Tiếng Việt | English

17/11/2021 - 21:45

Người thầy của những học sinh đặc biệt

Sau nhiều năm giảng dạy trong môi trường sư phạm bình thường, năm 2018, cô Dương Hải Âu (SN 1987) chuyển sang môi trường giáo dục đặc biệt. Hiện cô dạy Mỹ thuật tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Long An.

Việc chuyển từ dạy trẻ bình thường sang dạy trẻ khuyết tật là một thách thức lớn với cô Âu bởi chương trình giảng dạy thì như nhau nhưng đối tượng học thì rất khác nhau. Cô tâm sự: “Trước đây, khi theo học sư phạm Mỹ thuật, tôi chưa từng nghĩ sẽ trở thành giáo viên (GV) dạy trẻ khuyết tật vì bản thân không được đào tạo chuyên môn về giáo dục đặc biệt nhưng do cơ duyên nên tôi về trường công tác.

Nhìn sự ngây ngô, hồn nhiên của các em, tôi có thêm động lực để cố gắng và bắt đầu làm quen với việc học các ngôn ngữ ký hiệu và học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để giao tiếp với học sinh (HS). Tôi dạy hơn 200 trẻ, mỗi em một hoàn cảnh, trong đó có HS chậm phát triển về trí tuệ, khiếm thị, khiếm thính,...”.

Từ môi trường sư phạm bình thường, cô Âu có nhiều nỗ lực để thích nghi với công việc dạy trẻ khuyết tật

Để gắn bó với công việc dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi GV phải dành thật nhiều tình thương cho trẻ. Đặc biệt, phải kiên nhẫn và chu đáo bởi các em thường rất nhạy cảm, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Mỗi giờ lên lớp, GV phải tạo cho HS tâm lý thoải mái, khi các bé làm chưa đúng thì nhẹ nhàng nhắc nhở, tránh gây áp lực. Theo cô Âu, đối với bộ môn Mỹ thuật, GV cũng cần dạy thật chậm, sử dụng phương pháp dạy học trực quan, dùng nhiều hình ảnh minh họa để giúp các em hiểu bài; đồng thời, phải sử dụng từ ngữ gần gũi, dễ hiểu, tránh dùng từ hoa mỹ khi nói.

Được biết, năm 2010, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, chuyên ngành Mỹ thuật, cô về công tác tại Trường Tiểu học Tân Hiệp (huyện Thạnh Hóa). Tháng 10/2018, cô chuyển đến giảng dạy tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh.

“Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, tôi đã thích nghi với môi trường mới. Mặc dù dạy các bé khuyết tật cực hơn rất nhiều so với HS bình thường nhưng khi nhìn nụ cười, niềm vui của các em, tôi càng có thêm động lực. Tuy bị khiếm khuyết nhưng nhiều bé rất có năng khiếu và vẽ tốt. Trên lớp, khi được GV hướng dẫn thì các em có thể vẽ lại nguyên bản giống như nội dung đã được truyền đạt. Tôi mong hội họa sẽ giúp cuộc sống của các em trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn” - cô Âu bộc bạch.

Năm học 2019 - 2020, cô Âu được nhận giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo vì đạt thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước đó, cô từng nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học 2016 - 2017./.

Hoài An

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích