ngăn được bước chân con. 2 năm sau, mẹ tiễn anh lên đường đánh Mỹ và rồi... vĩnh viễn mất con!

Mẹ nói, ngày thống nhất đất nước là ngày vui nhất đời mẹ nhưng đâu đó sâu thẳm trong lòng, nỗi đau vẫn âm ỉ vì gia đình mình không còn trọn vẹn như xưa. Nhưng nếu được chọn lại, mẹ Rành vẫn chọn con đường đã đi, sống như mình đã sống bởi mẹ tin tưởng rằng, phải có niềm tin và ý chí như vậy thì mới có thể giành được độc lập.

Giờ đây, mẹ Rành an hưởng tuổi già bên con cháu. Những người con còn lại của mẹ đều đã trưởng thành. Cháu nội, ngoại có người đã lập gia đình, có con. Và Mẹ VNAH Lê Thị Rành vẫn thường xuyên nhắc nhở con cháu mình hãy ghi nhớ công ơn của người đi trước, gìn giữ truyền thống gia đình bởi để có được độc lập như hôm nay, lớp lớp cha anh đã phải đánh đổi bằng cả thanh xuân của mình./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


các luật sư hà nội về thừa kế