Tiếng Việt | English

15/04/2021 - 13:15

Những người lưu giữ giá trị hoài cổ

Giữa nhịp sống hiện đại, cùng với sự hội nhập của các nền văn hóa, nhiều người thường chạy theo những thứ mới mẻ, hiện đại. Thế nhưng, Long An nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn một số người vẫn luôn hoài niệm, lưu giữ nhiều món đồ nhuốm màu thời gian, gắn liền với sự thăng trầm của lịch sử.

Ông Nguyễn Văn Nhị cho rằng: Đối với người lớn tuổi, những món đồ cổ giúp hoài niệm về thời thanh xuân - một thời của quá khứ

Ông Nguyễn Văn Nhị cho rằng: Đối với người lớn tuổi, những món đồ cổ giúp hoài niệm về thời thanh xuân - một thời của quá khứ

Dành một khoảng không gian vài chục mét vuông trong nhà để trưng bày hàng ngàn món đồ cổ là cách mà ông Bùi Tâm Thiện, ngụ phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An lưu giữ giá trị xưa cổ theo cách của riêng mình. Được biết, hàng ngàn món đồ cổ này chính là thành quả mà ông Thiện ngược xuôi từ Nam ra Bắc sưu tầm hơn 30 năm mới có được. Đó có thể là những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như chén, dĩa, đồng hồ, xe, tranh, tiền xu,... có tuổi đời từ vài chục đến cả trăm năm.

Đối với nhiều người, những món đồ trưng bày tại nhà ông Thiện là thứ bỏ đi. Thế nhưng, với ông Thiện nói riêng và những người đam mê đồ xưa cũ nói chung, đó là tài sản vô giá, mang giá trị tinh thần rất lớn, gắn liền với sự thăng trầm của lịch sử. Ông Thiện bộc bạch: “Không phải ai muốn chơi đồ cổ cũng được mà phải có niềm đam mê. Nhiều người mua đồ cổ về trưng trong nhà nhưng không biết về ý nghĩa lịch sử hay nguồn gốc ra đời món đồ đó thì kể như mất đi ý nghĩa của món đồ. Riêng tôi có những món đồ cổ trong nhà mà nhiều người đến trả giá bao nhiêu cũng không bán, bởi bán rồi sợ sẽ không mua lại được; đồng thời, nó còn chứa đựng cả một kho tàng văn hóa của người dân Nam bộ thời mới khai hoang, lập nghiệp”.

Được biết, trước đây, ông Thiện sống bằng nghề kinh doanh cây kiểng. Thế nhưng, ông lại có niềm đam mê đặc biệt với các món đồ xưa cổ, để rồi tình yêu đồ xưa cổ quá lớn làm ông bỏ nghề kinh doanh cây kiểng chuyển sang trao đổi các món đồ xưa cổ với những người cùng sở thích. Ông Thiện cho biết thêm: “Chơi đồ cổ bắt buộc phải trao đổi, chia sẻ thì mình mới mua không nhầm đồ giả. Hơn hết, chơi đồ cổ mà không có bạn cùng chơi thì không còn ý nghĩa”.

Anh Nguyễn Hùng To Ni (bìa trái) lưu giữ đồ xưa không chỉ vì đam mê mà còn lưu giữ nét văn hóa cho thế hệ hôm nay và mai sau

Anh Nguyễn Hùng To Ni (bìa trái) lưu giữ đồ xưa không chỉ vì đam mê mà còn lưu giữ nét văn hóa cho thế hệ hôm nay và mai sau

Dù sưu tầm đồ cổ rất tốn kém nhưng các nhà sưu tầm như ông Thiện đều “theo tới cùng”. Bởi, cái mà họ mê không chỉ vì đặc điểm rất riêng của từng cổ vật mà trong thế giới này, họ như được sống lại quá khứ, hoài niệm về những giai đoạn lịch sử mà họ từng trải qua. Anh Nguyễn Hùng To Ni, ngụ phường 6, TP.Tân An, nói: “Thời học sinh, tôi rất thích sưu tầm tem. Sau thời gian, tôi bán bộ tem được 800.000 đồng và lấy số tiền này tiếp tục trao đổi, sưu tầm các món đồ cổ gắn liền với văn hóa của người dân miền Nam. Việc sưu tầm đồ cổ rất có ý nghĩa, bởi có những món đồ mà thế hệ hôm nay chưa một lần gặp hay sử dụng. Do đó, việc sưu tầm đồ cổ đồng nghĩa giữ gìn giá trị văn hóa cổ xưa cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, những món đồ xưa cổ dường như dần bị lãng quên. Thế nhưng, với niềm đam mê tìm về ký ức của nhiều người thì những món đồ xưa cổ chắc chắn sẽ không bị lãng quên theo thời gian. Ông Nguyễn Văn Nhị, ngụ phường 1, TP.Tân An, chia sẻ: “Giữa dòng chảy xô bồ của đời sống hiện đại, những món đồ hàng trăm năm tuổi giúp người lớn tuổi hoài niệm về thời thanh xuân; còn đối với người trẻ, những món đồ cổ chính là minh chứng sống về văn hóa, phong tục của ông bà ta ngày xưa”.

“Chơi đồ cổ”, ngoài sự thỏa mãn nhu cầu tinh thần, người sưu tầm còn cảm nhận ý nghĩa sâu xa của sự bảo tồn, gìn giữ cổ vật của cha ông qua nhiều thế hệ./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết