Tiếng Việt | English

26/09/2024 - 15:39

Những nhịp cầu nghĩa tình

Khi còn tại vị cũng như sau khi rời cương vị Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang (bác tư Sang) vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho người nghèo, người yếu thế, các vùng nông thôn còn khó khăn. Vận động nhà tài trợ xây trường, tặng bò cho người nghèo, cấp học bổng cho học sinh hiếu học,... đặc biệt là xây cầu nông thôn,... là những việc làm nghĩa tình của bác tư Sang, góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân và các vùng quê.

Đôi chân không mỏi…

Sau khi nghỉ hưu, bác tư Sang có dịp về quê hương Long An của mình nhiều hơn. Trong một lần tháp tùng cùng đoàn của tỉnh bàn giao cầu nông thôn do bác tư Sang vận động tài trợ, chúng tôi càng cảm nhận được tâm huyết, nghĩa tình của bác với quê hương.

Những cây cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động xây dựng góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội

Hôm ấy là một ngày nắng gắt, trên tuyến biên giới Vĩnh Hưng, hàng chục cây cầu bêtông kiên cố được khánh thành và đưa vào sử dụng. Khoảng cách giữa những cây cầu không gần nhau, bác tư Sang vẫn trực tiếp đến kiểm tra từng cây cầu khi đã hoàn thành và trò chuyện thân tình với chính quyền địa phương cũng như người dân gần khu vực ấy.

Bước đi trên cầu mới, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (62 tuổi, ngụ xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) xúc động nói: “Bấy lâu nay, tôi chỉ mong mỏi một cây cầu vững chắc ở vùng quê của mình. Con cháu đi học, đi chơi trên cầu bêtông không phải lo lắng, nhất là những ngày mưa. Còn tôi, lâu lâu sang thăm con gái ở bờ bên kia sông cũng không phải đi đường vòng xa xôi nữa”.

Nhà bà Mai Xuân Phương (ấp Láng Lớn, xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng) ở sát cầu Kênh KT4. Cây cầu được xây dựng, giúp đi lại dễ dàng hơn. Nhiều năm trước, người dân muốn đi lại phải dùng xuồng. Giao thông chưa thuận tiện, sản xuất gặp nhiều khó khăn, nông sản thường bị thương lái ép giá; học sinh đến trường vào mùa mưa, mùa nước nổi thì lấm lem bùn đất;... Nghe tin 11 cây cầu nông thôn trên tuyến vành đai biên giới của huyện Vĩnh Hưng đồng loạt được xây dựng, bà Phương cùng nhiều người dân nơi đây đều vui mừng. Bà Phương bộc bạch: “Trước khi xây dựng cầu, bác tư Sang đến đây khảo sát, gặp chúng tôi trò chuyện thân tình. Bác hỏi thăm chúng tôi mùa lúa có trúng không, cuộc sống ở biên giới có còn vất vả lắm không? Chúng tôi cứ nghĩ, nghỉ hưu rồi bác sẽ an hưởng tuổi già nhưng bác lại bảo mình còn sức khỏe, việc gì có lợi cho dân thì nên làm”.

Những chuyến đi khảo sát thực tế của bác tư Sang đã giúp ước mơ của người dân về một cây cầu bêtông kiên cố thành hiện thực. Những nhịp cầu mới sẽ kết nối với hệ thống giao thông ở địa phương làm cho cuộc sống người dân vùng biên ngày càng khởi sắc. 

Nhiều lần có hẹn với biên cương

Bác tư Sang làm việc thiện không phân biệt vùng, miền và luôn tâm niệm “của cho không bằng cách cho”. Có lẽ vì vậy nên khi ông làm thì phải làm đàng hoàng, cho đúng, cho trúng đối tượng, làm tới nơi, tới chốn.

Tỉnh Long An có đường biên giới quốc gia dài hơn 134km, giáp tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia, qua địa bàn các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Vùng biên giới của tỉnh, người dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là cây trồng chủ lực. Kết cấu hạ tầng còn yếu kém, trên các tuyến đường giao thông chủ yếu là cầu tạm, nhỏ, hẹp. Qua thời gian dài sử dụng, nhiều cầu xuống cấp, hư hỏng nặng, rất nguy hiểm cho người dân khi lưu thông. Đó cũng chính là lý do mà phần lớn những cây cầu nông thôn do bác tư Sang đi khảo sát, vận động xây dựng đều ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh.

Với cách nghĩ “mở đường, xây cầu để phát triển", làm cho cuộc sống người dân tốt đẹp hơn, bác tư Sang đề nghị cầu dài hay ngắn khi xây dựng ở miền Tây nên xây bằng bêtông với bề ngang đủ rộng cho xe tải nhẹ vào thu mua nông sản, xe cứu thương vào chở người bệnh cần cấp cứu, đi lại, học hành cho con trẻ,...

Tháng 8/2020, đường biên giới Giồng Két (còn gọi là đường cặp kênh Rạch Gốc) chạy dài từ trung tâm huyện Đức Huệ về Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây có chiều dài toàn tuyến 13,2km được khánh thành. Điểm đầu giao với Đường tỉnh 839 (cầu Rạch Gốc), điểm cuối là Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây, kết nối đường tuần tra biên giới. Đây là tuyến đường kết nối từ trung tâm huyện đi biên giới Campuchia, qua địa phận thị trấn Đông Thành và các xã: Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Bình, huyện Đức Huệ.

Giữa năm 2019, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng Ban Tổ chức Chương trình Cầu nông thôn - Tạp chí Nông Thôn Việt có chuyến khảo sát tuyến đường trên. Trước những khó khăn trong đi lại của người dân, học sinh, thông thương hàng hóa, nguyên Chủ tịch nước và Ban Tổ chức Chương trình Cầu nông thôn kêu gọi, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây 10 cầu nông thôn với quy mô tải trọng 8 tấn, khổ cầu 5m, phần xe chạy 4,5m và 10 cống ngang đường. 

Người dân huyện Đức Huệ vui mừng đi trên cây cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động xây dựng

Tổng kinh phí các đơn vị tài trợ khoảng 16 tỉ đồng. Chị Trần Thị Thắm (40 tuổi, ngụ xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) chia sẻ: “Không thể nào diễn tả hết niềm vui khi con đường này hoàn thành. Huyện Đức Huệ từng khó khăn về hạ tầng giao thông nông thôn. Từ khi đường được xây dựng, chúng tôi không còn lo ngại khi di chuyển trên tuyến đường này nữa”.

Còn rất nhiều, rất nhiều những cây cầu nông thôn được bác tư Sang và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng. Những con đường, nhịp cầu nghĩa tình ấy đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, liên kết vùng, hướng đến phát triển KT-XH./.

Năm 2016, xuất phát từ Chương trình Cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang khởi xướng, đơn vị tổ chức chương trình là Tạp chí Nông Thôn Việt, sau nhiều năm, chương trình vận động xây dựng được hàng trăm công trình cầu, cống với tổng kinh phí hàng trăm tỉ đồng tại các địa phương thuộc các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bình Định, Nghệ An,... Long An cũng phát động các chương trình vận động từ thiện trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là qua sự hỗ trợ của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây cầu, cống, đường giao thông nông thôn; trao hàng ngàn con bò giống cho hộ nghèo; xây dựng, sửa chữa hàng trăm căn nhà tình nghĩa, tình thương; xây dựng nhiều trường học, tài trợ học bổng cho nhiều học sinh, sinh viên;... Tỉnh cũng tổ chức tri ân nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình; các doanh nghiệp, nhà tài trợ có nhiều đóng góp, đồng hành, tham gia chương trình trong thời gian qua;…

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết