Tiếng Việt | English

08/02/2023 - 23:00

Những lão nông đa tài

Họ là những lão nông năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình, góp phần tô thắm thêm truyền thống lao động cần cù của nông dân Việt Nam.

Bỏ phố về quê, khởi nghiệp ở tuổi xế chiều

Gắn bó hơn nửa đời người và có công việc, nhà cửa ổn định tại TP.HCM nhưng năm 2021, ông Đỗ Văn Đượm (SN 1966, ngụ ấp 1, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh) về quê khởi nghiệp với mô hình Nuôi ốc bươu đen lấy trứng trước sự phản đối của gia đình. Vậy mà ông vẫn quyết tâm mua 5.000m2 đất, cải tạo thành ao thả nuôi 1.200 con ốc bươu đen mua từ người bạn ở tỉnh Đồng Tháp với giá 300 đồng/con.

Ông Đượm bộc bạch: “Trước khi nuôi ốc bươu đen lấy trứng, tôi lặn lội đến các tỉnh miền Đông, miền Tây để tìm hiểu kỹ thuật; đồng thời, thông qua các mối quan hệ để tìm đầu ra ổn định cho trứng ốc chứ không vội vàng nuôi khi chưa có kế hoạch".

Mô hình Nuôi ốc bươu đen lấy trứng của ông Đỗ Văn Đượm đang phát triển

Thức ăn cho ốc chủ yếu là bèo, rau muống, bông súng. Ốc nuôi khoảng 6 tháng là bắt đầu sinh sản. Với 5.000m2 nuôi ốc bươu đen, sau khi trừ chi phí, ông Đượm có lãi trên 300 triệu đồng/năm. Thấy mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, các thành viên trong gia đình ông Đượm lần lượt rời TP.HCM về quê thuê 5ha đất nông nghiệp, thời gian 10 năm, với giá 50 triệu đồng/ha để mở rộng mô hình.

Chi phí đầu tư ban đầu trên 200 triệu đồng/ha từ thuê đất, đào mương, con giống đến thả bèo nhưng chỉ cần 6 tháng là dần lấy lại vốn. Người nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật, trong đó, đặc biệt chú ý đến môi trường nước - đây là yếu tố quan trọng quyết định thành công hay thất bại. Do đó, người nuôi phải đắp bờ cao, tránh để nước bên ngoài tràn vào, canh con nước rằm hoặc 30 để rút nước ra xả hết vi khuẩn, sau đó bơm nước vào cho ốc, bèo phát triển. Ngoài ra, mật độ thả ốc nuôi lấy trứng phải thấp hơn nuôi thương phẩm, bình quân 7-8kg ốc giống/1.000m2 (nuôi thương phẩm 15kg ốc giống/1.000m2).

Hiện nay, mỗi ngày, ông Đượm thu hoạch trên 40kg trứng ốc, bán với giá dao động từ 650.000-1.200.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại TP.Hà Nội, các tỉnh miền Đông. Ông Đượm cho biết: “Do buôn bán ở TP.HCM nhiều năm nên tôi quen được nhiều bạn bè khắp các tỉnh, thành trên cả nước, từ đó, đầu ra cho trứng ốc rất ổn định, thậm chí còn phải nhập thêm bên ngoài mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Với tôi, đi đâu lập nghiệp cũng không bằng quê hương mình”.

Chọn hướng đi khác để thành công

Nhìn vườn sầu riêng xen lẫn với chanh xanh tốt, lão nông Trịnh Văn Hiền (ấp 1, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh) không giấu được niềm vui. Ông Hiền tự hào: “Năm nay, trên 1.100 gốc sầu riêng bắt đầu cho trái, vụ này thành công thì vụ sau tôi bắt đầu thu hồi vốn và chặt bỏ hết các gốc chanh cho sầu riêng phát triển. Để có ngày hôm nay, gia đình tôi phải trải qua muôn vàn khó khăn từ việc thiếu vốn sản xuất đến chưa am hiểu kỹ thuật. Thế nhưng, chúng tôi luôn động viên nhau "không có gì là khó, cứ cố gắng hết mình!"".

Ông Trịnh Văn Hiền chạy xuồng đi thăm vườn sầu riêng

Gia đình ông Hiền có 3 đời làm ruộng với diện tích gần 10ha nhưng thu nhập không cao. Trong khi đó, nhiều người bạn ở các tỉnh miền Tây chỉ cần trồng vài chục cây sầu riêng mà đã xây được nhà cửa khang trang nên ông quyết định trồng thử 10 gốc sầu riêng quanh nhà. Sau thời gian, sầu riêng phát triển tốt, chất lượng trái không kém các tỉnh miền Tây, từ đó ông quyết định trồng trên 1.100 gốc sầu riêng. Chi phí trồng sầu riêng khá cao, bình quân từ lúc trồng đến thu hoạch vụ đầu tiên trên 6 triệu đồng/cây.

Nói rồi, ông chở chúng tôi đi tham quan vườn sầu riêng bằng xuồng và say sưa kể về đặc điểm của từng giống sầu riêng. Ông Hiền nói: “Tôi thiết kế vườn khác với nhiều người, hàng cách hàng 7m, cây cách cây 7m, khoảng trống đó dành trồng chanh để "lấy ngắn nuôi dài". Chanh trồng 18 tháng là bắt đầu thu hoạch, bình quân mỗi tháng thu hoạch trên 10 tấn, bán với giá từ 8.000-12.000 đồng/kg. Còn mương rộng 7m, tôi thả cá và hướng đến phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Dự định, sau khi sầu riêng có trái, tôi sẽ phối hợp các cấp, các ngành tổ chức cho khách du lịch đến trải nghiệm thu hoạch, thưởng thức sầu riêng tại vườn và câu cá giải trí; đồng thời, làm các hồ sơ, thủ tục để sầu riêng được cấp mã số vùng trồng”.

Mỗi người có một cách khác nhau để phát triển kinh tế nhưng điểm chung của ông Đượm, ông Hiền là năng động, dám nghĩ, dám làm để tìm hướng đi mới cho riêng mình. Tin rằng, những lão nông này tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên con đường đã chọn./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết