Tiếng Việt | English

11/05/2021 - 08:24

Nhiều chuyển biến tích cực từ Kết luận số 720

Qua 2 năm triển khai, thực hiện Kết luận (KL) số 720-KL/TU, ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư (TĐC) trên địa bàn một số địa phương trọng điểm của tỉnh, công tác này có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút, cải thiện môi trường đầu tư, góp phần vào phát triển KT-XH địa phương.

Qua 2 năm thực hiện Kết luận số 720, tỉnh bồi thường được trên 1.000ha để thực hiện các dự án

“Khởi sắc” ở những địa bàn trọng điểm

Tỉnh luôn tăng cường các giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đã thu hút nhiều nhà đầu tư thực hiện các dự án (DA), công trình trên địa bàn, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Song song đó, chính sách bồi thường, GPMB, hỗ trợ TĐC cũng được tỉnh điều chỉnh theo hướng phù hợp với thực tế, góp phần sớm ổn định cuộc sống của người dân có đất bị thu hồi làm DA, tạo sự đồng thuận cao trong người dân, thuận lợi trong việc GPMB, bàn giao đất cho chủ đầu tư làm DA.

Tuy có nhiều nỗ lực nhưng công tác bồi thường, GPMB, TĐC còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như TP.Tân An, huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Tân Trụ. Tỉnh đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để khắc phục, tháo gỡ tình trạng này.

Ngày 29/3/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành KL số 720-KL/TU (gọi tắt KL số 720) về công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ và TP.Tân An. Sau khi KL số 720 được ban hành, các địa phương tập trung, quyết liệt thực hiện theo tinh thần chỉ đạo, sự phối hợp giữa các cơ quan chặt chẽ hơn. Công tác bồi thường, GPMB, TĐC có nhiều chuyển biến tích cực, “khởi sắc” hơn.

Nhờ làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhiều dự án sớm được thực hiện

Tại huyện Cần Giuộc, công tác bồi thường, GPMB, TĐC được lãnh đạo địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện, nhất là từ sau khi có KL số 720 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bà Nguyễn Thị Huyền, ngụ xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Lúc đầu, biết thông tin bị thu hồi đất để thực hiện 2 DA là Đường tỉnh 830 và khu công nghiệp, gia đình cũng lưỡng lự, lo lắng. Tuy nhiên, chúng tôi được địa phương tuyên truyền, vận động nên hiểu chủ trương và bàn giao đất để thực hiện DA. Hiện nay, công trình Đường tỉnh 830 qua địa bàn được đầu tư rộng rãi, thuận lợi lưu thông, người dân phấn khởi. Chúng tôi kiến nghị địa phương đôn đốc chủ đầu tư khu công nghiệp sớm đưa DA vào sử dụng để tránh lãng phí đất đai mà người dân đã bàn giao”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh, địa phương tập trung GPMB một số DA, công trình trọng điểm theo kế hoạch như Đường tỉnh 830, đường Tân Tập - Long Hậu, DA Khu đô thị Năm Sao (giai đoạn 2), các DA Cảng - Khu công nghiệp Long An, Thái Sơn Long An, Khu công nghiệp Long Hậu 3; các DA TĐC tại xã Long Hậu (Hòa Thuận Phát, Phố Đông), xã Tân Tập (Bất động sản Long An), Nghĩa trang Vĩnh Bảo, các khu dân cư (Hai Thành Long An, Hai Thành LA, Nam Sài Gòn, Phú Châu); Cụm công nghiệp Hải Sơn. Bước đầu, công tác này đạt một số kết quả nhất định.

Huyện đã chi trả bồi thường cho 1.531 hộ, tổ chức, số tiền 1.830,44 tỉ đồng, diện tích đã GPMB 197,06ha (trong đó, tính từ sau Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 18, ngày 03-12-2019 đến nay, huyện chi trả cho 816 hộ, tổ chức, số tiền 1.079,54 tỉ đồng, diện tích đã GPMB 96,28ha). Hiện nay, huyện Cần Giuộc tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân và phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh để tổ chức GPMB một số DA trọng tâm theo kế hoạch.

Tương tự, công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn huyện Đức Hòa cũng có chuyển biến về nhiều mặt kể từ khi thực hiện theo KL số 720. Ông Nguyễn Hồng Nam, ngụ xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, cho hay: “Tôi tuân thủ chủ trương và nhanh chóng bàn giao đất thực hiện DA Khu công nghiệp Hựu Thạnh. Hy vọng DA sớm hoàn thành, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, địa phương cần điều chỉnh đơn giá, hỗ trợ thêm chính sách bồi thường để người dân sớm ổn định cuộc sống”.

Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Trường Chinh cho biết: Hiệu quả được nâng lên từ sau khi thực hiện KL số 720 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho đến nay. Huyện thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ thêm diện tích 425,62ha, 2.191 hộ, số tiền 3.807,88 tỉ đồng (trong đó, từ Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 18, ngày 03/12/2019 đến nay đã chi trả được diện tích 148,42ha, 1.125 hộ, số tiền 1.797,35 tỉ đồng), chủ yếu là các DA: Khu công nghiệp Đức Hòa I do Công ty Cổ phần Khai thác Hạnh Phúc đầu tư; Khu công nghiệp Hựu Thạnh (IDICO) do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Long An - IDICO và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư; các DA điện, Tuyến đường dây Mỹ Tho - Đức Hòa, Đường dây điện Sông Hậu Đức Hòa, Đường dây đấu nối 220kV số 1 và số 2, Đường dây đấu nối 500kV số 1 và số 2, Cụm công nghiệp Tân Mỹ.

Qua 2 năm thực hiện Kết luận số 720, tỉnh bồi thường được trên 1.000ha để thực hiện các dự án

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện

Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Trường Chinh, dù có nhiều chuyển biến nhưng công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn huyện còn những vướng mắc, tồn tại. Tiến độ GPMB ở một số DA còn chậm, việc giải quyết khiếu nại của người dân còn chậm, một số chủ đầu tư năng lực còn yếu, việc chỉnh lý biến động đất đai gặp khó,...

Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện KL số 720 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo sự nhất quán trong công tác GPMB; tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát thực tế tại các DA, kịp thời giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của người dân. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên trách thực hiện công tác bồi thường, GPMB, đáp ứng với yêu cầu giai đoạn hiện nay; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục; công khai, minh bạch, đầy đủ về trình tự thủ tục, quy hoạch, giá đất bồi thường, thời gian, tiến độ DA,... để người dân nắm rõ, tạo sự đồng thuận trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ TĐC đối với từng DA.

Huyện phối hợp các chủ đầu tư để xây dựng kế hoạch GPMB cụ thể cho từng DA, bảo đảm tiến độ đề ra. Huyện kiến nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, thống nhất cùng địa phương thẩm định hồ sơ, phương án giá đền bù để rút ngắn thời gian trình UBND tỉnh sớm phê duyệt. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ địa phương tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; đồng thời, tham mưu UBND điều chỉnh một số nội dung phù hợp.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Văn Thông thông tin: Ngay khi có KL 720 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở tập trung phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương để tổ chức thực hiện. Sở có văn bản gửi UBND cấp huyện công khai thông tin các DA về chủ đầu tư, sơ đồ, mục tiêu quy mô DA, tiến độ thực hiện để công tác bồi thường được thuận lợi, mang tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, qua đó tạo được sự đồng thuận, hạn chế xảy ra tình trạng người dân thắc mắc, khiếu nại. Sở cũng đã làm việc với UBND các địa phương để phối hợp hướng dẫn trình tự, thủ tục bồi thường, GPMB, thống nhất theo hướng rút ngắn thời gian thực hiện.

Đến nay, qua 2 năm thực hiện, công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực. Từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành KL 720 đến nay, đã bồi thường được 1.036,253ha (trong đó, tính từ Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 18, ngày 03/12/2019 đến nay bồi thường được 521,831ha).

Sở tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương để tập trung tháo gỡ theo thẩm quyền. Sở đề xuất, tham mưu UBND tỉnh một số giải pháp cụ thể để phát huy những kết quả, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn, góp phần vào phát triển KT-XH địa phương./.

Từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận 720-KL/TU (ngày 29/3/2019) đến nay, đã bồi thường được 1.036,253ha (trong đó, tính từ Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 18, ngày 03/12/2019 đến nay bồi thường 521,831ha).

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết