Tiếng Việt | English

10/07/2019 - 09:05

Những điểm sáng trong xây dựng ấp, khu phố văn hóa

Trong xây dựng ấp, khu phố văn hóa, các địa phương trong tỉnh Long An có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến một xã hội văn minh, tiến bộ.

Hàng năm, tỉnh đều tổ chức họp mặt, tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc

Đến cuối tháng 3/2019, toàn tỉnh có 1.019/1.035 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa, chiếm 98,4%.

Khi người dân đồng thuận

Trong cái nắng gay gắt của mùa hè, chúng tôi được Bí thư Chi bộ khu phố 1B, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước giới thiệu về những con đường giao thông nông thôn được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Theo đó, những năm qua, khu phố 1B xây dựng được 4 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài hơn 4km. Chưa dừng lại ở đó, khu phố 1B còn được mệnh danh là khu phố “nhà giàu” bởi hầu hết người dân đều có việc làm ổn định, nhà cửa khang trang, sạch đẹp, nhất là rất “chịu chơi” khi tham gia các phong trào do địa phương phát động.

Bí thư Chi bộ khu phố 1B - Hồ Thị Kim Tuyến cho biết: “Khu phố có 332 hộ, trong đó có 3 hộ nghèo thuộc dạng neo đơn, tàn tật. Thu nhập bình quân đầu người gần 60 triệu đồng/năm. Hầu hết người dân trong khu phố sống chủ yếu bằng nghề dịch vụ nấu ăn, thu nhập ổn định. Năm 2001, khu phố 1B là khu phố đầu tiên của huyện được công nhận khu phố đạt chuẩn văn hóa. Đến nay, khu phố không ngừng nâng chất và giữ vững danh hiệu qua nhiều năm. Đặc biệt, khu phố xây dựng nhiều mô hình hay như tuyến đường không rác, không rao vặt, quảng cáo trái phép; đội xe ôm phòng, chống tội phạm,...”.

Đường giao thông ấp 1B, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Kinh tế không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn thay đổi, tình làng, nghĩa xóm bền chặt,... là những gì khu phố 1B đã và đang sở hữu. Bà Trần Thị Thủy, ngụ khu phố 1B, nói: “Trước đây, cuộc sống người dân còn vất vả, điều kiện đi lại khó khăn, còn bây giờ tốt hơn rất nhiều, nhiều gia đình có điều kiện nuôi con ăn học, có việc làm ổn định. Từ đó, người dân tích cực hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động bởi những việc làm này là phục vụ lợi ích chính mình”.

Còn tại khu phố 4, thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, điểm nổi bật trong xây dựng khu phố văn hóa là thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa góp phần cùng địa phương xây dựng thành công thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Theo đó, khu phố 4 thực hiện các phần việc như vận động người dân ký cam kết thực hiện vệ sinh môi trường; thành lập câu lạc bộ bảo vệ môi trường; vận động hộ gia đình làm cột cờ và treo ảnh Bác; thực hiện đúng quy ước khu phố văn hóa; bình xét gia đình văn hóa công khai, minh bạch, nhân rộng gương người tốt, việc tốt,...

Bí thư Chi bộ khu phố 4, thị trấn Tân Thạnh - Phùng Thị Tuyết Hoa cho biết: “Khu phố 4 thực hiện tốt phong trào xây dựng khu phố văn hóa nhờ sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Người dân hiểu việc giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa là trách nhiệm chung của mọi người nên tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do địa phương tổ chức và phát động. Qua đó, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững; các hủ tục, mê tín dị đoan được xóa bỏ; đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện rõ rệt”.

Nhân rộng những mô hình hay

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cần Đước - Võ Thành Ngon cho biết: “Hàng năm, toàn huyện có trên 98% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; 118/118 ấp, khu phố giữ vững danh hiệu ấp, khu phố văn hóa. Để đạt kết quả này, huyện chọn những mô hình hay, cách làm sáng tạo nhân rộng ra toàn huyện như mô hình xây dựng cổng ấp văn hóa, gia đình học tập, cộng đồng học tập, hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa ấp,... Qua đó, chất lượng các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình văn hóa” và “Ấp, khu phố văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần giữ vững và nâng chất danh hiệu huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh”.

Nhà văn hóa ấp Ao Gòn - nơi tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho người dân

Ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước có nhiều mô hình hay thường được huyện chọn làm điểm nhân rộng ra các địa phương khác. Năm 2017, ấp Ao Gòn được huyện chọn làm điểm thực hiện mô hình Gia đình học tập và Cộng đồng học tập. Đến nay, mô hình được nhân rộng ra toàn huyện. Ngoài ra, ấp còn phát huy tốt hoạt động của nhà văn hóa ấp. Theo đó, Nhà văn hóa ấp Ao Gòn là điểm vui chơi, giải trí, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Bí thư Chi bộ ấp Ao Gòn - Nguyễn Văn Bánh chia sẻ: “Nhằm thu hút người dân đến sinh hoạt tại nhà văn hóa, thời gian qua, ấp trang bị các loại đờn, âm thanh, ánh sáng, ghế đá để người dân đến sinh hoạt văn nghệ, thể dục - thể thao. Nhờ vậy, phong trào văn nghệ, thể dục - thể thao ở ấp phát triển rất mạnh, góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm và triển khai tốt các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”.

Có được điểm vui chơi, giải trí lành mạnh sau những giờ làm việc vất vả, ông Nguyễn Văn Ngưu, ngụ ấp Ao Gòn, cảm thấy tinh thần thoải mái, mọi mệt nhọc, buồn phiền của cuộc sống theo lời ca, tiếng đờn bay theo gió. Ông Ngưu tâm sự: “Đã là cuộc sống thì phải có áp lực nhưng quan trọng là chúng ta giải quyết áp lực đó như thế nào. Riêng tôi giải quyết áp lực bằng việc tham gia văn nghệ và uống vài ly trà tâm sự với những người bạn già”.

Gia đình là tế bào của xã hội, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ là nền tảng xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Nhận thức được điều này, các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng ấp, khu phố văn hóa bằng nhiều hành động, việc làm thiết thực: Đánh giá, bình xét gia đình văn hóa công khai, minh bạch, không chạy theo thành tích; đưa ra nhiều quy ước ấp văn hóa gắn với đạo đức, nhân cách con người; xây dựng Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc,... Đặc biệt, hàng năm, tỉnh còn tổ chức tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc. Đây là sự kiện truyền thông giáo dục ý nghĩa xây dựng gia đình văn hóa, đồng thời nêu gương và tiếp tục vận động mọi người tích cực tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa.

Bí quyết “giữ lửa” hạnh phúc của gia đình anh Nguyễn Đăng Châu là “yêu thương, đồng cảm và chia sẻ”

Gia đình anh Nguyễn Đăng Châu, ngụ ấp 2, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, là 1 trong 97 gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc vừa được tỉnh tuyên dương. Anh Đăng Châu chia sẻ: “Gia đình tôi rất vinh dự khi được tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh năm 2019. Đây là động lực để gia đình tôi tiếp tục thực hiện tốt các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa. Bí quyết “giữ lửa” hạnh phúc của gia đình tôi là yêu thương, đồng cảm và chia sẻ lẫn nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào; giải quyết mâu thuẫn khi mới phát sinh; chăm lo làm kinh tế”.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh có trên 380.000 gia đình đạt chuẩn văn hóa, chiếm 97,5%. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thực sự là tổ ấm của các thành viên trong gia đình, góp phần xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, giáo dục đạo đức, lối sống tốt đẹp, phòng, chống tệ nạn xã hội,... Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung, xây dựng gia đình văn hóa nói riêng trên địa bàn tỉnh đã và đang được tiếp tục củng cố, nâng chất, từ đó tạo chuyển biến rõ nét trong xây dựng ấp, khu phố văn hóa”.

Phong trào xây dựng ấp, khu phố văn hóa mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao dân trí, tạo sự đoàn kết trong nhân dân./.

"Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung, xây dựng gia đình văn hóa nói riêng trên địa bàn tỉnh đã và đang được tiếp tục củng cố, nâng chất, từ đó tạo chuyển biến rõ nét trong xây dựng ấp, khu phố văn hóa".

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích