Tiếng Việt | English

19/10/2017 - 15:06

Những nghị quyết hợp lòng dân

Nghị quyết của Đảng là ý chí, sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đưa Nghị quyết vào cuộc sống là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.

Kỳ 1: “Đòn bẩy”của phong trào

Để những Nghị quyết (NQ), chính sách đi vào đời sống, ngoài việc những NQ, chính sách phải thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân, còn cần có những người đi đầu làm “đòn bẩy”.

"Cầu nối" giữa lãnh đạo doanh nghiệp với công nhân

Đức Hòa là huyện công nghiệp của tỉnh, thu hút khá đông công nhân (CN) đến sinh sống và làm việc. Để chăm lo cho CN, vai trò của tổ chức Công đoàn (CĐ) nói chung và cán bộ CĐ tại công ty (Cty) nói riêng hết sức quan trọng. Chúng tôi đến Cty TNHH MTV YS Vina (YS Vina) tại xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa để gặp Chủ tịch CĐ Cty - Nguyễn Thị Thanh Trúc.

Với vai trò của mình, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc cố gắng trở thành “cầu nối công bằng” cho Ban Giám đốc và công nhân (Trong ảnh: Chị Trúc phiên dịch khi Tổng Giám đốc Công ty - YS Lee thăm hỏi công nhân)

YS Vina là một trong những Cty thực hiện tốt chính sách chăm lo cho CN. Để có được những chính sách đó, đòi hỏi Ban Giám đốc (GĐ) Cty phải thấu hiểu, cảm thông với những khó khăn, vất vả của CN. Và cán bộ CĐ tại Cty đóng vai trò quan trọng, vừa là cầu nối, vừa bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa Ban GĐ và CN. Chị Trúc làm được điều đó!

YS Vina có vốn đầu tư nước ngoài. Ban GĐ Cty là người Hàn Quốc, không biết tiếng Việt nên mọi giao tiếp đều sử dụng tiếng Anh. Và tất nhiên, ngôn ngữ, văn hóa, quy định pháp luật là những rào cản không hề nhỏ giữa người lao động và lãnh đạo Cty. Với vai trò là Trưởng phòng Nhân sự kiêm Chủ tịch CĐ, chị Trúc có cơ hội tìm hiểu nhiều về luật cũng như có điều kiện gần gũi CN và tiếp cận Ban GĐ, từ đó, có thể đề đạt nguyện vọng của CN phù hợp quy định của pháp luật.

Chị chia sẻ: “Nhiệm kỳ qua, tôi đảm nhiệm song song 2 nhiệm vụ. Trở ngại lớn nhất của tôi là thời gian vì nhiệm vụ nào cũng cần phải dành nhiều thời gian. Khó khăn kế tiếp là rào cản ngôn ngữ”. Theo chị, GĐ là người nước ngoài, không am hiểu cụ thể pháp luật Việt Nam, lại bất đồng ngôn ngữ nên việc giải thích cũng mất không ít công sức và chị luôn tìm cách khắc phục khó khăn để đạt hiệu quả cao trong công việc, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Cty và quyền lợi chính đáng của người lao động.

Để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của CN, chị Trúc tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, thường xuyên trò chuyện, thăm hỏi họ trong quá trình làm việc. Khi chuẩn bị một hoạt động nào đó cho CN, chị chủ động tham khảo ý kiến một số người, cân đối kinh phí và báo cáo lên cấp trên.

Hàng năm, nhân dịp sinh nhật CN, các dịp lễ, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, CN đều được tặng quà. Ngoài ra, cứ 3 tháng/lần, CN đều được Cty tặng những phần quà nhỏ là nhu yếu phẩm như một cách san sẻ khó khăn. Mỗi năm, CN được tổ chức đi du lịch, dã ngoại.

Những người gần dân

“Cầu nối” để đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân còn có những cán bộ gần dân, đi sâu, đi sát với tình hình thực tế tại địa phương. Họ không chỉ vận động, tuyên truyền mà còn phải hiểu dân, lắng nghe tâm tư, tình cảm của dân để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của dân.

Một trong số cán bộ trên phải kể đến Chủ tịch Hội Nông dân (ND) Việt Nam xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa - Trương Văn Tho. Ở vùng biên giới xa xôi này, anh được người dân quý mến bởi tinh thần cầu tiến, hăng say trong công việc và lo lắng cho người dân. Từ một nông dân “tay lấm, chân bùn”, quanh năm bám đồng ruộng nhưng nhờ ý chí, khát vọng đổi đời, anh có trong tay hơn 6ha lúa cùng với tấm bằng đại học hệ từ xa. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn quan tâm đến hội viên nông dân.

Trước đây, anh từng mở nhiều lớp đan lát, góp phần tạo việc làm cho người dân biên giới. Gắn bó với địa phương nên việc đến từng nhà dân, đi sớm, về tối với anh trở nên quen thuộc. Có lẽ vì am hiểu sự vất vả của nông dân nên trong khả năng, anh sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, giống lúa, phương tiện sản xuất, tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn,...

“Mình xuất thân từ nông dân nên có thể chia sẻ được phần nào để giúp họ thì mình cứ làm. Cũng vì tính “bao đồng” này mà tôi nhiều lần đứng ra làm hòa giải viên bất đắc dĩ những mâu thuẫn giữa các hộ dân,... Mình cứ làm hết trách nhiệm để dân hiểu, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là mình vui rồi!” - anh bộc bạch. Chính điều đó, anh góp phần cùng địa phương bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn xóm làng yên vui, biên giới bình yên.

Thỉnh thoảng trong lúc làm đồng, ông Huỳnh Khánh Nhạc, ngụ ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, tranh thủ dọn cỏ và lau chùi cột mốc biên giới 203. Việc đó trước giờ ông vẫn làm nhưng từ khi đăng ký tự quản cột mốc, ông cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm cao hơn. Suốt cả đời gắn bó với biên giới, được nghe tuyên truyền nhiều về việc bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn tình cảm láng giềng, ông ý thức rõ hơn về trách nhiệm của người dân sinh sống dọc đường biên.

Ông tâm sự: “Cột mốc trên đất mình thì mình bảo vệ, trông chừng. Mình thăm ruộng mỗi ngày nên trông nom cột mốc luôn. Nếu có gì bất thường, mình báo ngay cho các anh biên phòng. Nhiệm vụ chung của toàn dân, đâu của riêng ai!”./.

Thanh Nga - Phương Phương

(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết