Tiếng Việt | English

10/10/2021 - 18:59

Nguy cơ con người truyền virus SARS-CoV-2 cho chó mèo cao hơn là ngược lại

Virus SARS-CoV-2 có thể truyền từ người sang động vật trong một số trường hợp, song chỉ một số ít vật nuôi trên toàn thế giới, gồm cả mèo và chó, được xác nhận là nhiễm COVID-19. Chúng cũng không có khả năng truyền virus cho người.

Theo Trung tâm Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), virus SARS-CoV-2 có thể lây lan từ người sang động vật trong một số ít trường hợp, đặc biệt là khi tiếp xúc gần những người mắc COVID-19.

Tuy nhiên, chỉ một số ít vật nuôi trên toàn thế giới, gồm cả mèo và chó, được xác nhận là nhiễm COVID-19. Đồng thời, chúng cũng không có khả năng truyền virus cho người.

Theo Bác sĩ thú y Darlene Konkle ở bang Wisconsin (Mỹ), ngay cả các con chó và mèo có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, chúng cũng không có xu hướng bị bệnh nặng.


Nguy cơ thú cưng truyền virus SARS-CoV-2 sang người là rất thấp. Ảnh: BLOOMBERG

BS này cho biết các dấu hiệu phổ biến nhất đối với động vật bị nhiễm bệnh bao gồm các triệu chứng về đường hô hấp, như chảy nước mũi hoặc hắt hơi, chủ yếu là sau khi tiếp xúc gần những người mắc COVID-19.

Tuy nhiên, rất hiếm khi vật nuôi thực sự cần điều trị nhiễm trùng do COVID-19 và tỉ lệ tử vong ở hầu hết các loài động vật dường như gần bằng không - ông Keith Poulsen, Giám đốc Phòng thí nghiệm Chẩn đoán Thú y tại Đại học Wisconsin (Mỹ) cho biết.

Làm gì khi chủ vật nuôi mắc COVID-19?

Nếu có dấu hiệu mắc COVID-19 (nghi ngờ hoặc được xác nhận qua xét nghiệm), chủ vật nuôi nên tránh tiếp xúc với thú cưng của mình và các động vật khác, giống như cách chúng ta làm với người. Nếu có thể, hãy nhờ một thành viên khác trong gia đình chăm sóc chúng.

Tránh các hành vi tiếp xúc thú cưng bao gồm vuốt ve, ôm ấp hoặc hôn, ăn chung và ngủ chung giường. Nếu phải chăm sóc thú cưng của mình hoặc ở gần động vật khi đang mắc COVID-19, các chủ vật nuôi nên đeo khẩu trang và rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với chúng.


Nguy cơ thú cưng truyền virus SARS-CoV-2 sang người là rất thấp. Ảnh: Ксения Левашова 

Làm gì để bảo vệ vật nuôi khỏi COVID-19?

Hầu hết các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở vật nuôi là do chúng có tiếp xúc gần với chủ hoặc các thành viên mắc COVID-19 trong gia đình. Vật nuôi bị nhiễm virus có thể bị bệnh hoặc không. Trong số các thú cưng bị ốm, hầu hết chỉ bị bệnh nhẹ và bình phục hoàn toàn. Bệnh nghiêm trọng ở chúng là cực kỳ hiếm.

Để bảo vệ thú cưng khỏi virus, chủ vật nuôi cần chú ý các điểm sau:

Thứ nhất, đảm bảo bản thân và các thành viên đủ điều kiện trong hộ gia đình được tiêm phòng đầy đủ. Những người mắc COVID-19 không nên tiếp xúc vật nuôi.

Thứ hai, không nên để vật nuôi tiếp xúc hững người chưa được tiêm phòng bên ngoài hộ gia đình.

Thứ ba, không đeo khẩu trang cho vật nuôi vì chúng có thể gây hại cho chính mình, và nguy cơ lây lan virus từ thú cưng sang người là rất thấp.

Thứ tư, không có bằng chứng cho thấy virus có thể lây lan sang người từ da, lông hoặc lông của vật nuôi. Chính vì thế, không lau hoặc tắm cho thú cưng bằng chất khử trùng hóa học, cồn, hydrogen peroxide, hoặc các sản phẩm khác, chẳng hạn như nước rửa tay, khăn lau chống thấm nước, hoặc các chất tẩy rửa bề mặt hoặc công nghiệp khác.

Chủ vật nuôi được khuyến khích tham khảo ý kiến bác sĩ thú y nếu có thắc mắc về sức khỏe thú cưng, cũng như các sản phẩm thích hợp để tắm hoặc vệ sinh cho chúng.

Thú cưng có truyền virus SARS-CoV-2 sang người hay không?

Theo trang web chính thức của bang New Jersey (Mỹ), con người tạo ra nguy cơ khá lớn cho động vật, trong khi mối nguy truyền theo chiều ngược lại là rất thấp.

Con người có khả năng cao bị nhiễm COVID-19 từ người khác và truyền virus gây bệnh sang vật nuôi của họ hơn là ngược lại. Cho đến nay, các bằng chứng đều cho thấy chó và mèo có ít khả năng truyền SARS-CoV-2 sang người. 

Theo CDC, tại thời điểm này, không có bằng chứng cho thấy động vật đóng một vai trò quan trọng trong việc lây lan SARS-CoV-2 cho người. Hiện vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu liệu các loài động vật khác nhau có thể bị ảnh hưởng do SARS-CoV-2 hay không và ảnh hưởng như thế nào./.

Theo PLO.VN

Chia sẻ bài viết