Tiếng Việt | English

10/01/2021 - 10:20

Nhọc nhằn mưu sinh xa quê

Đối với những người dân nhập cư, họ chọn phố thị làm quê hương thứ 2 và gánh nặng trên vai bao nỗi lo toan, nhất là vào những ngày gần tết.

Những người dân nhập cư thường chọn  mưu sinh bằng những xe đẩy, gánh hàng rong và tất bật hơn vào những ngày gần tết

Những người dân nhập cư thường chọn  mưu sinh bằng những xe đẩy, gánh hàng rong và tất bật hơn vào những ngày gần tết

Những người nhập cư đang mưu sinh ở TP.Tân An (tỉnh Long An) nam, nữ, già, trẻ đều có. Tùy theo khả năng và sức khỏe mà họ chọn một nghề thích hợp. Có người chở hàng trên xe đạp đi đến các con hẻmđể bán, có người mưu sinh bằng gánh hàng rong tại các công viên và khu vui chơi,... Vất vả là thế nhưng không ai than vãn về công việc của mình. Mưu sinh nơi đất khách, họ chẳng quản ngại khó nhọc, nắng mưa, trưa chiều, chỉ mong sao có được số tiền kha khá để gửi về gia đình trang trải cuộc sống, nhất là vào những ngày gần tết. Những đồng tiền họ làm ra không chỉ có mồ hôi mà còn có cả nước mắt.

Chị T.T.L., quê Thanh Hóa, vào TP.Tân An, tỉnh Long An thuê nhà trọ ở cùng 2 người bạn để mưu sinh. Chị L. cho biết: "Trước đây, tôi làm công nhân cho công ty may ở xã Lợi Bình Nhơn. Cách đây hơn 3 tháng, công ty cắt giảm công nhân do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Về quê cũng không được nên tôi chuyển sang bán vé số. Hàng ngày, từ 6-21 giờ, tôi đi khắp các con đường, ngõ hẻm ở thành phố để bán vé số. Vất vả lắm nhưng tôi phải cố gắng để kiếm tiền gửi về quê chăm lo gia đình".

Ở công viên TP.Tân An, nơi có khu vui chơi cho trẻ em, vào mỗi buổi chiều, có rất nhiều người bán dạo, từ cá viên chiên, bánh tráng trộn, trà sữa đến đồ chơi trẻ em,... Trao đổi cùng chúng tôi, ông Lê Văn Bé, bán đồ chơi trẻ em, chia sẻ: "Quê tôi ở Quảng Ngãi, vào TP.Tân An thuê nhà trọ cách đây hơn 5 năm. Ban đầu, tôi theo bạn bè đi làm phụ hồ nhưng vất vả quá, trong khi sức khỏe tôi không tốt. Nhờ mấy người bạn cho mượn mỗi người một ít tiền, cộng với số tiền dành dụm được, tôi mua đồ chơi trẻ em để bán và chọn góc công viên này làm chốn mưu sinh cho đến nay. Đã mấy năm rồi, chưa năm nào tôi về quê đón tết cùng gia đình".

Còn bà Hai, bán cá viên chiên, nói: "Dân nghèo nhập cư như chúng tôi khó có điều kiện để mở cho mình một quầy buôn bán. Đàn ông chỉ cần có chiếc xe đẩy hoặc phụ nữ với đôi quang gánh, hàng ngày cần mẫn lao động để là kiếm tiền lo cho gia đình, đã mừng lắm rồi!".

Cực nhọc, vất vả là vậy nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Những ngày cận tết, những người lao động nghèo vẫn phải đi bán hàng để có đồng ra, đồng vào trang trải. Ngoài đường phố, nhịp sống vẫn tất bật, hối hả, những người bán hàng rong mỗi người một hoàn cảnh, vẫn cần mẫn với cuộc mưu sinh. Dù lao động cực nhọc nhưng những lao động nghèo vẫn lạc quan.

Theo người bán hàng rong mà chúng tôi có dịp trò chuyện, trung bình mỗi ngày, một người đi bán từ sáng đến tối sẽ kiếm được khoảng 150.000-200.000 đồng. Tiền thuê nhà, tiền ăn nếu khéo léo gói ghém thì đến khoảng 50.000 đồng, còn dành dụm được hơn 100.000 đồng.

Mưu sinh xa quê dù vất vả nhưng chỉ cần có sức khỏe để lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình đủ là niềm vui với lao động nhập cư./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết