Tiếng Việt | English

21/03/2016 - 09:57

Nhọc nhằn bữa cơm người lao động nghèo

Hạnh phúc của một tổ ấm luôn được đánh đổi từ sự hy sinh, lòng vị tha của các thành viên trong gia đình. Điều ấy càng đáng trân trọng hơn đối với những người lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng vun vén cho mái ấm gia đình đầy ắp tình thương.

Bữa cơm trưa hối hả của những người làm hồ

Ngày nay, cuộc sống gấp gáp cùng với guồng quay của công việc, người ta dễ quên những bữa cơm bên gia đình, nhất là những người lao động nghèo đang phải vất vả mưu sinh thì việc ăn “cơm bụi” đã trở thành thói quen. Chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều hình ảnh người lao động nghèo ăn vội chén cơm, uống vội ngụm nước để tiếp tục công việc.

Bà Nguyễn Thị Nhung, bán vé số dạo ở chợ đêm Tân An lau vội những giọt mồ hôi trên trán cho biết: “Buổi sáng tôi thường nấu cơm đem theo. Lúc nào thấy đói thì lấy ra ăn. Hôm nào bán đắt được về sớm, tôi tranh thủ mua đồ ăn để dành. Ngày nào bán chậm, tôi thường ăn cho qua bữa để kịp thời gian chuẩn bị 5 giờ chiều bắt đầu nhận vé số đi bán tiếp”.

Làm nghề thợ hồ đã mấy chục năm, ông Nguyễn Thanh Minh, ngụ khu phố 4, phường 2, TP.Tân An rất quen với cảnh ăn cơm tiệm. Ông Minh nói: “Gia đình có 3 thành viên nhưng ai cũng đi làm. Do đó, buổi trưa mạnh ai nấy ăn. Dân lao động như chúng tôi ăn sao cũng được, chủ yếu là no, nhanh và hợp túi tiền”.

Không may mắn như ông Minh, bà Nhung sau một ngày làm việc vất vả còn được quây quần bên mâm cơm gia đình, em Đoàn Minh Thiện, quê Tiền Giang cho biết: “Em đi làm xa lâu lâu mới về nhà. Nhiều lúc em thèm được ngồi ăn cơm cùng ba mẹ, thế nhưng hằng ngày, em đều đi làm tới chiều tối mới về. Em thường ghé một quán nào đó ăn cho qua ngày hoặc về nấu mì ăn. Số tiền em kiếm được đều gởi về gia đình lo cho các em đi học”.

Hay còn đó là hình ảnh của người nông dân, họ gắn bó với ruộng đồng và bữa cơm cũng rất đơn giản. Đó chỉ là một chén cá kho, ít rau luộc. Chị Trần Thị Nguyệt, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh cho biết: “Đa số người đi làm đồng đều chuẩn bị cơm sẵn, đến trưa cùng nhau ăn để còn tranh thủ làm tiếp”.

Dù vất vả với cuộc mưu sinh, phải ăn những bữa cơm tạm nhưng trong lòng mỗi người luôn chứa đựng một trái tim yêu thương, sâu lắng để đùm bọc, chở che cho mái ấm gia đình. Bữa cơm của họ đạm bạc mà hạnh phúc!

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết