Tiếng Việt | English

01/03/2022 - 10:27

Những cách kiểm soát các triệu chứng COVID kéo dài

COVID kéo dài hay hậu COVID là các triệu chứng xuất hiện sau 3 tháng người bệnh điều trị khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp có các triệu chứng hậu COVID chỉ sau 2 tháng.

Nghiên cứu do Đại học Leicester (Anh) thực hiện trên 1.000 bệnh nhân COVID-19 nặng phải nhập viện cho thấy 70% số người vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau 5 tháng kể từ khi xuất viện.

Các triệu chứng thường kéo dài từ 5 tháng trở lên và có những trường hợp kéo dài 12 tháng hoặc hơn, kể cả những người bệnh nhẹ không phải nhập viện

COVID kéo dài bao lâu sẽ khỏi?

Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu xem các triệu chứng hậu COVID sẽ kéo dài trong bao lâu và nó khác nhau ở từng người như thế nào.

Điều quan trọng cần lưu ý là không chỉ riêng COVID-19 mới tác động lâu dài, mà các bệnh do virus khác cũng có thể có ảnh hưởng lâu dài. 

Các triệu chứng kéo dài của COVID-19 có thể bao gồm: mệt mỏi, khó thở hoặc thở gấp, khó ngủ, lo lắng, trầm cảm, tim đập nhanh, tức ngực hoặc đau ngực, đau khớp hoặc đau cơ, kém minh mẫn hoặc khó tập trung, thay đổi khứu giác hoặc vị giác, ho dai dẳng...

Trong đó, các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi (51%), mất khứu giác (37%), khó thở (36%), tiếp theo là khó tập trung (28%).

Phương pháp làm giảm ảnh hưởng của hậu COVID-19:

1. Duy trì nhịp độ ổn định - lên kế hoạch cho những việc bạn sẽ làm và đừng cố gắng quá sức. Cố gắng chia các công việc khó khăn thành nhiều phần nhỏ hơn và xen kẽ các hoạt động dễ và khó.

2. Cân nhắc thời gian tốt nhất trong ngày để thực hiện công việc dựa trên mức năng lượng của bạn.

3. Thường xuyên nghỉ ngơi trong thời gian ngắn sẽ tốt hơn nghỉ ít lần trong thời gian dài hơn, hãy nghỉ ngơi trước khi kiệt sức.

4. Duy trì nhẹ nhàng các hoạt động dù chúng khiến bạn cảm thấy khó thở. Bởi nếu bạn ngừng sử dụng các cơ, chúng sẽ yếu đi, điều này có thể khiến bạn khó thở hơn khi cố gắng sử dụng chúng.

5. Cố gắng tăng dần mức độ tập luyện. Hãy thử đi bộ ngắn hoặc thực hiện các bài tập sức mạnh đơn giản và từ từ tăng dần.

6. Người sử dụng gậy hoặc khung chống, hãy nghiêng người về phía trước khi cảm thấy khó thở.

7. Giữ tâm trạng tích cực, vui vẻ và sức khỏe tinh thần

8. Hãy "ưu đãi" bản thân trong quá trình hồi phục - hãy chuẩn bị tinh thần có những ngày sẽ tệ hơn những ngày khác.

9. Kết nối với bạn bè để giúp bạn có tinh thần vui vẻ, thoải mái hơn.

10. Hình thành thói quen hằng ngày có thể giúp bạn có tâm trạng tốt và cảm xúc ổn định.

11. Duy trì hoạt động - tiếp tục vận động sẽ giúp giải phóng endorphin và cải thiện tâm trạng của bạn.

12. Mẹo cho các vấn đề về tư duy hoặc trí nhớ: Ghi chú lại để giúp ghi nhớ mọi thứ, cố gắng giảm bớt phân tâm. Việc lập kế hoạch rõ ràng có thể hữu ích trước khi tiếp cận bất kỳ vấn đề hoặc tình huống mới hoặc phức tạp nào. 

13. Giảm đau khớp hoặc cơ: Các bài tập linh hoạt như căng duỗi cơ, yoga, thái cực quyền và các bài tập như leo cầu thang, nâng tạ, tập với dây kháng lực có thể hữu ích. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một chế độ tập thể dục mới./.

CTV Vũ Gia/VOV.VN

Chia sẻ bài viết