Tiếng Việt | English

08/07/2017 - 11:03

Nhớ nghệ sĩ ưu tú Thanh Sang

Nói đến tài nghề ca diễn của cố Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Sang, khán giả mộ điệu sẽ không bao giờ quên những vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long; Thi Sách trong Tiếng trống Mê Linh; Trần Minh trong Bên cầu dệt lụa; Lê Hoàn trong Thái hậu Dương Vân Nga,... Nhưng có lẽ, người mộ điệu cải lương nhớ đến anh nhiều nhất với vai Tạ Tốn và Trần Minh.

Thành công với vai Tạ Tốn

Người đời thường nói “Duyên ai nấy gặp” và tài năng nghệ thuật con người là do thiên phú. Nếu như thế thì NSƯT Thanh Sang lại đạt cả hai như duyên tiền định. Bởi anh xuất thân từ gia đình ngư phủ ở làng chài biển Phước Hải, tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu, với cái tên rất chân chất Nguyễn Văn Thu.

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Sang

Năm 17 tuổi, anh bén duyên nghệ thuật cải lương khi giọng ca chân chất mà ngọt ngào, buồn rười rượi, vô tình lọt vào tai của NS.Kim Nên - Chiêu Anh (cặp đào - kép chánh của gánh Ngọc Kiều đang về diễn rạp Hải Lạc gần nhà Thu).

Anh được đôi NS này nhận làm đệ tử và cho theo gánh. Một thời gian theo gánh hát, Thu chỉ phụ việc cho đào, kép chánh mà chưa học được nghề. Kế đó, anh qua một số gánh khác: Thái Bình, Trăm Hoa Mai, Bạch Yến, Song Kiều,... làm hậu đài, quân sĩ; nhưng anh ý thức tự học lỏm các NS ca diễn để làm vốn liếng tiền đề cho mình. Thời gian sau, anh tìm đến NQ.Ngọc Đáng học nghề.

Nhờ bền chí và hiếu học cộng với lòng đam mê nghệ thuật mà anh Thu lúc vào gánh Ngọc Kiều ca diễn thành chuyên nghiệp (năm 1960). Lúc này, anh mới thật sự có duyên với cải lương, anh được ông bầu Hoàng Kinh chú ý. Một trong những vai diễn đánh dấu sự thành công của NSƯT Thanh Sang là vai Tạ Tốn. Khi vào vai nhân vật bị mù, lớn tuổi, tâm trí lại nửa tỉnh, nửa điên, Thanh Sang mới 22 tuổi. Nhân vật Tạ Tốn bị điên vì vợ con ông bị Thành Khôn hãm hại, từ đó, ông cướp đồ long đao để nghiên cứu bí quyết, mong trả thù cho vợ con.

Ban đầu, đọc xong kịch bản, anh không nhận vai nhưng được soạn giả Hoa Phượng động viên, anh mạnh dạn hóa thân và thành công với nhân vật Tạ Tốn. Cái hay của vai diễn Tạ Tốn ở chỗ tâm lý nhân vật, từ trạng thái hung dữ, điên cuồng chuyển sang tâm lý nhân văn vì tính người; Tạ Tốn nghe tiếng trẻ khóc mà mềm lòng vì nhớ đến con mình mà xóa tan đi thù hận. Đôi mắt mù của Tạ Tốn bình thường đứng tròng, nhưng khi biểu đạt trạng thái căm hờn, nghi ngờ, dò đoán; khi lòng nhân xuất hiện, ánh mắt mù kia trở nên bối rối, ngây ngô rất đáng thương,... Đó là tài nghề biểu đạt trong ca diễn cùng kết hợp đồng bộ xuất sắc của NSƯT Thanh Sang trong vai Tạ Tốn để đời trong lịch sử cải lương trước 1975.

Vai Trần Minh - dấu ấn thời hoàng kim

Có lẽ, thời kỳ rực rỡ nhất của sân khấu cải lương được xem là thời kỳ hoàng kim từ 1975 đến 1990. Vở diễn gắn liền với tên bảng hiệu đoàn hát, tên tuổi NS gắn liền với nhân vật, vai diễn và rất nhiều NS tạo tên tuổi cùng vai diễn trong giai đoạn này. Trong đó, NSƯT Thanh Sang có nhiều vai nổi tiếng: Thi Sách trong Tiếng trống Mê Linh; Trần Minh trong Bên cầu dệt lụa; Lê Hoàn trong Thái hậu Dương Vân Nga,... Trước nhất, nhân vật Trần Minh, tác giả Thế Châu tạo dựng đầy đủ các yếu tố của một nhân vật trong văn học.

Ông dùng ngôn từ của mình để triết lý nhân vật về tình mẫu tử, lòng thủy chung, nghĩa phu thê, bổn phận quân thần,... Khi xây dựng thành hình tượng nhân vật sân khấu thì các tố chất đó được NSƯT Thanh Sang tái hiện một Trần Minh của thuở xa xưa nào đó, dù tất cả khán giả chưa một lần biết và thấy Trần Minh ra sao nhưng họ tin là Trần Minh có thật qua hình ảnh của NSƯT hóa thân vào vai diễn của mình.

Đó là tài năng của NS biểu diễn, người được trực tiếp thay mặt cho tác giả kịch bản, đạo diễn dàn dựng để chinh phục khán giả bằng hình tượng nhân vật. Nếu những vai sang trọng, những nhân vật võ tướng với xiêm y đẹp rực rỡ, vũ đạo tạo dáng oai phong lẫm liệt như vai Thập đạo Lê Hoàn, Lục Vân Tiên, Đường Minh Hoàng,... thì vai Trần Minh là một vai ngược lại, đa tính cách, nhưng chủ đạo tuyến nhân vật vẫn là thuộc tầng lớp hạ dân, nghèo hèn nhưng hiếu học và đầy ý chí.

NSƯT Thanh Sang vốn thiên phú làn hơi, chất giọng “thổ pha đồng”, âm vực giọng “thổ” có cao độ thấp hơn các loại giọng khác, nhưng âm trầm và họa âm rất đầy, lại pha thêm ít chất “đồng” khiến âm trầm có độ vang, cao độ được nâng lên khi cần thiết như ca cấn lên, hoặc lúc phát âm những âm tiết mang dấu sắc và hỏi có thể âm thanh ca trở nên bay bổng, ca bài bản Bắc nhờ giọng pha chất “đồng” nên độ vang trở thành âm giọng hùng tráng; nhưng ca vọng cổ thì âm giọng ngọt chẳng thua mía lùi, mùi buồn nghe não nuột người nghe không khỏi mềm lòng,... Đó là kỹ thuật xử lý hơi - giọng của NSƯT Thanh Sang.

Một đặc điểm nổi bật trong phong cách ca ngâm của anh là lúc nào cũng ca bằng tâm trạng, nghĩa là không chỉ ca cho đúng nhịp, đúng hơi giọng, đúng ca từ mà anh còn lồng cảm xúc của mình theo nội dung từng câu ca, từng ca từ, nhịp nhạc; anh ca như lời tâm sự, bộc bạch nỗi niềm, không thuần túy như chỉ ca cho đúng đạt niêm luật của một bài ca. Cụ thể, qua một lớp ca diễn trữ tình rất thu hút khán giả, đó là lúc Huỳnh Nga tiễn Trần Minh lên đường ứng thí.

Ngay lúc anh ca lớp đầu Nam ai với kỹ thuật tiết chế âm trầm buông nhẹ hơi xuống “xang” ngọt lịm: Làm sao tôi giận được tấm chân tình cao cả mà tiểu thơ đã dành tặng cho kẻ đã sa... cơ, trải thân lung lạc giữa phong trần, trong cuộc đời giả trá bạc đen, vinh nhục đã quá nhiều...; rồi anh ca cấn lên vọng cổ, giọng vừa mùi mẫn, vừa trầm ấm “Huỳnh Nga ơi! Ta nhận kỷ vật trao tay nghẹn ngào muốn khóc, rừng rực lửa yêu đương ta nguyện cùng ai thề vẹn giữ chữ chung... tình. Nàng sưởi ấm lòng ta qua muôn dặm trường đình. Tay ôm áo ấp vào ngực mỏng, chưa mặc mà hơi ấm đã len vào kẽ tóc chân tơ...”.

Từng nghĩa của ca từ được anh kết hợp nhuần nhuyễn với ánh mắt đượm buồn, biểu đạt lời ca như lời tâm tình; trang phục Trần Minh rách rưới te tua, nhưng lối diễn chân thật như đời thường cùng với giọng ca ngọt ngào, mùi mẫn mà NSƯT Thanh Sang chinh phục được lòng mến mộ của khán giả; đến nỗi ngoài xã hội không ít người thần tượng Thanh Sang nên học thuộc luôn những câu vọng cổ, rồi nhái giọng theo kỹ thuật ca ngâm của anh, lúc họ vui chơi trong tiệc tùng ngẫu hứng; cũng như có một số nghệ nhân tài tử và diễn viên cải lương kế thừa hơi giọng của anh.

Có thể nói, NSƯT Thanh Sang là NS có giọng ca độc đáo, tuy ngày xưa anh từng học theo hơi - giọng của NS.Thành Công, Chín Sớm, Út Trà Ôn nhưng khi trở thành NS cải lương chuyên nghiệp, anh tạo một phong cách ca diễn riêng. Chính những nét riêng ấy, tạo cho NSƯT Thanh Sang những vai diễn để đời và giọng ca vàng không phai trong lòng khán giả mộ điệu.

NSƯT Thanh Sang qua đời ngày 21/4/2017, nhưng những hình ảnh đẹp về anh kép chánh vẫn còn mãi trong lòng người mộ điệu cải lương./.

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết