Tiếng Việt | English

04/06/2017 - 19:25

Những đôi chân nhỏ trên nẻo đường mưu sinh

Vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, thay vì được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, một số trẻ phải sớm vào cuộc mưu sinh. Tuổi thơ các em là những chuỗi ngày lao động phụ giúp gia đình.

Gánh nặng tuổi thơ

Trò chuyện cùng chúng tôi, em P.M.T, ngụ ấp Tân Thanh A, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho biết: “Em cũng mong muốn được đi chơi vui vẻ với bạn bè, nhất là vào dịp nghỉ hè, nhưng gia đình khó khăn quá nên phải đi bán vé số phụ giúp mẹ. Cha làm thợ hồ, còn mẹ em bán vé số. Nhà em có đến 4 anh em, anh trai đang đi làm hồ với cha”. Ở ngã tư đường Hùng Vương - Mai Thị Tốt (phường 2, TP.Tân An), vào mỗi trưa nắng gắt hay mỗi buổi chiều muộn, chúng tôi vẫn bắt gặp hình ảnh bé trai hơn 10 tuổi đứng bán vé số. Lúc đèn đỏ bật lên, em chạy vội xuống lòng đường để chào mời. Em bé hiền lành, lễ phép và ít nói. Hỏi thăm thì được biết: “Con tên T.V.P, ở Đồng Tháp. Con với mẹ và em lên đây thuê nhà trọ, đi bán vé số. Mẹ con dắt em đi bán, còn con đi bán một mình. Vì chưa quen đường nên con không dám đi xa, chỉ quanh quẩn ở đây, đến chiều thì mẹ và em đến đón về nhà trọ”. Khi được hỏi, em có muốn đi học lại không, P. cười hồn nhiên: “Mẹ không có tiền cho con đi học!”.

Trẻ em nghèo được quan tâm chăm lo thường xuyên

Ở khu nhà trọ trên đường Châu Thị Kim, phường 3, TP.Tân An, có một bé gái khoảng 14 tuổi, mỗi buổi chiều, em thường đạp xe chở lỉnh kỉnh rổ đậu phộng rang, bánh phồng tôm, xoài, cóc, ổi, trứng cút,... bán dạo ở những quán nhậu. Hỏi sao không đi học, em nhỏ nhẹ: “Ba con suốt ngày say xỉn về đánh đập mẹ, khổ quá nên mẹ dắt chị em con từ Quảng Ngãi vào đây thuê nhà ở và đi bán dạo. Lúc đầu, con và mẹ bán vé số nhưng có nhiều người bán quá nên mẹ và con chuyển sang bán đồ ăn vặt, mỗi ngày cũng kiếm được trên 100.000 đồng”.

Chung tay chăm lo cho trẻ em

Hình ảnh của các em T., P. hay bé gái bán dạo mà chúng tôi đề cập ở trên chỉ là những trường hợp cụ thể của những trẻ em sớm phải đối mặt với “cơm áo gạo tiền”. Và còn nhiều, nhiều lắm những mảnh đời như các em! Các em rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để có tuổi thơ hồn nhiên đúng nghĩa.

Trường TH-THCS-THPT Bồ Đề Phương Duy được Thượng tọa Thích Quảng Tâm - Trụ trì chùa Long Thạnh, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa sáng lập. Đây là nơi cưu mang nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà chùa không chỉ lo ăn, ở mà còn tạo điều kiện cho các em được đến trường. Các em cũng thường xuyên được nhiều tổ chức, mạnh thường quân giúp đỡ, tạo điều kiện học tập. Thầy Mai Đức Thắng, ngụ xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, ba mẹ ly dị, tôi phải ở với bà ngoại. Được Mái ấm Kim Chi giúp đỡ nên tôi theo học rồi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, ngành Toán - Tin. Sau khi ra trường, tôi quay về trường giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, vì tôi biết, nơi đây rất cần những vòng tay yêu thương để sưởi ấm tâm hồn các em sau những biến cố của gia đình.

Những trẻ em nhọc nhằn với cuộc mưu sinh

Ngoài ra, các hội, đoàn thể cũng là một trong những cánh tay đắc lực hỗ trợ, cưu mang, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian qua. Bà Trương Thị Ngọc Bình - Ban Công tác xã hội, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, chia sẻ: “Đối với các em phải mưu sinh sớm do nhiều hoàn cảnh khác nhau, tuổi thơ là những tháng ngày vất vả. Vậy nên, cần lắm những tấm lòng nhân ái, những địa chỉ hảo tâm sẵn sàng chung tay giúp đỡ để các em vững bước vào đời! Hàng năm, Hội CTĐ tỉnh thường xuyên vận động mạnh thường quân hỗ trợ, tặng quà học sinh nghèo, giúp vơi bớt khó khăn”.

Trên thực tế, có gia đình vì hoàn cảnh quá khó khăn nên phải cho con em mình mưu sinh khi còn nhỏ tuổi. Nhưng cũng không hiếm những bậc làm cha, làm mẹ thiếu ý thức, bắt buộc con em mình phải mưu sinh khi còn quá nhỏ - miễn sao kiếm được tiền. Thiết nghĩ, để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chính quyền các cấp cần vào cuộc một cách quyết liệt nhằm hạn chế tình trạng lao động trẻ em, bảo vệ quyền lợi cho các cháu./.

Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được tỉnh triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm việc chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, phải vào đời mưu sinh sớm.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phạm Văn Bốn

Song Hồng

Chia sẻ bài viết