Tiếng Việt | English

01/02/2017 - 07:43

Những trục đường đánh thức tiềm năng

3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020): Đường tỉnh (ĐT) 830 (Ðức Hòa-Tân Tập); Đường Vành đai TP.Tân An và Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối với TP.HCM là những tuyến đường kỳ vọng đánh thức tiềm năng của tỉnh, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế liên vùng.

Huy động mọi nguồn lực nâng cấp, mở rộng ĐT830

Ngày 17/11/2016, UBND tỉnh khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT830 và ÐT824 (đoạn từ cầu An Thạnh (huyện Bến Lức) đến thị trấn Đức Hòa (huyện Đức Hòa). Đây là công trình được huy động từ nguồn vốn BOT (đầu tư, khai thác và chuyển giao) - một hình thức đầu tư khá mới mẻ tại Long An. ÐT830 (Ðức Hòa - Tân Tập) có chiều dài 55km, tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng, được chia làm 3 đoạn đầu tư.


Khởi công công trình nâng cấp, mở rộng ĐT 830 và ĐT 824. Ảnh: Ngọc Lan

Việc mở rộng ĐT830 đoạn thị trấn Bến Lức - thị trấn Đức Hòa thuộc 2 huyện Đức Hòa và Bến Lức và một đoạn ÐT824 với chiều dài 23km, tổng vốn đầu tư 1.079 tỉ đồng mang lại sự khởi sắc cho địa phương vì đây là tuyến đường huyết mạch, có vai trò thúc đẩy kinh tế công nghiệp phát triển, thu hút đầu tư, tạo việc làm cho hàng vạn lao động trong, ngoài tỉnh. Hiện nay, lượng xe lưu thông trên tuyến đường này dày đặc.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án công trình giao thông - Nguyễn Minh Hậu cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thuận lợi là nhờ phần diện tích đất mở rộng tuyến đường phần lớn là đất công do Nhà nước quản lý nên việc bàn giao mặt bằng thi công đợt 1 (12,7km) cho nhà đầu tư đạt tiến độ. Phần còn lại, UBND huyện Đức Hòa đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm đếm để GPMB.

Đoạn 2 (Bến Lức - Quốc lộ 50) đi qua địa bàn 3 huyện Cần Đước, Cần Giuộc và Bến Lức có chiều dài 18,24km. Riêng đoạn qua thị trấn Bến Lức dài gần 1km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị.

Hiện nay, công tác GPMB và thi công được tiến hành với hình thức cuốn chiếu: GPMB đến đâu thi công đến đó. Nhà đầu tư sử dụng nhiều hình thức vận động và đền bù phù hợp với từng đối tượng nên tiến hành thuận lợi. Riêng gói thầu số 12 do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương thi công đạt trên 80% khối lượng, hoàn thành nền đường và cống thoát nước, đang hoàn thiện mặt đường. Gói thầu số 13 (xây dựng các cầu trên tuyến) đang được tiến hành gấp rút, bảo đảm tiến độ.

 Cầu An Thạnh trên Đường tỉnh 830

Anh Nguyễn Văn Mỹ, người dân khu phố Long Kim, thị trấn Bến Lức cho biết: “ĐT830 được mở rộng, người dân nơi đây rất vui mừng vì thuận lợi trong giao thông, tạo điều kiện cho địa phương phát triển”. Còn anh Nguyễn Đình Hưng - Chỉ huy công trình thi công cầu Long Kim bày tỏ: “Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, chúng tôi cùng công nhân tích cực làm việc ngày đêm, đến ngày 25 tháng Chạp mới nghỉ. Hiện nay, công trình hoàn thành dầm cầu phía thị trấn Bến Lức và tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.”

Đoạn 3 từ Quốc lộ 50 - Cảng Long An có chiều dài 12,7km, giai đoạn 1 đầu tư bảo đảm 4 làn xe lưu thông; đến nay, tiến hành GPMB cho giai đoạn 2 khi mở rộng mặt đường 32m. Việc vận động nhà đầu tư hiến phần đất tuyến đường đi qua, trong phạm vi được giao đất và đóng góp 100 tỉ đồng với phương thức chia theo tỷ lệ diện tích được giao đang được Sở Kế hoạch - Đầu tư tiến hành vận động.

Mở đường vào Cảng Quốc tế Long An kỳ vọng tạo bước đột phá kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng

Phó Giám đốc Sở GTVT Long An - Nguyễn Văn Chỉnh cho biết: Tuyến đường được mở rộng là cầu nối quan trọng kết nối các khu công nghiệp trong tỉnh với nhau và kết nối với Cảng Quốc tế Long An, tạo động lực cho phát triển công nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, tuyến đường huyết mạch này còn kéo theo sự phát triển đô thị, hình thành các khu dân cư tập trung, tiền đề phát triển đô thị trong tương lai. Sở GTVT mong các huyện có tuyến đường đi qua đẩy nhanh tiến độ GPMB để hoàn thành công trình đúng thời hạn, nhất là khi Cảng Quốc tế Long An chính thức đi vào hoạt động.

Đường vành đai TP.Tân An - tạo động lực phát triển đô thị

Để phù hợp với tiến độ triển khai dự án cũng như phù hợp với kế hoạch Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP.Tân An (sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới), UBND TP.Tân An kiến nghị UBND tỉnh cho phép công bố quy hoạch và triển khai rộng rãi đến toàn thể nhân dân dọc tuyến đường đi qua, thực hiện việc kiểm đếm phục vụ công tác GPMB.

Giai đoạn đầu, triển khai từ đường Phan Văn Tuấn đến đường Nguyễn Tấn Chính. Ban Quản lý Dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng TP.Tân An bàn giao hồ sơ dự án Đường Vành đai TP.Tân An (đoạn Quốc lộ 62 - Nguyễn Văn Quá và đoạn Quốc lộ 1 - Nguyễn Thông) cho Ban Quản lý Dự án công trình giao thông và bàn giao các cọc, mốc tọa độ, cao độ, tim tuyến ngoài hiện trường vào ngày 1/11/2016.

Đoạn đường đi qua huyện Thủ Thừa cũng được UBND huyện triển khai khá tốt, tiến độ đạt yêu cầu. Bộ GTVT có công văn đồng ý cho UBND TP.Tân An thỏa thuận vị trí đấu nối đường vành đai với Quốc lộ 1 và cầu vượt đường cao tốc. Riêng công trình cầu qua sông Vàm Cỏ Tây và các hạng mục liên quan (tổng mức đầu tư gần 600 tỉ đồng) hiện đang gặp khó khăn về vốn, UBND tỉnh đang kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án.

Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Văn Chỉnh cho biết thêm: “Công trình đường Vành đai TP.Tân An hoàn thành sẽ tạo động lực cho việc phát triển đô thị mới Tân An, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đô thị. Công trình này phù hợp với chủ trương phát triển TP.Tân An lên đô thị loại II vào năm 2020”.

Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối với TP.HCM và Tiền Giang - công trình của tương lai

Công trình này được gọi là dự án cho tương lai. Theo Ban Quản lý Dự án công trình giao thông - Sở GTVT, công trình dự kiến có điểm đầu giao với đường Phạm Hùng, TP.HCM nối với Quốc lộ 50 (giáp ngã ba Tân Kim, huyện Cần Giuộc) kết nối với trục động lực Tây Nam của TP.HCM; điểm cuối giao với ĐT879B (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Kỳ vọng đây là tuyến đường có thể xem là trục động lực, khi hoàn thành khơi dậy tiềm năng của vùng hạ Long An gồm các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành. Hiện nay, TP.HCM xây dựng xong tuyến đường kết nối với Long An (đường Phạm Hùng).

Chiều dài của tuyến động lực kết nối đô thị qua tỉnh Long An khoảng 31km, trong đó: Đường nâng cấp khoảng 8km (nâng cấp ĐT827D); Đường làm mới: 23km (gồm chiều dài phần cầu khoảng 2,2km). Trên tuyến có 7 cầu: Cầu Bình Cách, cầu Vàm Cỏ Tây, cầu Tre, cầu Tân Trụ, cầu Vàm Cỏ Đông, cầu Đôi Ma, cầu Trị Yên. Trong đó, 2 cầu lớn qua sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông dự kiến kinh phí đầu tư trên 2.000 tỉ đồng.

Phó Giám đốc ban Quản lý Dự án công trình giao thông - Nguyễn Minh Hậu cho biết: Về tiến độ thực hiện dự án, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thuê tư vấn đề xuất phương án tuyến Trục giao thông đô thị kết nối với TP.HCM và cập nhật điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển GTVT đường bộ tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Ðến nay, tỉnh cơ bản xác định được hướng tuyến.

Những cung đường mới mở phác thảo diện mạo của Long An trong tương lai là một địa phương năng động, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát huy mạnh mẽ liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội./.

Lâm Đỗ

Chia sẻ bài viết