Tiếng Việt | English

22/11/2016 - 10:03

Nhiều mô hình giúp người dân phát triển kinh tế

Là xã biên giới của huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An mặc dù nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, tuy nhiên, hiện nay ngoài trục đường liên xã được thảm nhựa thì hạ tầng thiết yếu như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, nhà ở vẫn chưa bảo đảm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở Thái Trị còn ở mức cao.


Tuyến đường liên xã Thái Trị - Thái Bình Trung được thảm nhựa tạo động lực cho địa phương phát triển kinh tế cũng như trong xây dựng NTM

Còn nhiều khó khăn

Con đường nhựa liên xã nối từ UBND thị trấn Vĩnh Hưng về xã Thái Trị, Thái Bình Trung được thảm nhựa rộng, đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân 2 xã biên giới phát triển kinh tế. Mùa lũ năm nay, người dân xã Thái Trị phấn khởi khi lũ cao hơn mọi năm, mang lượng phù sa lớn về cho đồng ruộng. Hàng trăm hécta lúa trên gò cao được người dân chủ động gieo sạ sớm. Phần diện tích còn lại, chờ lũ rút để xuống giống. Nhờ chủ động trong sản xuất mà hơn 120ha có nguy cơ bị nước lũ đe dọa trước đó được bảo vệ. Hơn 3.100ha đất sản xuất trong toàn xã đạt năng suất cao với những vùng chuyên canh 2 vụ lúa hoặc 1 vụ lúa - 1 vụ sen. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 31 triệu đồng/người/năm. Đó là những kết quả đáng ghi nhận của chính quyền và nhân dân xã Thái Trị trong suốt thời gian qua, nhất là khi xã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Song song với những thuận lợi thì việc XDNTM tại Thái Trị cũng gặp không ít khó khăn. Năm 2015, xã phấn đấu thực hiện và đạt 12 tiêu chí nhưng đến khi áp dụng một số quy định trong tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020, xã chỉ còn 10 tiêu chí đạt. Theo đánh giá của UBND xã Thái Trị, một số tiêu chí cần nguồn huy động vốn lớn như: Giao thông, trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa,... do thiếu vốn nên khó triển khai. Sản xuất nông nghiệp có chuyển biến nhưng vẫn còn nhỏ, lẻ, chưa ổn định được đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Nhất là theo chuẩn nghèo mới, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao với trên 12%.


Trồng xen canh 1 vụ lúa - 1 vụ sen giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định tại xã Thái Trị

Xây dựng nông thôn mới phải gắn với giảm nghèo bền vững

Chủ tịch UBND xã Thái Trị - Trần Văn Bằng cho biết: “Hiện nay, ngoài những khó khăn chung trong công tác XDNTM thì vấn đề quan trọng nhất là giảm được tỷ lệ hộ nghèo. Muốn XDNTM thành công, trước mắt phải tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá giả. Có như vậy, người dân mới cùng chính quyền chung sức xây dựng nông thôn”.

Theo thống kê của UBND xã, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn ở mức cao. Qua rà soát, theo chuẩn nghèo mới, toàn xã có 118/973 hộ nghèo, chiếm 12,12%. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ cận nghèo cũng xấp xỉ 18% nên việc huy động nguồn lực trong dân hạn chế. Trước thực tế đó, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Thái Trị xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân.

Tại ấp Thái Quang, hàng trăm hécta chuyên canh 2 vụ lúa được người dân chuyển đổi sang trồng 1 vụ lúa và 1 vụ sen, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền trồng hơn 2ha sen cho biết: “Vài năm trở lại đây, các hộ dân khu vực này mới chuyển sang trồng sen. So với chuyên canh lúa thì trồng 1 vụ sen - 1 vụ lúa vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa có tác dụng cải tạo đất cho vụ lúa sau và phòng tránh được sâu bệnh”. Theo bà, việc trồng sen rất dễ, chi phí lại thấp, 1ha sen đầu tư khoảng hơn 1 triệu đồng tiền giống và công. Sau 3 tháng, sen cho thu hoạch. “1ha sen, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 7 tấn gương. Với giá bán dao động từ 8.000-30.000 đồng/kg, trừ chi phí thì lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa” - bà Hiền cho hay.

Theo thống kê, toàn xã có trên 400ha chuyên canh lúa được chuyển sang trồng lúa xen canh sen. Mô hình này giúp nhiều hộ gia đình ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, nhiều hộ trong xã còn tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp, diện tích đất trống để trồng cỏ nuôi bò, trâu. Đến nay, đàn trâu, bò của xã có trên 570 con, đạt 150% so với nghị quyết xã. Tuy nhiên, với số hộ nghèo còn cao như hiện nay, xã cần tiếp tục thực hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả để giúp các hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống; tạo điều kiện cho các hộ nghèo, khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Chủ tịch UBND xã - Trần Văn Bằng cho biết: “Hiện ngoài việc duy trì các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, xã đang quy hoạch thêm các vùng nuôi trồng thủy sản ở vùng trũng thấp, kết hợp trồng lúa với nuôi cá trong những tháng lũ về. Nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương cần giúp họ nâng cao cuộc sống, gắn với giảm nghèo bền vững”./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết