Tiếng Việt | English

10/09/2019 - 14:58

Những tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động

Từ đầu năm đến nay, Long An có một số địa phương được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động vì có nhiều thành tích, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Nhờ chuyển đổi cây trồng, Châu Thành trở thành vùng quê no ấm

Nhờ chuyển đổi cây trồng, Châu Thành trở thành vùng quê no ấm

1. Làng quê Châu Thành ngày nay phủ lên màu xanh no ấm. Những cung đường phẳng phiu, hai bên trồng hoa khoe sắc và cây xanh mượt,... Xen lẫn ruộng thanh long bạt ngàn là những ngôi nhà mới, minh chứng cho sự trù phú của vùng quê này.

Ông Đinh Tiến Bé, ngụ xã Hòa Phú, kể: “Không chỉ Hòa Phú mà nhiều địa phương khác của huyện trước đây đường sá nhỏ, hẹp. Từ khi chuyển đổi cây trồng và phát động xây dựng nông thôn mới, Châu Thành thay đổi từng ngày. Đường sá thuận tiện, nông sản dễ tiêu thụ, cuộc sống người dân ổn định hơn. Riêng Hòa Phú hiện không còn hộ nghèo”.

Nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện cùng sự chung tay của người dân, hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Hiện tại, 40 tuyến đường do huyện quản lý được láng nhựa, kết nối trung tâm hành chính các xã trên địa bàn; giao thông liên xã, ấp được cứng hóa, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, nước hợp vệ sinh; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên; gần 99% hộ dân có nhà ở kiên cố;... Hiệu quả từ cây thanh long mang lại góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện, khoảng 60 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo còn 0,97%. Hiện nay, huyện hoàn chỉnh hồ sơ để được Trung ương xem xét, công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành - Trương Văn Biết thông tin, huyện xây dựng vùng trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.000ha. Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đều được tỉnh, địa phương hỗ trợ vật tư phân bón hữu cơ sinh học, ứng dụng hệ thống tưới nước tiên tiến,... góp phần hạ giá thành đầu tư sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trên chặng đường xây dựng và phát triển, huyện đạt nhiều thành tích, được tỉnh, Trung ương khen tặng bằng khen, gần đây nhất là việc đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập huyện. Thời gian tới, huyện tập trung lãnh đạo xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới theo hướng nâng cao; phấn đấu vào cuối năm nay hoàn thành Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết Tỉnh ủy và Huyện ủy về Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao; phối hợp sở, ngành tỉnh hoàn thành việc xây dựng vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái thanh long xuất khẩu,...

2. Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo khoảng 50%, qua 30 năm, Thạnh Hóa có nhiều thay đổi, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì có thành tích xuất sắc trong phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thạnh Hóa từ một huyện có giao thông bị chia cắt, đến nay, nhiều tuyến đường nông thôn được đầu tưThạnh Hóa từ một huyện có giao thông bị chia cắt, đến nay, nhiều tuyến đường nông thôn được đầu tư

Từ một hộ nghèo tại xã Tân Đông, nhờ sự hỗ trợ của địa phương, cuộc sống bà Võ Thị Phụng ổn định, vươn lên thoát nghèo. Bà kể, nhiều năm trước, diện tích đất ruộng khai hoang trong huyện còn ít, nhiễm phèn nặng, thiếu các công trình thủy lợi nội đồng, năng suất nông nghiệp thấp. Giao thông bị chia cắt, chủ yếu dựa vào sông Vàm Cỏ Tây và một số trục chính, việc đi lại hết sức khó khăn. Hàng năm, địa phương còn chịu ảnh hưởng lũ lụt,... Mấy chục năm sau, Thạnh Hóa có nhiều khởi sắc. Ngày nay, hệ thống đường, trường, công trình nước sạch, kênh, mương nội đồng được đầu tư. Cùng với đó là việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất làm cho sản lượng lúa tăng lên.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo, gần 30 năm thực hiện chính sách phát triển thủy lợi nội đồng từ nhiều nguồn vốn, huyện đầu tư thông qua các chương trình chống úng, hạn, kiên cố hóa kênh, mương, xây dựng các trạm bơm điện, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới,... Nhờ đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra chuỗi sản xuất liên kết hàng hóa.

Hiện nay, huyện có Quốc lộ 62, Quốc lộ N2 đi ngang. Ngoài ra, còn có Đường tỉnh 839 giúp việc thông thương giữa 2 xã biên giới của huyện với địa bàn Đức Huệ, đường liên huyện Thủ Thừa - Thạnh Hóa - Mộc Hóa; hệ thống đường liên xã và các đường giao thông nông thôn được hình thành nối liền các khu vực thuộc vùng sâu của huyện. Đặc biệt, cầu Tuyên Nhơn hoàn thành nối 2 bờ Nam - Bắc sông Vàm Cỏ Tây, thỏa ước nguyện bao đời nay của nhân dân. Thạnh Hóa từ một địa phương chỉ có duy nhất 1 đường ôtô đến trung tâm huyện, nay đường ôtô đến được 10/10 xã.

Bộ mặt nông thôn mới ngày càng hiện ra rõ nét với những con đường láng nhựa, bêtông khang trang, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước,... được quan tâm đầu tư, giúp cuộc sống người dân ngày càng nâng cao. Riêng thị trấn Thạnh Hóa ngày nào với các khu chợ lụp xụp, khu nhà sàn ven kênh Dương Văn Dương, các tuyến đường tuy được đầu tư trải sỏi đỏ nhưng vẫn lầy lội vào mùa mưa,... giờ hình thành những khu thương mại sầm uất, những tuyến đường nhựa, khu vực bờ kè khang trang với hệ thống cây xanh, bồn hoa đẹp mắt. Từ thị trấn mở ra những đường nhựa rộng đi về nhiều hướng: TP.Tân An, huyện Tân Thạnh, Thủ Thừa; Đức Huệ; Mộc Hóa,...

3. TP.Tân An cũng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vì có thành tích xuất sắc trong huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng TP.Tân An đạt đô thị loại II.

Thành phố triển khai huy động nguồn lực, chủ động trong kêu gọi đầu tư, nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư, sự đồng thuận, đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân về đất đai, vật kiến trúc, tiền, công sức,... xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng KT-XH, tạo nên một diện mạo mới cho đô thị. Đến nay, thành phố vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II.

10 năm qua, thành phố huy động nguồn vốn từ ngân sách, nhân dân và các nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 6.600 tỉ đồng, vượt gần 20% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nguồn vốn huy động được sử dụng để xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thoát nước, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, góp phần tạo động lực phát triển KT-XH và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đến nay, thành phố có 186km đường giao thông được thảm nhựa và bêtông hóa, so với năm 2009, tăng thêm hơn 53km; có 199km đường cống thoát nước, tăng hơn 35km so với năm 2009; 100% hẻm nội thành được bêtông hóa, đường liên ấp, liên xã được mở rộng, thảm nhựa. 100% tuyến đường có hệ thống chiếu sáng công cộng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, góp phần cải tạo cảnh quan đô thị.

TP.Tân An vừa được công nhận là đô thị loại II

TP.Tân An vừa được công nhận là đô thị loại II

Các dự án đầu tư xây dựng được đẩy nhanh tiến độ, trong đó, một số công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng: Mở rộng Quốc lộ 1, đường Hùng Vương (nối dài) đoạn phường 2 - phường 6, kè sông Vàm Cỏ Tây,... tạo động lực cho sự phát triển của thành phố. Thành phố cũng hoàn thành, đưa vào sử dụng khu nhà ở cho người có thu nhập thấp, do các tổ chức phi chính phủ tài trợ tại phường 3 và phường 5. Hệ thống điện, thông tin liên lạc được chỉnh trang phù hợp với quy hoạch và bảo đảm vẻ mỹ quan đô thị, nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả quản lý vận hành lưới điện cũng như hệ thống cáp viễn thông.

Chủ tịch UBND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh cho biết, những năm qua, tình hình chính trị, KT-XH của thành phố luôn ổn định và không ngừng phát triển; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Tân An nhiệm kỳ 2015-2020, cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, nâng cao chất lượng phát triển công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp./.

10 năm qua, Thạnh Hóa duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,6%/năm. Hộ nghèo giảm còn 3,18%. Từ năm 2011 đến nay, huyện huy động nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan hành chính, hệ thống điện, nước sạch,... tổng nguồn vốn trên 1.000 tỉ đồng.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất của các ngành chủ yếu của TP.Tân An luôn duy trì ở mức cao, đạt bình quân hàng năm trên 11,5%. Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng giảm khu vực I và khu vực II, tăng khu vực III. Theo đó, khu vực I giảm từ 3,08% năm 2009 còn 2,54% năm 2018; khu vực II từ 52,16% năm 2009 giảm còn 44,33% năm 2018; khu vực III tăng mạnh từ 44,76% năm 2009 lên 50,13% trong năm 2018.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2009 là 30,8 triệu đồng; đến năm 2018 tăng lên 64,7 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm qua từng năm, đến nay, hộ nghèo của thành phố chỉ còn 0,9% (năm 2009: 7,8%),...

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết