Tiếng Việt | English

29/04/2020 - 15:25

Những “điểm nhấn” sau 45 năm xây dựng và phát triển

Với chủ trương đúng đắn, cùng sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Long An hôm nay đạt nhiều thành quả quan trọng trong phát triển KT-XH.

Kết nối giao thông với TP.HCM và các tỉnh, thành trong khu vực giúp Long An phát triển nhanh chóng

Những năm đầu sau giải phóng, do hậu quả chiến tranh, tình hình sản xuất và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ biết nắm bắt thời cơ, tận dụng những lợi thế và khai thác tốt tiềm năng, trong từng thời kỳ, Long An có những bước phát triển mạnh mẽ.

Đi lên từ gian khó

Sau khi chiến tranh kết thúc, cùng với chủ trương vận động nông dân trở về nhà cũ, làng cũ, ổn định cuộc sống, tỉnh phát động phong trào khai hoang phục hóa, khôi phục sản xuất. Kết quả, chỉ sau 1 năm, sản lượng lương thực của tỉnh tăng lên 400.000 tấn. Từ tổng diện tích gieo trồng năm 1975 là 176.000ha, đến năm 1985 tăng lên 225.000ha.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 9,62%/năm

Cũng trong giai đoạn này, Tỉnh ủy đề ra chủ trương mang ý nghĩa lịch sử. Đó là tiến quân khai phá khu vực Đồng Tháp Mười, khuyến khích người dân từ nhiều nơi đến đây lập nghiệp. Từ vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, chỉ sau vài thập niên, Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh và cả khu vực.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, tỉnh tiến hành cải tạo, đưa các xí nghiệp đi vào hoạt động bình thường, đồng thời chuẩn bị điều kiện để mở rộng, xây dựng mới một số cơ sở công nghiệp địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, phục vụ nhu cầu đời sống người dân trong tỉnh.

Vừa cải tạo kết hợp với xây dựng, chỉ trong vòng 10 năm (1975-1985), ngành công nghiệp của tỉnh có 56 xí nghiệp quốc doanh lớn và nhỏ với giá trị tài sản cố định tăng gấp 5, 6 lần. Mạng lưới điện nối liền về các huyện, thị trong tỉnh và vùng sâu ở nông thôn phục vụ trạm bơm thủy lợi cho các vùng lúa thâm canh và xí nghiệp sản xuất.

Thành tựu đáng ghi nhận của tỉnh những năm đầu sau giải phóng phải kể đến việc mạnh dạn thực hiện chủ trương thông qua phân phối lưu thông kích thích, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, từng bước xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, khắc phục tình trạng nhiều giá, cải tiến phương thức mua - bán, nắm được tiền - hàng, phá bỏ rào cản “ngăn sông, cấm chợ”.

Nhờ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, năm 1986, ngành thương mại của tỉnh, trong đó có cả thương mại quốc doanh và hợp tác xã mua bán vẫn giữ được vị trí là lực lượng chủ yếu trong kinh doanh thương mại - dịch vụ, phục vụ có hiệu quả cho sản xuất và đời sống dân cư, góp phần bình ổn giá thị trường - một trong những vấn đề còn đang nóng bỏng trong cả nước lúc đó.

Đổi mới về mọi mặt

45 năm trôi qua từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước và 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Long An ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, tô thắm thêm 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Trường học được đầu tư khang trang, góp phần nâng cao dân trí

Hiện nay, bức tranh KT-XH của tỉnh được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 9,62%/năm. Kim ngạch xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng khá cao, khoảng 14,5%/năm, với gần 26 tỉ USD giai đoạn 2016-2020. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quy mô khá lớn, công nghệ tiên tiến đầu tư vào Long An.

Dù nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nhưng Long An không còn là tỉnh thuần nông. Từ năm 1996, nhờ đẩy mạnh quy hoạch phân vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút nguồn vốn đầu tư kể cả của nước ngoài, đồng thời khởi công xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tháng 6-2003, tỉnh chính thức gia nhập Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nông thôn đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Toàn tỉnh hiện có 1.949 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký 225.295 tỉ đồng. Về đầu tư nước ngoài, trong quí I-2020, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án, tổng vốn đăng ký 105,7 triệu USD, 11 dự án tăng vốn 8,95 triệu USD, tổng vốn cấp mới và tăng thêm 114,6 triệu USD; đến nay, tổng số dự án đăng ký trên địa bàn tỉnh là 1.049 dự án, vốn đăng ký 6.324 triệu USD.

Những năm qua, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở mức khá cao, đặc biệt năm 2018, Long An được xếp hạng 3 cả nước. Thu ngân sách năm 2019 đạt trên 18.300 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Long An vươn lên trở thành địa phương đứng đầu các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thu ngân sách.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020), đề ra 2 chương trình đột phá. Trong đó, Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hiện thực hóa 3 vùng quy hoạch chiến lược của tỉnh, tạo diện mạo mới và động lực cho địa phương phát triển.

Mặt khác, tỉnh đầu tư xây dựng 14 tuyến đường giao thông huyết mạch đồng bộ kết nối đến các khu, cụm công nghiệp, các tuyến giao thông của TP.HCM và đến Cảng Quốc tế Long An. Việc làm này không chỉ giúp giảm bớt chi phí và thời gian vận chuyển, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa của Long An mà cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, Đường tỉnh 830 - 1 trong 3 công trình trọng điểm của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, được đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 2. Đây là công trình được đặt nhiều kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những “nút thắt” trong liên kết vùng giữa Long An, TP.HCM và các tỉnh lân cận trong khu vực phía Nam, đồng thời tạo động lực thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe nhân dân, hưởng thụ văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội. Trình độ dân trí ở các địa phương vùng sâu, vùng biên giới được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người tăng qua từng năm, hiện đạt 72,67 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm chỉ còn 1,52%.

Hồi tưởng về những ngày gian khó sau chiến tranh, ông Huỳnh Văn Sám (SN 1939, ấp 2, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức), vui mừng nói: “Trước đây, ăn, mặc, ở đều khó khăn, thiếu thốn. Người dân chủ yếu đi lại bằng ghe xuồng. Ấy vậy mà nay, điện, đường, trường, trạm có đủ cả. Đời sống người dân nông thôn cũng không thua gì thành thị”.

Nước sạch về nông thôn, người dân không còn sinh hoạt bằng nước kênh, rạch

Toàn tỉnh có 80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 49,6% tổng số xã toàn tỉnh, trong đó có 2 xã nông thôn mới nâng cao (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc và xã Hòa Phú, huyện Châu Thành). Huyện Châu Thành được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới. TP.Tân An cũng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chị Lê Thị Diễm (SN 1972, ngụ ấp Gò Dồ, xã biên giới Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa) phấn khởi: “Nhờ xây dựng nông thôn mới mà diện mạo nông thôn thay đổi hẳn. Điện, nước sinh hoạt đến với mọi nhà. Trẻ em được đến trường. Người dân được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Đời sống vật chất lẫn tinh thần được nâng lên rõ rệt”.

Dù vẫn còn những khó khăn phía trước nhưng tin rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành hiệu quả của các cấp chính quyền, Long An sẽ tiếp tục bứt phá, triển khai thực hiện thắng lợi những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết