Tiếng Việt | English

06/01/2020 - 20:06

Những nhịp cầu góp phần thay đổi vùng biên

Những cây cầu nông thôn được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của chính quyền và người dân các địa phương vùng biên giới của tỉnh Long An đã khẳng định ý nghĩa nhân văn của chương trình Cầu nông thôn do Tạp chí Nông thôn Việt phát động trong thời gian qua.

Nối nhịp bờ vui

Mấy năm trước, tuyến đường liên các xã biên giới (Hưng Điền A, Thái Trị, Thái Bình Trung) của huyện Vĩnh Hưng, người dân đi lại còn nhiều khó khăn. Con đường sình lầy vào mùa mưa, thêm vào đó, gần chục cây cầu gỗ tạm bợ, nhỏ, hẹp qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp, không bảo đảm cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, đi lại của người dân nơi đây. Giờ đây, con đường được đầu tư nâng cấp trải nhựa, những cây cầu gỗ tạm bợ được thay thế bằng cầu bêtông vững chắc, diện mạo làng quê hoàn toàn thay đổi, mang lại niềm vui lớn cho người dân nơi đây.

Cầu được xây dựng, người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn

Anh Phạm Đông, ngụ ấp Thái Kỳ, xã Thái Trị, chia sẻ: “Trước đây, các cây cầu này người dân chỉ có thể đi bộ hoặc qua lại bằng xe 2 bánh. Vật tư nông nghiệp, nông sản, máy móc đều phải vận chuyển bằng xuồng, ghe, rất bất tiện. Nhiều năm sử dụng, cầu ngày càng xuống cấp, xe 2 bánh qua lại cũng không còn an toàn, đặc biệt là phụ huynh rất lo lắng khi con em qua lại những cây cầu này hàng ngày”. 

Nhờ Chương trình Cầu nông thôn, các cây cầu xuống cấp ngày nào được thay thế bằng cầu bêtông chắc chắn hơn, giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa thuận lợi. Đây là niềm vui chung của hàng trăm hộ dân sinh sống trong khu vực. “Từ ngày có cây cầu mới, việc đi lại, vận chuyển máy móc, vật tư nông nghiệp hay nông sản rất thuận lợi, nông dân giảm được chi phí, thời gian và nông sản cũng được giá hơn so với trước đây. Có cầu mới, người dân ở đây ai nấy đều phấn khởi về sự thay đổi của bộ mặt nông thôn” - ông Võ Văn Sơn, ngụ ấp 2, xã Hưng Điền A, vui mừng nói.

Là một trong những xã vùng trũng, thấp của huyện Tân Hưng, Vĩnh Đại có hệ thống kênh, rạch chằng chịt phục vụ tốt việc tưới tiêu đồng ruộng. Tuy nhiên, hệ thống giao thông tại xã còn nhiều hạn chế, kéo theo những khó khăn trong sinh hoạt, đời sống và phát triển KT-XH địa phương.

Hàng trăm hộ dân sinh sống cặp tuyến kênh Ngang, xã Vĩnh Đại ước mong có được cầu, đường để thuận tiện cho việc đi lại. Và rồi, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi vào năm 2018, tuyến đường này được địa phương đầu tư xây dựng với chiều dài hơn 10km, song song đó, Chương trình Cầu nông thôn đầu tư xây dựng 5 cây cầu trên tuyến đường với nguồn vốn hơn 4 tỉ đồng và được đưa vào sử dụng đầu năm 2019.

“Hàng chục năm qua, việc đi lại của người dân nơi đây khó khăn, chủ yếu bằng xuồng, ghe. Giờ đây, cầu, đường được xây dựng mang đến niềm vui, sự thuận tiện trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản, các cháu nhỏ đến trường cũng an toàn hơn. Người dân luôn ghi nhớ tấm lòng của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, Chương trình Cầu nông thôn cùng các nhà tài trợ” - ông Nguyễn Văn Đảnh, ngụ ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại, vui mừng.

Nông thôn được “thay áo mới” 

Cầu mới thay thế những cây cầu cũ nhỏ, hẹp, nối liền các tuyến đường giao thông nông thôn không chỉ tạo điều kiện phát triển về giao thông cho địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Đến nay, Long An có 82/102 cầu, cống được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Cường, huyện có hệ thống kênh, rạch chằng chịt, giao thông khó khăn, có nhiều trục kênh lớn và nhiều kênh nhỏ khác. Hệ thống cầu trước đây được xây dựng tạm, sử dụng lâu đã xuống cấp. Do đó, việc lưu thông bằng đường bộ và vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH địa phương.

Đến nay, 14 công trình cầu giao thông và 1 cống trên địa bàn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây là những công trình phục vụ dân sinh ý nghĩa, là món quà chứa đựng nhiều tình cảm của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng Chương trình Cầu nông thôn của Tạp chí Nông thôn Việt, đáp ứng sự mong mỏi của chính quyền cũng như người dân.

“Địa phương được hỗ trợ xây dựng 10 cầu từ Chương trình Cầu nông thôn trên địa bàn các xã (Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại) với nguồn vốn gần 5 tỉ đồng. Đến nay, các cây cầu xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản cho người dân trong khu vực, góp phần rất lớn vào phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện cũng còn nhiều cầu giao thông nông thôn qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp, một số tuyến kênh chưa có cầu giao thông, trong khi nguồn ngân sách địa phương có hạn. Thời gian tới, địa phương mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà tài trợ, nhất là sự vận động của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, Tạp chí Nông thôn Việt trong việc xây dựng cầu nông thôn, góp phần nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên mong muốn./.

"Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình Cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang khởi xướng, Tạp chí Nông thôn Việt phát động vận động được 26 doanh nghiệp tham gia, cam kết tài trợ hơn 200 cầu, cống tại các vùng biên giới các tỉnh: Long An, Đồng Tháp và An Giang, tổng vốn đầu tư hơn 160 tỉ đồng. Tại Long An, 102 công trình, trong đó có 82 công trình cầu, cống đã được đưa vào sử dụng ở các địa phương (Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường)”.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết