Tiếng Việt | English

28/06/2015 - 14:19

Nhà Hạnh phúc: ​sự thuyết phục của tình yêu thương

Hai tuần qua, không đếm hết những cuộc gọi, nhắn gửi của bạn đọc hỏi về số phận những đứa trẻ ở nhà Hạnh Phúc (“Chuyện buồn ở nhà Hạnh Phúc”, Tuổi Trẻ ngày 8-6-2015).

Những đứa trẻ ở ngôi nhà Hạnh Phúc - Ảnh: Tự Trung

Tin vui mà tôi có thể trả lời là đã có các cán bộ huyện, xã đến thăm các em, hỏi chuyện anh Hoàng, chị Vân và cho biết sẽ tổ chức họp bàn về câu chuyện giấy phép hoạt động của nhà Hạnh Phúc. Tin vui nữa là Thành ủy TP.HCM cũng đã quan tâm đến vụ việc và sớm có chỉ đạo địa phương rà soát, báo cáo.

Gọi là tin vui vì tôi vẫn tin trong lý có tình, và tin vào mục tiêu xây dựng thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” mà TP.HCM hướng đến.

Cũng gọi là tin vui vì tôi tin vào sự thuyết phục của tình yêu thương. Ai đã một lần đến nhà Hạnh Phúc cũng đều bị quyến rũ bởi những yêu thương ăm ắp của một gia đình thật sự, lan tỏa ra từ trò chơi con trẻ, từ sự sắp xếp tự nguyện nhỏ trước lớn sau trước một bữa ăn, từ sự phân chia công việc nhà, lập nhóm khi vào giờ học, từ những lời nhắc nhở được dán rải rác trên tường nhà... Thiếu thốn vật chất được lấp đầy bằng sự chia sẻ.

Vẫn biết rằng cuộc sống phải có luật pháp, nhưng những quy định của luật pháp chính là vì con người. Những yêu cầu như diện tích chỗ ở, trình độ của người nuôi dạy, cơ cấu hoạt động... của nghị định 68 về “điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội” không có mục đích nào khác ngoài bảo đảm quyền lợi cho cuộc sống của các em, những đứa trẻ trót rơi vào hoàn cảnh bất hạnh.

Nhưng trong các quy định này lại không có yêu cầu nào đòi hỏi tình yêu thương và sẻ chia, điều kiện cần đầu tiên để có thể biến một cơ sở bảo trợ thành một gia đình. Và ngược lại, nếu tất cả điều kiện về cơ sở vật chất đều thiếu thì chỉ cần tình yêu thương là đã đủ cho các em có một mái ấm để yên tâm trưởng thành trong hạnh phúc.

Vì vậy không thể không lo lắng cho tương lai các em nếu gia đình thứ hai này đổ vỡ khi chúng tôi được nghe những giải pháp mà cơ quan chức năng đưa ra cho nhà Hạnh Phúc: “Theo quy định bộ ban hành, cơ sở này không đủ tiêu chuẩn cấp phép, trước hết là về cơ sở vật chất. Chúng tôi yêu cầu chấp hành trả trẻ về gia đình”, “Các trẻ ở đây nếu đủ điều kiện, chúng tôi sẽ đưa sang các cơ sở bảo trợ khác, ở đó cũng có người chăm sóc”, “Trả bọn trẻ về gia đình trước, khi nào đủ điều kiện xin được giấy phép thì đưa các em quay lại sau”...

Vì vậy không thể không xót lòng khi chứng kiến những đoạn đối thoại mà anh Hoàng, chị Vân chuẩn bị cho bọn trẻ trong trường hợp buộc phải chia tay: “Dầu cho mai này có ở đâu, trong hoàn cảnh nào, các con vẫn phải tiếp tục sống tốt, tiếp tục đi học, tiếp tục yêu thương những anh chị em quanh mình, vâng lời những ba mẹ mới... Các con hứa đi cho ba mẹ yên tâm”, “Con không muốn đi đâu hết, đây là gia đình, ba mẹ, anh chị của con”, “Việc đó là không dễ nhưng con hứa với ba mẹ là con sẽ cố gắng. Nhưng con sợ không cố được khi rời khỏi đây”...

Sau những nỗ lực của người lớn, ngày chia tay ấy đang được hoãn lại để chờ một quyết định mới. Bọn trẻ nhà Hạnh Phúc nói với tôi: “Chúng con đang ngày đêm cầu nguyện cho một buổi liên hoan mừng ngày chính thức được công nhận là một gia đình”.

Phạm Vũ/tuoitre.vn
 

Chia sẻ bài viết