Tiếng Việt | English

23/08/2020 - 14:15

Nhọc nhằn nghề thông cống

Ngâm mình dưới dòng nước đen sì, đem lên từng xô rác, khơi thông dòng chảy, góp phần làm sạch môi trường là công việc thầm lặng của những người làm nghề thông cống.

11 giờ, tại đường Nguyễn Văn Tạo, phường 4, TP.Tân An tấp nập xe cộ, hơi nóng từ mặt đường bốc lên rát da, rát thịt, vậy mà hai bên lề đường, những công nhân thông cống vẫn miệt mài làm việc. Họ đang tất bật cạy nắp hố ga. Sau khi nắp hố ga được lấy ra, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên làm nhiều người đi đường phải rùng mình, bịt mũi. Tuy nhiên, những công nhân thông cống hết sức bình tĩnh, chỉ tản ra một chút rồi nhanh tay bắt đầu công việc. Trong đó, người được phân công trực tiếp xuống hố ga nạo vét bùn và các loại rác thải bỏ vào thùng, tiếp theo dùng dây thừng buộc vào thùng đưa cho 2 người bên trên kéo lên mặt đất, đổ vào bao để xe lấy rác đem về nơi tập kết rác.

Công nhân thông cống đang làm việc

Ông N.T.L (quê miền Trung) chia sẻ: “Công việc của chúng tôi bắt buộc phải ngâm mình dưới nước hàng giờ, lúc nào mệt thì anh em thay phiên nhau làm. Làm nghề thông cống, chúng tôi sợ nhất là người dân không có ý thức quăng rác, xác động vật, kim tiêm, vật nhọn, dầu mỡ xuống thẳng ống cống, thậm chí có nhiều người không xây hố phân hủy phân mà còn thải trực tiếp ra ống cống. Điều này làm chúng tôi bị thương, mất thời gian trong việc thông cống, nhất là còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống xung quanh. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là người dân chung tay bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, bịt, lấp hố ga, bảo đảm thoát nước an toàn, hiệu quả, góp phần giúp công việc của chúng tôi bớt nhọc nhằn, vất vả và môi trường sống cũng tốt hơn”.

Do phải ngâm mình thường xuyên dưới dòng nước đen sì và ngửi mùi hôi thối, nhiều công nhân đã mắc các bệnh về mắt, đường hô hấp và các vấn đề liên quan đến da. Hay có những trường hợp khi đang thông cống, dọn dẹp, một số công nhân bị ngạt khí độc ngất xỉu phải nhập viện. Công việc của công nhân thông cống thường bắt đầu từ 7-16 giờ. Còn vào mùa mưa, công nhân phải làm việc liên tục, kể cả thứ bảy, chủ nhật, bảo đảm khơi thông dòng chảy, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện.

Nhiều người chia sẻ, đa số những người làm nghề thông cống chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ thấp, khó tìm được việc làm, trong khi đó họ phải nuôi gia đình. Chưa dừng lại ở đó, cái nhìn phần đông của xã hội dành cho những người làm công việc thông cống vẫn không mấy thiện cảm, thậm chí bản thân người làm nghề này cũng cảm thấy mặc cảm, xấu hổ với gia đình, bạn bè và người thân. Ông L.V.L. (quê miền Trung) cho biết: “Tôi làm công việc thông cống gần 30 năm. Tuy nhiên, người ở quê chỉ biết tôi vào Nam làm việc, thu nhập rất cao, chứ không nghĩ phải làm việc vất vả, thường xuyên đối mặt với những thứ dơ bẩn nhất. Bản thân tôi cũng ngại chia sẻ, vì sợ họ sẽ khinh thường, không hiểu hết ý nghĩa công việc của công nhân thông cống đang làm”.

Công việc tuy khó khăn, vất vả, đối diện với nhiều nguy hiểm nhưng nhiều công nhân làm nghề thông cống vẫn rất tự hào. Ông T.V.Đ. (công nhân thông cống) trải lòng: “Với tôi, công việc này vô cùng chân chính, bởi mình làm việc bằng chính sức lao động để chăm lo kinh tế cho gia đình thì không có gì xấu hổ. Trong cuộc sống, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.

Có tận mắt chứng kiến công việc của những công nhân làm nghề thông cống, chúng ta mới thấu hiểu được sự vất vả, nguy hiểm của họ phải đối mặt hàng ngày. Và sự hy sinh thầm lặng của họ đã góp phần mang lại bầu không khí trong lành cho chúng ta. Vì lẽ đó, những người làm nghề thông cống rất cần được trân trọng, cảm thông và chia sẻ của xã hội./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết