Nghiên cứu viên bào chế vắcxin phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm của Viện sản xuất vaccine lớn nhất Ấn Độ ở Pune. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Bonac Corp., một công ty khởi nghiệm về công nghệ sinh học ở tỉnh Fukuoka, Tây Nam Nhật Bản, ngày 25/8 cho biết năm 2021 sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 do công ty bào chế.
Trong các nghiên cứu tiền lâm sàng, công ty đã phát triển 72 loại thuốc acid nucleic và thử nghiệm hiệu quả của thuốc trong việc chống lại COVID-19, trong một nghiên cứu chung với Viện Y tế và Khoa học môi trường Fukuoka từ tháng 6 vừa qua.
10 loại thuốc đã ngăn chặn quá trình nhân bản của virus, chứng tỏ hiệu quả của thuốc này trong điều trị COVID-19. Nhóm nghiên cứu đã giảm số thuốc từ 10 xuống 3 loại được cho là có tính ổn định cao trên cơ thể người và có thể hiệu quả với liều lượng nhỏ.
Sau khi chọn 1 trong số này thông qua các thử nghiệm tiền lâm sàng, thuốc sẽ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng từ năm tới.
Theo Bonac, loại thuốc đầy tiềm năng này cũng sẽ được phát triển để điều trị triệu chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) và bệnh viêm đường hô hấp cấp SARS, cả hai bệnh đều do virus tương tự loại gây bệnh COVID-19 và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị.
Bonac, thành lập năm 2010, cho biết bằng việc sử dụng "công nghệ giao thoa RNA," công ty dự định tạo ra một loại thuốc có thể phân hủy gen RNA của virus và tạo ra khả năng kháng virus ở những bệnh nhân nhiễm.
DNA và RNA, đều là các acid nucleic, có thể được tìm thấy trong các tế bào của tất cả các sinh vật sống. Nhiệm vụ của chúng là chứa và truyền thông tin di truyền.
Cùng ngày, Ấn Độ đã bắt đầu thử nghiệm trên người giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng vắcxin của Đại học Oxford bào chế.
Giai đoạn này sẽ được tiến hành tại Bệnh viện kiêm trường Y Bharati Vidyapeeth ở Pune, bang Maharashtra, với sự tham gia của 350 tình nguyện viên khỏe mạnh trên 18 tuổi nhằm xác định tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch với virus SARS-CoV-2.
Ấn Độ đã ký hợp đồng với công ty AstraZeneca để sản xuất một triệu liều vắcxin của Oxford cho các nước có thu nhập thấp. vắcxin sẽ có tên thương mại ở Ấn Độ là COVIDSHIED.
Tại Ấn Độ hiện có 3 "ứng cử viên" vắcxin đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, gồm vắcxin "ChAdOx1 nCoV-19" của công ty AstraZeneca phối hợp với Oxford bào chế, vắcxin "Zycov D" của công ty Zydus Cadila có trụ sở ở Ahmedabad bào chế, và "Covaxin" do Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ phối hợp với công ty BBIL bào chế (cũng là vắcxin đầu tiên được bào chế trong nước Ấn Độ).
Công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh đã bắt đầu thử nghiệm loại thuốc AZD7442 nhằm phối hợp phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là một trong các giải pháp y tế mới có thể áp dụng để ứng phó với dịch bệnh nghiêm trọng này.
AZD7442 là loại thuốc kết hợp hai kháng thể đơn (mAbs) với mục đích vừa phòng vừa điều trị bệnh. AstraZeneca cho biết nghiên cứu về liệu pháp hỗn hợp trên sẽ đánh giá xem liệu AZD7442 có an toàn và có thể dụng nạp đối với các tình nguyện viên hay không. Thuốc đang được thử nghiệm trên 48 tình nguyện viên khỏe mạnh, tuổi từ 18-55.
Theo AstraZeneca, nếu giai đoạn thử nghiệm đầu cho thấy AZD7442 là an toàn, công ty sẽ tiến hành giai đoạn hai, theo đó thử nghiệm đây như một vắcxin phòng COVID-19 đối với người chưa mắc bệnh và như thuốc điều trị cho những người đã mắc bệnh.
Dùng mAbs nhằm tấn công virus là phương pháp đã được nhiều công ty thử nghiệm như Regeneron, ELi Lilly, Roche và Molecular Partners, và được nhiều nhà khoa học hàng đầu ủng hộ. mAbs bắt chước các kháng thể tự nhiên mà cơ thể tạo ra để chống lây nhiễm và có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm để điều trị bệnh. Phương pháp này hiện đang được dùng trong điều trị một số loại bệnh ung thư.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci cho rằng đây là giải pháp "gần như chắc chắn" chống COVID-19, và tháng 6 vừa qua, AstraZeneca đã nhận được 23,7 triệu USD tiền tài trợ của các cơ quan chính phủ Mỹ để thúc đẩy bào chế các loại thuốc dựa trên kháng thể để chống COVID-19.
Phó Chủ tịch điều hành mảng y dược R&D Mene Pangalos của công ty Astra cho biết: "Sự phối hợp các kháng thể, cộng với công nghệ kéo dài thời gian phân rã của thuốc, có tiềm năng cải thiện cả tính hiệu quả và thời gian hiệu quả khi dùng bổ sung nhằm giảm khả năng kháng cự của virus."
Dù vắcxin là trung tâm của cuộc chiến lâu dài chống dịch, các loại thuốc điều trị cũng đang được phát triển. Mới đây, Mỹ đã cho phép sử dụng huyết tương của những người đã khỏi bệnh để điều trị cho các bệnh nhân.
Báo Financial Times cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc phê chuẩn nhanh vắcxin do AstraZeneca bào chế trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới./.
Theo TTXVN