Tiếng Việt | English

21/09/2021 - 08:06

Nhật Bản tăng cường răn đe hành vi bắt nạt trên mạng xã hội

Bộ Tư pháp Nhật Bản mới đây thông báo sẽ xem xét tăng cường các biện pháp trừng phạt, răn đe đối với các hành vi bắt nạt và lăng mạ trên mạng xã hội - cao nhất có thể lên mức phạt tù.

Hiện trạng hành vi "bắt nạt" trên internet

Nhật Bản cũng như các nước khác trên thế giới bao gồm cả Việt Nam, do các dịch vụ trên Internet được đa dạng hóa, nên thời gian sử dụng mạng xã hội bằng điện thoại thông minh, mobile… tăng đột biến. Tại Nhật Bản chỉ tính riêng thời gian từ năm 2012-2018 tăng 4 lần.

Cũng trong khoảng thời gian này, số các cuộc điện thoại gọi đến Trung tâm trao đổi thông tin có hại và vi phạm pháp luật của Bộ Nội vụ và Truyền thông cũng tăng gấp 4 lần, trong đó số vụ xâm hại nhân quyền liên quan đến xâm hại nhân quyền trên Internet  tăng đột biến với con số lên tới vài nghìn vụ.


(Ảnh minh họa: KT)

Ở Nhật Bản, việc lắp đặt camera giám sát ở mọi nơi là chuyện bình thường. Tuy nhiên, việc lắp đặt camera để theo dõi việc khu cư dân hay nhà dân nào đó trong việc họ đang phản đối một vụ việc nào đó được coi là vi phạm quyền riêng tư.

Như vậy, có thể cách biểu hiện bằng ngôn ngữ ở mỗi nước có khác nhau, nhưng “hành vi bắt nạt” trên mạng xã hội được Nhật Bản coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Hơn thế nữa, xét từ góc độ văn hóa, người Nhật Bản vốn rất lịch sự, nhưng sống cũng khá khép kín và cẩn thận, nội tâm ít thể hiện ra bên ngoài. Cùng với sức ép của cuộc sống khá khắc nghiệt so với các nước khác, nên việc “xả ghét” trên mạng xã hội cũng là một hình thức giống như làm cân bằng tâm lý được giới trẻ lựa chọn.

Gia tăng hình phạt

Với hiện trạng như vậy, Nhật Bản đã có nhiều biện pháp nghiêm khắc để bảo vệ quyền lợi con người và dự kiến sẽ có biện pháp cứng rắn hơn đối với các hành vi bắt nạt, sỉ nhục trên mạng xã hội.

Đến tháng 9/2020 trở về trước, Nhật Bản đã có những hình thức phạt tiền, phạt tù hay nhẹ hơn là giáo dục, trao đổi đối với những người có hành vi nêu trên. Tháng 6/2021, một văn bản pháp luật mới cũng đã được thông qua và bắt đầu có hiệu lực bổ sung những hình phạt mới khi hiện trạng vi phạm ngày càng tăng. Theo đó, các cơ quan chức năng có quyền nhanh chóng xác định danh tính những người đăng tải bình luận lăng mạ trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, năm 2020, một ngôi sao truyền hình thực tế đã tự tử, nguyên nhân là do bị bắt nạt trên mạng xã hội. Trên thực tế, đã có một số vụ xảy ra, nhưng chỉ đến khi ngôi sao truyền hình này bị chết, sự việc mới được tập trung phân tích thấu đáo.

Hiện Bộ Tư pháp đang nỗ lực để bổ sung hình phạt tù đối với hành vi bắt nạt và lăng mạ trên mạng xã hội bởi hành vi này có thể vi phạm nhân quyền nghiêm trọng dẫn đến hậu quả không thể cứu vãn và nó phải được chấm dứt.

Hiện tại, người vi phạm chỉ bị phạt một khoản tiền nhỏ hoặc bị tạm giam, các mức phạt nhẹ nhất trong bộ luật hình sự của Nhật Bản. Do đó, Bộ muốn bổ sung thêm hình phạt tù lên tới 1 năm hoặc phạt tiền lên tới khoảng 2.700 USD đối với những vi phạm nói trên. Nếu các mức phạt nặng hơn này được áp dụng thì thời hiệu khiếu nại sẽ được tăng từ 1 năm hiện nay lên thành 3 năm.

Dư luận Nhật Bản đồng tình với việc này. Niều chính khách Nhật Bản dùng facebook, instagram…để giới thiệu chính những hoạt động của mình.

Thanh thiếu niên là đối tượng dễ có hành vi thiếu kiểm soát trên mạng

Ngoài việc tăng hình phạt, chính quyền Nhật Bản còn áp dụng nhiều biện pháp nào khác nữa để ngăn chặn các vụ việc tương tự cũng như cải thiện môi trường mạng xã hội để không trở thành nguy cơ và nỗi sợ hãi đối với người dùng, đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Theo số liệu thông kê, tại Nhật Bản thanh thiếu niên ở độ đuổi từ 13-19 sử dụng điện thoại thông minh, điện thoại di động tới 87,4%, trong đó điện thoại thông minh chiếm hơn 83%. Thanh thiếu niên là đối tượng dễ có hành vi thiếu kiểm soát khi đăng tải bình luận trên mạng xã hội và chiếm tỷ lệ cao.

Bên cạnh đó, theo một điều tra mới nhất của một nhà cung cấp dịch vụ mạng Nhật Bản, có tới gần 18 % số người được hỏi cho biết đã từng bị tổn thương do người khác bằng mạng xã hội.

Lý do nhiều nhất là do ghét và không chịu nổi đối tượng (hơn 33%), đáp trả do đã bị xúc phạm, quá căng thẳng… Ngoài ra có cũng có tới 15% do rảnh rỗi quá, 13% do thấy việc lăng mạ, nói xấu, xuyên tạc… “rất thú vị”.

Với thực tế trên, tất cả các tỉnh thành của Nhật Bản đều có Trung tâm trao đổi chống tổn thương do lăng mạ, sỉ nhục. Trong mỗi tỉnh thành lại có nhiều cơ cơ sở rải rác trong các quận, thành phố…Trung tâm này có nhiệm vụ hỗ trợ những người bị hại, cũng như báo cáo cơ quan chức năng xử lý hành vi xâm hại.

Ngoài ra, do số lượng học sinh trung học trở lên dùng điện thoại khá nhiều, nên đối với học sinh phổ thông trung học không được mang điện thoại đến trường, giảng dậy về kiến thức Internet ngay từ năm thứ tư của cấp tiểu học. Nhà cung cấp dịch vụ giới hạn số điện thoại gọi đi gọi đến đối với trẻ em…

Chính vì những biện pháp chặt chẽ như trên, Nhật Bản đã đảm bảo an ninh mạng khá tốt, tạo cuộc sống nhẹ nhàng, bớt lo âu cho mọi người./.

Bùi Hùng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết