Tiếng Việt | English

15/11/2021 - 10:27

Người lo cơm, áo cho Đoàn tàu không số

Ông sinh ra ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An sau 30 năm tham gia cách mạng, ông về lại quê nhà, sống cuộc đời lặng lẽ, vui thú điền viên và nhắc về quá khứ bằng tất cả sự tự hào. Ông là cựu chiến binh Trần Văn Tăng.

Những năm tháng không quên

87 tuổi đời, 60 tuổi Đảng, khoảng 30 năm tham gia cách mạng, từng phục vụ hậu cần cho Đoàn tàu không số huyền thoại, giờ đây, cựu chiến binh Trần Văn Tăng sống một mình trong căn nhà nhỏ tại ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới, huyện Châu Thành. Căn nhà của ông đơn giản, không có vật dụng gì nhiều. Ở một mình nên ông ăn uống cũng giản đơn. Ông thường nằm trên chiếc võng xem tivi hoặc nhìn lên bức tường đối diện, ở đó có những bức ảnh gia đình, chứng nhận 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Trong hộc tủ ngay phía dưới là album ảnh ông cất kỹ. Đó là ảnh đồng đội, đồng chí cũ, những người được ông góp tay chăm lo từng bữa ăn, chiếc áo. “Năm 1961, tôi làm trợ lý quân nhu, phục vụ đội tàu không số đến năm 1968. Anh em đi trên tàu không số vào Nam thì hiểm nguy, vất vả. Còn anh em trên đất liền làm hậu cần thì cũng cực quanh năm” - ông kể. Đội quân nhu nơi ông Tăng công tác có nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn, nhu yếu phẩm cho tàu.

Ông nhắc về đồng đội một cách trìu mến, nói tới đơn vị cũ bằng tất cả tự hào

Mỗi tuần cấp nhu yếu phẩm cho tàu 1 lần, mỗi lần gần 1 tạ rau, 1 tạ thịt. Ông lênh đênh di chuyển từ tàu này sang tàu khác, phân chia thực phẩm, ghi chép sổ sách, từ 5 giờ sáng đến 19 giờ mới về được đất liền. Nghỉ ngơi chẳng bao lâu lại lái xe đi các tỉnh mua rau, thịt chuẩn bị cho chuyến phát hàng kế tiếp. Có khi ông ra Thái Bình, Thanh Hóa,... tất cả các tỉnh phía Bắc đều có dấu chân ông. Do đường sá xa xôi, việc giữ tươi thực phẩm hết sức khó khăn, nhất là cá. Thế là ông cùng đồng đội đề xuất cho anh em mua cá trực tiếp từ các tàu của ngư dân rồi đội quân nhu sẽ thanh toán sau. Làm gì ông cũng tính toán sao cho đồng đội có được nguồn thực phẩm tươi nhất.

Đồng đội trên tàu, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về sẽ được nghỉ ngơi vì đã vượt một chặng đường dài nguy hiểm, còn đội quân nhu thì luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ. Chuyến tàu này về thì chuyến tàu khác lại đi. Chuẩn bị lương thực, nước uống cho tàu xuất phát vừa xong thì nhận ngay quần áo, chăn màn của tàu vừa trở về để giặt giũ. Vất vả nhưng vui! Ông vui vì trong những chuyến phát quân nhu, ông quen biết hết tất cả những đồng đội trên tàu không số. Sau này có dịp gặp lại nhau, ông nhớ rõ từng cái tên, khuôn mặt.

Hướng về quê nhà

Năm 1968, miền Nam chuẩn bị đồng khởi, Đoàn tàu không số kết thúc giai đoạn vận chuyển vũ khí cho chiến trường. Anh trợ lý quân nhu Trần Văn Tăng xin được theo đoàn hành quân về Nam tham gia kháng chiến, tuy nhiên không được cấp trên đồng ý. Ông được phân công ở lại miền Bắc, tham gia sản xuất. Lúc đó, người đảng viên trẻ “buồn trong bụng”. Ông đã tìm đến cấp trên để trình bày nguyện vọng: “Tôi từ miền Nam, tự nguyện tham gia cách mạng thì tại sao giờ đây tôi lại không được tiếp tục tham gia kháng chiến?”. Cấp trên động viên, làm kinh tế cũng là tham gia chống giặc, ông mới tạm yên lòng nhưng tâm trí lúc nào cũng hướng về quê cũ.

Ông Tăng thoát ly theo cách mạng năm 20 tuổi. Khi đó, địch tăng cường bắt lính, không muốn làm tay sai, ông bỏ trốn. Được cán bộ ta hướng dẫn, ông vận động thanh niên trong xóm tham gia cách mạng. Ông kể, chuyến đó, thanh niên trong xóm đi cùng ông hết. Khi đất nước thống nhất, ông về lại quê nhà thì ba ông đã mất, phút gặp gỡ đầu tiên, anh trai ông không nhận ra em mình nữa. Cuộc sum họp đầy nước mắt của niềm hạnh phúc.

Trở về từ chiến trường, ông cùng bà xã lo cho gia đình ở vùng đất mới. Khi các con đã lớn, có gia đình riêng, người cựu chiến binh cảm thấy nhớ quê nhà. Ông bàn với vợ và các con sẽ về lại Châu Thành. Giờ đây, khi gần tuổi 90, ông vẫn nhớ về quãng thời gian tham gia cách mạng như là những tháng ngày “thanh xuân rực rỡ”. Thỉnh thoảng, ông lấy hình cũ ra xem, chỉ từng người, nhắc tên tuổi, quê quán,...Ông nhắc về đồng đội một cách trìu mến, nói tới đơn vị cũ bằng tất cả tự hào: “Trên toàn thế giới này chưa có đơn vị nào mà tổ chức được một đoàn tàu như Đoàn tàu không số. Một chiếc thuyền gỗ mà chở 15 tấn đi từ Hải Phòng vào tận mũi Cà Mau, đi liên tục” - ông hùng hồn khẳng định.

Ở một mình nên khi có khách đến, ông vui lắm. Khi chúng tôi về, ông nhắc: “Bữa nào rảnh ghé bắt gà mần thịt ăn. Tụi nó (đoàn viên, thanh niên) lâu lâu là ghé hà!”. Ông khập khiễng bước vào nhà, khép cửa./. 

Quế Lâm - Hà Lan

Chia sẻ bài viết