Tiếng Việt | English

22/06/2016 - 10:26

Những “nhà đài” ở địa phương

Dù không là những nhà báo, phóng viên chuyên nghiệp và cũng chẳng làm việc trong cơ quan báo chí nhưng những cán bộ đài truyền thanh xã, phường, thị trấn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự năng nổ và lòng nhiệt tình. Những tin, bài họ viết được phát trên đài Truyền thanh xã cùng với những tin tức cộng tác, tiếp sóng đài phát thanh tỉnh, đài truyền thanh huyện góp phần chuyển tải thông tin đến người dân cơ sở,... Vì thế, nhiều người ví von, cán bộ đài truyền thanh xã cũng như “nhà đài” ở địa phương.


Anh Dương Tuấn Kiệt thu chương trình phát thanh của đài xã

1. “Khỏe không chú Bảy? Bầy heo rừng nay thế nào rồi?”,... Đó là những câu mà anh Dương Tuấn Kiệt - cán bộ Đài Truyền thanh xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước vẫn hay chào hỏi khi gặp người dân ở xã. Đó cũng là cách tiếp cận thông tin, tìm đề tài cho những bài viết của mình.

Anh Kiệt cho rằng, khi nói chuyện thân tình với người dân hoặc gắn bó với các đoàn thể chính trị-xã hội ở xã, anh dễ dàng phát hiện những mô hình, phong trào nổi bật trong đời sống ở địa phương. Hơn nữa, anh chủ động tiếp cận lịch làm việc của lãnh đạo xã để viết những tin hoạt động phát trên đài xã, cộng tác với Đài Truyền thanh huyện Cần Đước cho kịp dòng thời sự.

Đài Truyền thanh xã Mỹ Lệ, nhờ có một cán bộ nhiệt tình, năng nổ như anh Kiệt nên 10 năm nay đều nhận giấy khen của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An. Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lệ - Nguyễn Văn Anh cho biết: “Thời gian qua, anh Kiệt nhạy bén, tích cực viết tin, bài nhằm tuyên truyền hoạt động chính trị của địa phương để phát trên Đài Truyền thanh xã, cộng tác và phát trên Đài Truyền thanh huyện Cần Đước. Qua đó, người dân địa phương nắm bắt được thông tin, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Nhờ vậy, Đài Truyền thanh xã Mỹ Lệ nhiều năm liền được đánh giá cao trong thi đua cụm”.

Để có thể tự tin với các tác phẩm của mình và trở thành cộng tác viên thường xuyên của Đài Truyền thanh huyện Cần Đước, Báo Long An, anh Kiệt trải qua những năm tháng mày mò, học hỏi rất nhiều từ đồng nghiệp và sách, tài liệu. Năm 2002, khi tiếp nhận công việc của Đài Truyền thanh xã, kỹ năng viết tin, bài của anh là con số 0 tròn trĩnh, nhưng nhờ những lần rong ruổi tác nghiệp cùng phóng viên Đài Truyền thanh huyện Cần Đước, được học hỏi kinh nghiệm, phương pháp tác nghiệp, anh Kiệt dần rút kinh nghiệm cho bản thân.

Anh kể: “Hồi đó, mỗi lần cộng tác với đài huyện, tôi đều gửi tác phẩm qua đường bưu điện chứ không gửi email như bây giờ. Còn những tin gấp thì tôi chạy xe đến đài huyện gửi trực tiếp. Cứ mỗi lần về đài huyện, được anh em ở đài đem các tin đã cộng tác ra góp ý từng chi tiết chưa đạt, tôi dần khắc phục và không còn lo sợ việc chọn lựa thông tin khi viết”.


Anh Nguyễn Lê Duy gặp gỡ nhân vật và viết bài cộng tác

2. Vốn năng nổ, nhiệt tình với công việc, anh Nguyễn Lê Duy - cán bộ Đài Truyền thanh xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An góp phần duy trì thành tích 5 năm liền hạng nhất huyện Bến Lức và xếp hạng nhất cụm thi đua số 2 vào năm 2015 của Đài Truyền thanh xã Thạnh Đức.

Anh Duy tốt nghiệp Trung cấp Y tế, về làm Bí thư Chi đoàn ấp và bắt đầu làm việc tại Đài Truyền thanh xã Thạnh Đức từ năm 2007 - một công việc không liên quan đến ngành học. Vì thế, anh gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, nhất là chuyện viết tin, bài. Nhưng nhờ được tạo điều kiện học lớp ngắn hạn về biên tập, anh dần học hỏi thêm nhiều kiến thức.

Anh Duy cho biết: “Lúc đầu, khi viết tin mà không được sử dụng, tôi buồn lắm. Nhưng khi được góp ý, chỉnh sửa từ các anh em đài huyện, tôi sửa lại phù hợp và tin được phát. Từ đó đến nay, cứ sau mỗi lần viết tin, bài phát qua đài xã hoặc cộng tác cho đài huyện, tôi đều nghe lại để tự rút kinh nghiệm trong công việc của mình”.

Khi dần quen với công việc, anh Duy càng tích cực, đam mê hơn. Hiện tại, trung bình, mỗi tuần anh viết 4-5 tin. Đặc biệt, anh hay viết tin, bài cộng tác cho Đài Truyền thanh huyện Bến Lức và Báo Long An. Đề tài trong những bài viết của anh thường là gương người tốt-việc tốt và các hoàn cảnh cần giúp đỡ.

Theo anh Duy, chính những đề tài này giúp anh hiểu hơn về những câu chuyện, những điều tốt đẹp vẫn tồn tại quanh đây, trong cuộc sống này với những việc làm thiết thực của những con người cụ thể. Đó là sự nhiệt tình của người quản lý trạm truyền thanh, là tấm gương vượt khó của người mẹ nghèo bán vé số nuôi con học hành đến nơi, đến chốn. Chính những nhân vật này cho anh thêm nghị lực, niềm tin trong cuộc sống.

Hơn nữa, công việc của một cán bộ đài truyền thanh xã cũng giúp anh gặp những hoàn cảnh đáng thương, cần giúp đỡ. Và những bài về những mảnh đời bất hạnh do anh viết cộng tác, đăng trên Báo Long An, phát qua hệ thống đài truyền thanh trở thành “cầu nối” nhân đạo.

Anh Duy kể: “Cách đây mấy năm, tôi nhận được thông tin về anh Thiện ở khu dân cư ấp 6, xã Thạnh Đức bị tai nạn lao động liệt nửa người, vợ lại bị bệnh nên gia cảnh rất khó khăn. Khi ấy, tôi đến tận nhà anh tìm hiểu, viết bài cộng tác cho Đài Truyền thanh huyện Bến Lức và khi được phát, các nhà hảo tâm đến thăm anh Thiện. Người tặng quà, người tặng tiền, người cho gạo để chia sẻ khó khăn với anh. Sau đó, tôi báo với Hội Chữ thập đỏ xã, gửi hồ sơ đến Đài Phát thanh và Truyền hình Long An để quay, phát trên chương trình Vượt qua hiểm nghèo. Từ đó, anh Thiện nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn, có điều kiện chữa bệnh. Hiện nay, tuy ngồi xe lăn nhưng sức khỏe anh Thiện rất ổn và cuộc sống cũng tốt hơn. Đó là một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên”.

Với những người làm ở đài xã như anh Kiệt, anh Duy, dù thù lao, nhuận bút chẳng nhiều nhưng họ chủ yếu làm việc bằng niềm đam mê và sự nhiệt tình./.

Thùy Hương 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích