Tiếng Việt | English

06/06/2018 - 15:04

Người may ký ức

Gần 40 năm qua, cô Bảo Ly (tên thật là Nguyễn Thị Tuyết) vẫn âm thầm thiết kế từng bộ trang phục cho các vai diễn của nghệ sĩ (NS) trên sân khấu cải lương. Những bộ y trang lộng lẫy làm cho ánh hào quang của diễn viên thêm tỏa sáng và góp phần không nhỏ vào thành công của một vở diễn, dù đôi khi, khán giả như vô tình lãng quên.

Cô đào chưa được Tổ đãi

Đường vào chung cư Miếu Nổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM như một bàn cờ và khá nhộn nhịp. Dù vậy, không mất nhiều thời gian để chúng tôi đến được căn hộ của một trong số ít người may y trang cho cải lương tuồng cổ ở thành phố. Tấm biển “Quán cà phê nghệ sĩ” nằm khiêm tốn trước cửa nhà là điểm để nhận biết tổ ấm của vợ chồng NS Bảo Ly - Phương Hùng với vô số quán cà phê khác trong khu vực này. Cô Bảo Ly nhỏ nhẹ: “Mở quán cà phê không chỉ có thêm nguồn thu nhập mà còn làm điểm để anh em NS tụ họp, vợ chồng tôi cũng bớt nhớ nghề”. Trong căn hộ nhỏ, tài sản nhiều nhất của cô là những bộ trang phục sân khấu treo kín trong tủ quần áo. Một số bộ đang được phơi trước sân nhà. NS Phương Hùng - người bạn đời của cô cho biết, một đoàn phim vừa mới trả trang phục. Chuyện cho thuê trang phục cũng giúp vợ chồng NS Bảo Ly có “đồng vào đồng ra” trong thời buổi cải lương khá êm ắng như hiện nay.

Cô Bảo Ly với những trang phục đã giữ gìn qua mấy chục năm

Cô Bảo Ly với những trang phục đã giữ gìn qua mấy chục năm

Nói đến nghề may y trang, cô tâm sự: “Tôi theo nghề này sau khi không còn đứng trên sân khấu nữa. Người làm nghề này hầu hết đều xuất phát từ những gia đình đoàn hát như Công Minh đoàn Minh Tơ, Kim Phượng đoàn Huỳnh Long. Khi không còn đi diễn, mọi người đều chuyển sang may trang phục để tiếp tục gắn bó với sân khấu”. Cô là con của NS Năm Sơn, đoàn hát Trúc Giang trước đây. Ngay từ nhỏ, mỗi lần chuẩn bị cho vở diễn mới, cô đều thích thú nhìn mẹ và những người thợ may từng chiếc áo của vua, hoàng hậu. Những hạt kim sa lấp lánh được khéo léo kết thành rồng, thành phượng, gợi lên niềm yêu thích kỳ lạ trong cô. Lớn lên một chút, cô Bảo Ly phụ mẹ chuẩn bị trang phục cho diễn viên. Đoàn của gia đình cô là đoàn hát phục vụ cách mạng nên ngoài diễn tuồng cổ, đoàn còn diễn những vở xã hội, với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Chính điều này giúp cô không chỉ hiểu về trang phục cổ mà còn nắm được mỗi thời kỳ cần trang phục nào cho phù hợp.

Sau ngày giải phóng, đoàn hát của gia đình cô vẫn mang tên Trúc Giang cho đến khi cha cô sức yếu, không còn tiếp tục diễn nữa. Cô Bảo Ly khi ấy chuyển sang các đoàn khác để tiếp tục mang lời ca của mình đến với khán giả mộ điệu. Với sở trường “đào lẳng”, sau thời gian đi hát, cô nhận ra mình không được Tổ đãi như một số NS khác. Có lúc, nghe đào hát của đoàn nào đó có ý định nghỉ, cô liền xin vào thì người diễn viên của đoàn quyết định ở lại. Vậy là cô mất cơ hội. Cứ thế, nhiều lần hụt hẫng trong hoàn cảnh “vừa vui, vừa buồn” như thế, cô quyết định không đứng trên sân khấu nữa. Và đó cũng là lúc một cánh cửa khác mở ra với cuộc đời cô.

Âm thầm phía sau sân khấu

Cô Bảo Ly chọn nghề thiết kế y trang mà không cần nhiều suy nghĩ, đắn đo, bởi ngay từ nhỏ, cô đã cảm nhận được tình yêu của mình với công việc phía sau ánh hào quang này từ gia đình mình. Thời gian đầu, khi gặp các bạn diễn, cô thường giới thiệu những trang phục do cô may, nhờ mọi người mặc thử rồi cho ý kiến. Thấy NS nào cũng ưng ý, cô càng tự tin hơn vào sự lựa chọn của mình. Một trong những vở đầu tiên mà cô phụ trách thiết kế y trang chính là vở Hai phương trời thương nhớ (tác giả Trung Đông - Phi Hùng) do đạo diễn, NS nhân dân Huỳnh Nga làm đạo diễn của Đoàn Văn công thành phố. Để thực hiện trang phục cho vở diễn, cô phải lặn lội sang tận Campuchia xem người dân xứ ấy mặc trang phục thế nào. Phải chịu nhiều nắng gió, gian khổ nhưng cô bỏ qua tất cả khi tình yêu nghề ngày càng lớn dần. Đối với cô, làm công việc nào cũng phải xuất phát từ tình yêu và mình phải hết lòng với nó. Tình yêu ấy giúp cô vượt qua mọi khó khăn để cho ra đời những trang phục không chỉ đẹp mà còn đúng với từng hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử và từng đề tài vở diễn. Mỗi lần đứng sau cánh gà hay từ hàng ghế khán giả, cô tự mỉm cười hạnh phúc khi thấy NS tỏa sáng hơn với trang phục do mình thiết kế. Cô may mắn khi được làm việc với nhiều đạo diễn giỏi nghề như NS nhân dân Huỳnh Nga, NS nhân dân Lương Đống, NS ưu tú Đoàn Bá,... Những người đạo diễn mà cô xem là những người thầy lớn trang bị cho cô nhiều kiến thức về lịch sử, trang phục không chỉ của Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. “Mỗi lần đi nước ngoài về, đạo diễn Huỳnh Nga thường tặng tôi những quyển sách nói về trang phục của nước mà ông đến. Đó là những tài liệu quý để tôi có thể nâng cao tay nghề trong công việc thiết kế trang phục cho các vở diễn” - cô Bảo Ly kể lại.

Từ sau năm 1975 đến những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước là thời kỳ cải lương sống lại và cũng là khoảng thời gian nghề thiết kế y trang của gia đình cô Bảo Ly phát triển nhất. “Thời gian đó, đoàn hát nhiều, các hãng phim bắt đầu thực hiện nhiều băng video cải lương nên gia đình thường xuyên nhận được yêu cầu làm trang phục cho các vở diễn mới” - NS Phương Hùng cho biết. Nhất là dịp tết, từ mùng 1 đến mùng 7, ngày nào vợ chồng cô cũng tất tả chạy 2, 3 “show” lo trang phục cho các đoàn nghệ thuật trong thành phố cũng như các tỉnh. Để kịp hoàn thành những bộ trang phục giao các đoàn hát, NS, cô Bảo Ly phải huy động gần 20 người thợ làm không kể ngày đêm. Cô nhớ nhất có lần may trang phục cho NS Linh Tâm, anh “trực chỉ” tại nhà cô để lấy trang phục cho kịp. Không chỉ thế, anh gọi cả bé Linh Tý con anh đến hát phục vụ mọi người nhằm xua tan cơn mệt mỏi cứ chực chờ ập đến. “Những ngày đó, chúng tôi thức trắng đêm từ ngày này qua ngày khác là chuyện bình thường” - cô Bảo Ly nhớ lại. Lo trang phục cho nhiều NS, cô Bảo Ly cũng hiểu ý của các bạn đồng nghiệp. Một trong những NS cô thiết kế trang phục nhiều nhất chính là NS ưu tú Mỹ Châu. Cô Bảo Ly hoài niệm, Mỹ Châu là bạn thân nhưng cũng là khách hàng kỹ tính khi thường trao đổi với người thiết kế nhằm đưa ra ý tưởng tốt nhất cho trang phục biểu diễn. Ngược lại, NS nhân dân Lệ Thủy là người khá dễ thương, may sao
mặc vậy và dường như ít khi nào thắc mắc với người thiết kế điều gì.

“Nhưng bây giờ thì không như ngày xưa nữa rồi!” - giọng cô chùng lại, ánh mắt nhìn về những bộ trang phục mà tuổi của nó bằng cả một đời người. Cải lương đã qua thời hưng thịnh, nên chuyện “đầu tắt mặt tối” để may những y trang rực rỡ chỉ còn là quá khứ. Thời buổi công nghệ hiện đại, may một bộ trang phục đơn giản hơn xưa nhưng cũng khiến không ít người may tự dễ dãi với nghề và với chính mình. Cô Bảo Ly chia sẻ, ngày xưa, một người thiết kế một bộ áo vua có thể mất 2, 3 tháng, phải kết từng hạt kim sa, phải mất thời gian để chọn vải nên nếu người thiết kế không làm bằng cái tâm của mình thì khó theo nghề lâu dài. Giờ đây, mọi thứ đều có sẵn, phong phú hơn, người thiết kế không phải quá vất vả. Tuy nhiên, điều làm cô thấy buồn chính là kiến thức lịch sử, văn hóa của một số người trẻ làm nghề may y phục sân khấu hiện nay. Họ không tìm tòi, nghiên cứu kỹ trang phục của từng thời, vùng, miền, từng loại nhân vật nên dù trang phục có lộng lẫy đến mấy nhưng lại không thực tế và không tôn lên được cái thần của nhân vật. “Nhiều lúc thấy diễn viên mặc trang phục không đúng với giai đoạn lịch sử, vợ chồng tôi cảm thấy buồn và thương cho cái nghề thầm lặng của mình” - NS Phương Hùng chạnh lòng.

Hiện tại, ngoài quán cà phê lúc nào cũng lao xao tiếng nói cười của khách hàng, vợ chồng cô Bảo Ly vẫn tiếp tục gắn bó với nghề đã mang lại cho cô cái tên; đồng thời, cũng là thương hiệu mà mỗi khi nhắc đến, giới trong nghề đều quý mến, nể trọng. Cô Bảo Ly vẫn đều đặn cho các đoàn phim, đoàn hát thuê trang phục, vẫn cộng tác với đài truyền hình để cho ra đời nhiều trang phục mới. “Tôi giờ hơn 60 tuổi rồi, mắt cũng đã yếu nên không nhận thiết kế trang phục nhiều như trước” - cô Bảo Ly chia sẻ.

Cô chậm rãi đến chỗ treo những bộ trang phục mang nhiều dấu vết của thời gian. Chạm vào từng tấm vải, từng hạt kim sa mà cứ ngỡ cô đang chạm vào ký ức của chính mình. Cô giới thiệu với chúng tôi, đây là trang phục mà NS Mỹ Châu sử dụng khi đóng giả trai trong vở Mạnh Lệ Quân, nó có tuổi đời gần 40 năm. Và đây nữa, trang phục của vua mà cô Bảo Ly không nhớ NS nào từng gắn bó với nó, được cô giữ lại, đã xuất hiện cách đây hơn 60 năm. Chúng tôi nhìn thấy trên chiếc áo nặng hơn 10kg ấy, thời gian dù làm cho những hạt kim sa tự hủy ít nhiều nhưng vẫn còn giữ lại cái hồn sâu đậm của vẻ đẹp truyền thống trên từng nét hoa văn. Mong ước lớn nhất của cô giờ đây là làm sao có được nơi trưng bày để cô có thể lưu giữ, giới thiệu những bộ trang phục ký ức của mình cho các thế hệ sau.

Và riêng với chúng tôi, sau khi tạm biệt vợ chồng NS Phương Hùng - Bảo Ly với bao ký ức vui - buồn, chỉ mơ đến ngày những người may trang phục cải lương như cô sẽ được gọi là nghệ nhân, và cái nghề phía sau ánh hào quang ấy sẽ được công nhận là nghề thủ công truyền thống như nhiều nghề truyền thống khác đang được bảo tồn, phát triển./.

Bảo Linh

Chia sẻ bài viết