Tiếng Việt | English

13/04/2017 - 09:42

Nhức nhối chợ nông sản Thạnh Hóa

Từng con chim, cò được cột chặt treo ngược lên trên, nhiều con được nhổ lông sẵn nằm thoi thóp chờ chết, những loại rắn, rùa,... được một số tiểu thương “vô tư” bày bán, công khai chào mời khách đang là thực trạng diễn ra hàng ngày tại chợ nông sản Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Nhiều hộ còn khẳng định, những mặt hàng quý hiếm: Điêng điểng, giang sen hay rắn hổ đất luôn có sẵn phục vụ thực khách.

Mặc hàng nào cũng có

Mặc dù vừa qua mùa nước nổi, lượng chim, cò được người dân đánh bắt giảm hẳn; ở một số chợ huyện, việc buôn bán chim trời cũng như các loại động vật hoang dã khác từ thiên nhiên không còn sôi động như những tháng mùa nước nổi nhưng điều ấy có vẻ không đúng với các tiểu thương tại chợ nông sản Thạnh Hóa.

Từng con chim, cò được cột chặt treo ngược lên trên chờ thực khách đến mua

Chị Hồ Thị Yên T. (SN 1982), ngụ ấp Đông Hòa, xã Thủy Đông, một trong những hộ buôn bán động vật hoang dã tại chợ nông sản Thạnh Hóa khẳng định: “Ở đâu tôi không biết, chứ riêng chợ này, mặt hàng nào cũng có!”.

Trong lúc chúng tôi đang hỏi giá một số mặt hàng, liền một lúc 2 xe ôtô biển số TP.HCM ghé vào. “Khách quen, lâu quá không thấy các anh ghé!”, chị T. đon đả chào khách. Dẫn khách đi một vòng, 6 người đàn ông lựa được một mớ chim chằng nghịch cùng cặp le le và một ít rắn hổ hành.

Chúng tôi hỏi và được người đàn ông giới thiệu tên C., ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ông cho biết: “Lần nào về quê ngang qua đây, nhất định phải ghé mua một số chim, rắn. Ở đây, chim, cò tự nhiên chứ trên thành phố, giá vừa đắt, có khi lại là hàng không bảo đảm chất lượng”.

Khách vừa đi khỏi, chúng tôi được chị T. giới thiệu hầu hết mặt hàng được bán tại quầy từ chim, cò, rắn, rùa đến cả các loại chim cảnh, mỗi loại một giá khác nhau. Thấy chúng tôi có vẻ chưa ưng ý mấy loại này, chị hỏi: “Các chú cần loại gì? Mặt hàng nào ở đây cũng đều có!”.

Trước đó, chúng tôi nghe người dân mách, khu chợ này bán cả các loại động vật hoang dã quý hiếm: Điêng điểng, giang sen hay rắn hổ đất nên hỏi chị T. về các loại này. Theo chị T., qua mùa nước nổi, các loại chim này ít lắm, lâu lâu mới có hàng, còn rắn hổ đất lúc nào cũng có sẵn.

Để minh chứng lời mình nói, chị T. bảo chồng dẫn chúng tôi ra phía sau dãy nhà lá tận mắt xem. Chồng chị T. cầm lên một bao lưới và nói: “Con này (rắn hổ đất) 2,8kg, giá hiện tại 850.000 đồng/kg. Mỗi ngày, cửa hàng của tôi nhập 1 hoặc 2 thùng với trọng lượng khoảng 50kg”.

Hàng này nhập hết từ Campuchia

Theo lời chị T., hiện loài rắn hổ đất ở trong nước không còn nhiều, số lượng cũng không đủ phục vụ nhu cầu. Hầu hết các mặt hàng được bày bán tại chợ nông sản Thạnh Hóa đều có nguồn gốc từ Campuchia.

“Đến cả chim, rắn, rùa cũng là hàng từ Campuchia. Chứ giờ ở mình không đủ hàng cung cấp. Đối với những loại chim, cò, rắn thông thường thì ở đây luôn có sẵn. Còn riêng những loại cao cấp như rắn hổ đất thì bữa có, bữa không. Nhưng nếu đặt trước thì bao nhiêu cũng có” - chị cho biết thêm.

Những loại chim, cò, vịt trời,... được gia đình anh Công xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng trữ sẵn trong tủ đông, chờ làm mồi nhậu

Ngược về xã Khánh Hưng và Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, khi bàn về chuyện buôn bán chim, cò, chúng tôi được anh L.H.T., ở ấp Bàu Sen, xã Khánh Hưng kể, riêng tại 2 xã này, có đến 4-5 người chuyên thu mua chim, cò, rắn và các loại động vật hoang dã khác từ Campuchia về giao cho các tiểu thương bán lẻ.

“Có lúc cao điểm, mỗi hộ thu mua cứ 2 ngày lại đánh một xe tải hàng về” - anh cho hay. Theo anh, chỉ trên địa bàn 2 xã Khánh Hưng và Hưng Điền A có đến 5 hộ chuyên làm nghề này như hộ anh Phích (xã Hưng Điền A), anh Phần, anh Công (xã Khánh Hưng),...

Tại nhà anh Công, lúc nào cũng có sẵn cả trăm con cu gáy, chim trời. Hằng ngày, số lượng chim này được người đàn ông tên Tuấn giao hàng ở chợ nông sản Thạnh Hóa và các mối lái ở TP.HCM. Riêng các loại: Vịt trời, le le, giang sen thì được được làm sẵn bên Campuchia, sau đó vận chuyển về và trữ đông trong tủ đá.

Theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm liên huyện Tân Hưng - Vĩnh Hưng - Nguyễn Hoàng Liêm, hiện việc buôn bán động vật hoang dã như chim trời, rắn, rùa vẫn được đơn vị kiểm tra tại các khu vực chợ. Còn đối với những hộ buôn bán lén lút từ Campuchia về rất khó phát hiện và xử lý.

Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Thành Ái cho biết, qua thông tin dư luận thì có việc buôn bán động vật rừng nguồn gốc từ Campuchia. Tuy nhiên, để xác thực thông tin này và xử lý rất khó bởi những người thu mua khi về nước thường đi bằng đường tiểu ngạch, chia nhỏ hàng và vận chuyển bằng xe máy đến giao cho thương lái.

Rõ ràng, việc buôn bán động vật hoang dã, nhất là các loại chim, cò không qua kiểm dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm và gây khó khăn trong việc quản lý hàng hóa, thực phẩm. Nguy hiểm hơn, khi tại một số địa phương của nước bạn Campuchia bùng phát dịch cúm gia cầm, nếu một trong số các loại chim, cò mang theo mầm dịch sẽ dễ dẫn đến việc lây lan, bùng phát dịch tại Long An cũng như một số địa phương khác.

“Ôm hàng” vào rừng khi bị kiểm tra

Theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Thành Ái, việc buôn bán chim trời, động vật hoang dã diễn ra hàng ngày ở chợ nông sản Thạnh Hóa đang là vấn đề nhức nhối đối với lực lượng kiểm lâm.

Ông Ái cho biết: “Tất cả hộ kinh doanh ở đây, không hộ nào có giấy phép kinh doanh. Cho đến nay, khu vực chợ này vẫn là chợ tự phát, chưa được quản lý. Trước phản ánh của người dân cũng như các cơ quan ngôn luận, mỗi tháng, chúng tôi đều ra quân từ 6-10 lần để kiểm tra, xử lý. Nhưng cái khó là khi phát hiện, chẳng hộ nào chịu nhận là hàng của mình. Có hộ sẵn sàng đem đổ bỏ ra giữa đường.

Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, người bán "ôm hàng" chạy trốn

Có trường hợp khi bị kiểm tra liền “ôm hàng” lao vào rừng tràm để trốn tránh lực lượng chức năng. Mà hiện tại, số hộ kinh doanh tại đây đều biết hết mặt anh em kiểm lâm nên chỉ cần thấy bóng dáng của lực lượng là họ thu gom, cất giấu. Những loại động vật rừng nằm ngoài danh mục tại Thông tư 47 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về việc khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường thì dù có buôn bán, lực lượng kiểm lâm cũng không xử lý được”.

Theo thống kê, ngoài những hộ chuyên kinh doanh buôn bán các mặt hàng nông sản thì chợ nông sản Thạnh Hóa có 20 hộ tham gia kinh doanh động vật rừng. Riêng năm 2016, trong các đợt ra quân xử lý vi phạm của lực lượng Kiểm lâm huyện Thạnh Hóa phát hiện và xử lý vi phạm 13 vụ, trong đó có đến 8 vụ vắng chủ sở hữu, thu giữ 767 cá thể động vật rừng các loại.

>> Xem thêm

Động vật rừng hoang dã trước nguy cơ bị tận diệt

Động vật rừng hoang dã trước nguy cơ bị tận diệt 

Cập Nhật 12-04-2017

Mỗi ngày, hàng ngàn con chim trời thuộc đủ các loại: Cò, vịt trời, le le, cúm núm,... đến cả các loài quý hiếm nằm trong Sách Đỏ được một số hộ kinh doanh tại khu vực chợ nông sản huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An chào mời khách...

Nhằm hạn chế việc kinh doanh buôn bán động vật rừng trái phép, theo Hạt Kiểm lâm huyện Thạnh Hóa, hằng năm, lực lượng đều cho các hộ kinh doanh trong chợ nông sản Thạnh Hóa ký cam kết không kinh doanh các loại động vật rừng hoang dã trái với quy định.

“Khi phát hiện buôn bán động vật rừng trái phép, kể cả vắng chủ hoặc hàng ký gửi, nếu ở khu vực của hộ nào, hộ đó phải chịu trách nhiệm” - ông Ái cho biết./.

Kiên Định - Văn Đát

Chia sẻ bài viết