Tiếng Việt | English

26/05/2019 - 09:50

Những tín hiệu tích cực từ công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án

Hàng trăm vụ việc được hòa giải, đối thoại thành tại 6 trung tâm hòa giải, đối thoại trên địa bàn tỉnh Long An đã góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các đương sự, Nhà nước và xã hội cũng như hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp khiếu kiện phức tạp, kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của tòa án.

Việc triển khai các trung tâm hòa giải, đối thoại bước đầu mang lại hiệu quả tích cực

Việc triển khai các trung tâm hòa giải, đối thoại bước đầu mang lại hiệu quả tích cực

Hiệu quả trong từng vụ việc

Được chọn là một trong số các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện thí điểm công tác đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại, ngày 06/11/2018, tỉnh Long An quyết định thành lập 6 trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân (TAND) các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước; TP.Tân An và tại TAND tỉnh. Qua thống kê, từ khi thành lập đến hết ngày 15/3/2019, tại các trung tâm hòa giải, đối thoại, hơn 1.000 vụ việc được đưa ra hòa giải, đối thoại, trong đó có 778 vụ việc được các hòa giải viên (HGV) hòa giải, đối thoại thành, đạt 73%. Đây là tỷ lệ cao giúp hệ thống TAND 2 cấp tỉnh giảm rất nhiều áp lực trong công tác xét xử khi số lượng án thụ lý đều tăng dần qua từng năm.

Trong số hàng trăm vụ việc được hòa giải, đối thoại thành tại các trung tâm hòa giải, đối thoại, có rất nhiều vụ việc từng là khiếu nại phức tạp, kéo dài nhiều năm nhưng vẫn được các HGV hòa giải, đối thoại thành.

Điển hình như vụ tranh chấp về quyền sở hữu tài sản giữa một bên là bà B.T.C và một bên là con ruột B.V.L, tại thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa. Bà C. khởi kiện yêu cầu con trai giao trả lại cho bà căn nhà cấp 4 gần 200m2 do bà đứng tên trên giấy quyền sử dụng đất để bà bán trả nợ số tiền vay hơn 500 triệu đồng của ngân hàng và một số người khác. Tuy nhiên, trong suốt thời gian khởi kiện, ông L. không đồng ý
giao nhà vì cho rằng khi giao nhà lại cho mẹ ruột thì bà sẽ bán, không còn chỗ ở. Từ đó, giữa 2 mẹ con xảy ra tranh chấp gay gắt. Vụ việc được giao cho HGV Trần Thị Đổi thuộc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án huyện Đức Hòa giải quyết. Qua nghiên cứu hồ sơ cũng như tiến hành mời các bên đương sự thực hiện hòa giải, đối thoại, cả 2 bên đều nhất quyết không thống nhất, vụ việc tưởng chừng lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ vụ việc và xác minh thực tế thì ngoài tranh chấp về việc bán nhà, giữa bà C. và gia đình người con còn có mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu trầm trọng, nhất là từ khi bà C. nợ nần và đăng bảng bán căn nhà. Hòa giải chung không được, HGV Trần Thị Đổi quyết định áp dụng hình thức họp kín, tách các bên để phân tích lợi ích của việc hòa giải, thỏa thận. Trong đó, đối với nguyên đơn là bà C., HGV phân tích thiệt hơn về mối quan hệ gia đình, công lao của một người mẹ đã từng hy sinh nuôi dạy các con nên người. Còn đối với bị đơn là ông L., HGV cũng lựa lời về tấm lòng của người mẹ, về công sinh thành, dưỡng dục, giữ đạo hiếu làm con cũng như phân tích việc làm ăn thua lỗ của mẹ để ông L. san sẻ, động viên và quan tâm đến mẹ nhiều hơn. Từ đó, sau nhiều lần họp kín và kiên trì phân tích, HGV Trần Thị Đổi đã giải quyết được mâu thuẫn gia đình, bà C. vui vẻ không bán căn nhà nữa và đồng ý làm giấy chuyển nhượng toàn bộ căn nhà và đất cho ông L.; đổi lại, ông L. đưa cho mẹ mình 500 triệu đồng để bà trả nợ. Đồng thời, chính ông L. cũng xin lỗi mẹ mình để vun đắp lại tình cảm gia đình.

Hay một vụ việc khác cũng được HGV hòa giải thành sau quá trình tranh chấp gần 3 năm. Đó là vụ việc tranh chấp liên quan đến hợp đồng gia công mặt hàng sơn tĩnh điện giữa Công ty (Cty) TNHH Vĩnh Trường và Cty TNHH MTV Giang Long Hồ do Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND tỉnh giải quyết. Vụ việc xuất phát từ việc Cty TNHH Vĩnh Trường nhận gia công mặt hàng sơn tĩnh điện với Cty TNHH MTV Giang Long Hồ. Việc nhận hàng gia công kéo dài từ tháng 6/2015 đến tháng 10/2016 và phía Cty TNHH MTV Giang Long Hồ còn nợ Cty TNHH Vĩnh Trường số tiền gần 170 triệu đồng chưa thanh toán. Nhiều lần thúc giục trả nợ nhưng không được Cty TNHH MTV Giang Long Hồ đáp ứng, phía Cty TNHH Vĩnh Trường đã làm đơn khởi kiện ra tòa án. Tìm hiểu vụ việc, HGV nhận thấy các đương sự có thiện chí hòa giải, tuy nhiên, phương án hòa giải đang là một thách thức giữa các đương sự. Quá trình làm ăn, phía Cty TNHH MTV Giang Long Hồ làm ăn thua lỗ, hàng xuất đi nước ngoài bị trả về nên không đủ tiền thanh toán cho nguyên đơn. Từ thực tế hòa giải, HGV Võ Văn Hiếu đã đề xuất với các đương sự đề nghị phía bị đơn thanh toán một nửa số tiền mà nguyên đơn yêu cầu, hình thức thanh toán chuyển khoản 1 lần và được các đương sự chấp nhận. Niềm vui đến khi ngay buổi chiều sau khi kết thúc phiên hòa giải, HGV nhận được điện thoại của 2 bên cảm ơn về việc giúp 2 Cty hòa giải thành một hợp đồng gia công chưa thanh toán kéo dài gần 3 năm qua. Và cũng trong buổi chiều hôm đó, phía Cty TNHH MTV Giang Long Hồ đã chuyển đủ số tiền hơn 80 triệu đồng cho Cty TNHH Vĩnh Trường như cam kết trong biên bản hòa giải thành.

Qua từng vụ việc hòa giải, đối thoại có thể thấy rằng, thông qua hòa giải, đối thoại có thể giúp các bên giải quyết mâu thuẫn bằng chính ý chí của mình chứ không phải bằng phán quyết của tòa án thông qua các phiên tòa xét xử, rút ngắn được thời gian giải quyết vụ việc, tiết kiệm chi phí của Nhà nước cũng như các đương sự. Qua hòa giải, đối thoại, người tiến hành hòa giải, đối thoại còn có thể giải thích, nâng cao nhận thức pháp luật cho các bên, giúp việc thi hành pháp luật thuận lợi hơn cũng như đưa pháp luật đi vào cuộc sống.

Cần tiếp tục duy trì các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án

Theo đánh giá của TAND tỉnh Long An, từ khi các trung tâm hòa giải, đối thoại đi vào hoạt động đã góp phần tích cực trong việc giải quyết các vụ án tranh chấp về hôn nhân - gia đình, tranh chấp dân sự, hành chính, giảm áp lực cho tòa án 2 cấp trong bối cảnh số lượng thụ lý án của TAND 2 cấp tỉnh Long An đang tăng đều qua từng năm, nhân sự chưa bảo đảm được cho yêu cầu của công tác xét xử. Phần lớn các vụ việc hòa giải, đối thoại thành đều tập trung vào các vụ việc hôn nhân - gia đình với 84%, tranh chấp dân sự. Đây đều là những án có số lượng thụ lý cao nhất tại tòa án.

Phó Chánh án TAND huyện Bến Lức, Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cảnh khẳng định,
mô hình hòa giải, đối thoại tại tòa án đã và đang phát huy những hiệu quả tích cực. Riêng tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND huyện Bến Lức, từ khi đi vào hoạt động đến ngày 15/3/2019, đã đưa ra hòa giải 321 vụ, trong đó hòa giải thành 191 vụ. Đây là một con số rất ấn tượng sau 4 tháng đi vào hoạt động của trung tâm. Điều đó phần nào khẳng định tính cần thiết phải duy trì các trung tâm hòa giải, đối thoại tại các tòa án hiện nay.

Hệ thống Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Long An hiện gặp nhiều khó khăn do áp lực án thụ lý ngày một tăng (Trong ảnh: Các đại biểu dự Hội nghị sơ kết thí điểm về đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án)

Hệ thống Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Long An hiện gặp nhiều khó khăn do áp lực án thụ lý ngày một tăng (Trong ảnh: Các đại biểu dự Hội nghị sơ kết thí điểm về đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án)

Bên cạnh đó, theo TAND tỉnh, một số loại vụ việc có tỷ lệ hòa giải chưa cao phần lớn do tính chất phức tạp của vụ việc, nhất là các tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai, kéo dài nhiều năm, nhiều người liên quan, tham gia tố tụng, tài liệu chứng cứ trong vụ việc không đầy đủ, cần phải thu thập chứng cứ nhưng trung tâm hòa giải, đối thoại không thể thu thập được. Trong các vụ việc liên quan đến hành chính khi đưa ra hòa giải, đối thoại thường gặp nhiều khó khăn vì bị đơn thường là UBND cấp huyện không hợp tác, không cử người có thẩm quyền đến dự phiên hòa giải. Mặt khác, do mô hình hòa giải, đối thoại mới triển khai, còn thí điểm chưa rộng rãi nên nhiều người chưa biết và hiểu đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các trung tâm khiến hiệu quả hoạt động của các trung tâm hòa giải, đối thoại hiện nay chưa được phát huy tối đa.

Do đó, theo Phó Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng, trong tình hình hiện nay, rất cần duy trì mô hình Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND nhằm giải quyết khó khăn của hệ thống tòa án và giúp người dân có được những kiến thức pháp lý, kinh nghiệm cuộc sống, biết cách dung hòa mâu thuẫn, xung đột trong xã hội thông qua công tác hòa giải, đối thoại tại TAND. Đồng thời, kết quả hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết