Tiếng Việt | English

29/11/2019 - 08:02

Nhớ lắm Bác Chín ơi!

Mới đây mà bác Chín Cần - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, Bộ trưởng Bộ Lương thực, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó trưởng ban thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, người cộng sản trung kiên và người lãnh đạo gắn bó cả cuộc đời mình với quê hương, đất nước, nhân dân, đã đi xa chúng ta hơn 3 năm (bác Nguyễn Văn Chính mất lúc 16 giờ, ngày 29/10/2016). 93 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, những đóng góp của bác Chín Cần cho đất nước, quê hương Long An luôn sống mãi trong trái tim các thế hệ hôm nay và mai sau. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, bác Chín Cần luôn là nhà lãnh đạo sáng tạo, chủ động; thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy chiến lược và những quyết định mang tính bước ngoặt lịch sử. Bác Chín luôn sáng ngời tấm gương nhân cách, phẩm chất đạo đức cách mạng.

Sinh ra và lớn lên trong môi trường giàu truyền thống yêu nước đã nuôi dưỡng, hun đúc, bồi đắp tư duy, tình cảm, nhận thức của đồng chí Nguyễn Văn Chính từ một thanh niên yêu nước đi theo lý tưởng cách mạng, trở thành người cộng sản kiên trung, người lãnh đạo ưu tú.

Sớm tham gia cách mạng từ những năm tháng gian lao kháng chiến chống thực dân Pháp, trưởng thành trong khói lửa của cuộc chiến tranh khốc liệt chống đế quốc Mỹ, giải phóng quê hương, bác Chín Cần đã ghi đậm dấu ấn ở chiến trường Long An, Mỹ Tho: Chủ trương cho đánh trận Vàm Sác nổi tiếng, đánh đồn Đức Lập, tập kích vào Trung tâm huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa; thành lập Tiểu đoàn 1 Long An với nhiệm vụ “ra quân phải đánh thắng”; phát động toàn dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, rào làng chiến đấu, cài chông mìn, lựu đạn, đạp lôi, chống địch càn quét, buộc địch phải phân tán chủ lực; đánh giặc bằng 3 mũi giáp công trên cả 3 vùng… Từ những chiến công trên, tỉnh Long An đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khen tặng 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Tiếp nối truyền thống đấu tranh bất khuất của cha anh, bác Chín đã tham gia xây dựng, góp phần cùng đồng chí, đồng đội, nhân dân làm rạng danh truyền thống cách mạng của quê hương. Các thế hệ sau này luôn tự hào về bác Chín!

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, với vai trò Bí thư Tỉnh ủy, bác Chín đã cùng lãnh đạo tỉnh lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Long An hàn gắn vết thương chiến tranh, khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của đất nước. Trong thời kỳ đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách, bác Chín và lãnh đạo tỉnh đã khảo sát khắp vùng bưng biền Đồng Tháp Mười và ghi lại dấu ấn lịch sử với chủ trương tiến công khai phá Đồng Tháp Mười, biến khu vực này từ vùng đất hoang hóa và nhiễm phèn nặng thành vựa lúa trù phú bậc nhất miền Tây Nam bộ. 

Bác Chín còn là nhà lãnh đạo có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đã lãnh đạo tỉnh Long An mạnh dạn thực hiện bước đột phá về quản lý kinh tế theo cơ chế mới bằng cách thí điểm thực hiện cải tiến phân phối lưu thông, thực hiện cơ chế một giá, bù giá vào lương, xóa bao cấp, góp phần khởi đầu cho sự nghiệp đổi mới đất nước.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đi qua những cuộc chiến cam go cho đến khi là người lãnh đạo của quê hương, đất nước, bác Chín luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, dung dị quan tâm, yêu thương, chăm lo cho sản xuất và cuộc sống của nhân dân. Bác luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, gần dân để hiểu nguyện vọng của nhân dân, có nhiều hoạt động, chủ trương hợp lý, thấu tình, làm thay đổi cuộc sống của nhân dân, nhất là nông dân. Phát động phong trào toàn dân đánh giặc, khai mở Đồng Tháp Mười, đổi mới cơ chế phân phối lưu thông,... tất cả đều hướng tới cuộc sống nhân dân.

Tiếp nối sự nghiệp cách mạng của bác Chín, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Long An khắc phục khó khăn, tạo nguồn lực cho phát triển và đạt nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Từ năm 1995 đến nay, mức tăng trưởng kinh tế liên tục tăng qua các năm, từ 7,5% tăng lên 10,36%; thu nhập bình quân đầu người đạt 68,62 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đặc biệt, qua các lần đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định và triển khai nhiều chương trình đột phá, công trình trọng điểm, mang lại kết quả tích cực, tạo bứt phá, thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh và bền vững.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của bác Chín Cần mãi mãi là tấm gương để cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tỉnh Long An học tập và noi theo. Trong sổ tang vĩnh biệt bác Chín, một đồng chí từng công tác chung với bác Chín trong những năm 80 đã viết: “Anh là người cán bộ của nhân dân đúng nghĩa nhất, cao quý nhất. Anh làm cho thế hệ chúng tôi khi nhớ về Bác Hồ, bác Tôn, bác Giáp, bác Đồng…, lại nhớ đến Võ Văn Kiệt, Kim Ngọc, Chín Cần. Làm sáng rạng thời kỳ đêm tối lịch sử là nhờ có những vì sao như anh”./.

Tân An

Chia sẻ bài viết