Tiếng Việt | English

25/10/2021 - 10:21

'Níu giữ'... tiếng máy may

Ngoài 70 tuổi, 2 chân bị khuyết tật, ngày ngày, ông Sáu Màng vẫn chạy xe máy vòng vòng các địa phương lân cận để sửa máy may dạo - công việc mà ngày nay còn ít người làm.

Nhận chiếc máy may bao từ huyện Tân Trụ về hôm trước, sáng hôm sau, ông Sáu Màng (Trần Văn Màng, ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) mở ra sửa ngay. Lúc nhận, máy không may được, sau 1 buổi mày mò, chiếc máy chạy bình thường, để lại những đường may chắc chắn trên mảnh bao nhỏ. Lắp máy xong, ông kiểm tra một lượt hệ thống dây điện bên trong trước khi dọn dẹp đồ nghề.

Để chiếc máy may qua một bên, ông nói: “Xong rồi, chiều nay đem đi giao để người ta đợi”. Ông Sáu Màng là người khuyết tật, đi lại khó khăn nhưng ngoài nhận sửa máy tại nhà, ông còn đến tận nơi nhận máy về sửa rồi giao trả tận nhà cho khách. Ngày nào không có máy sửa tại nhà, ông chạy vòng vòng Thủ Thừa, Bến Lức, Tân An sửa máy dạo, ai gọi thì vào sửa.

Bất cứ ai từng gọi ông vào sửa máy may cũng đều hài lòng bởi sự cẩn thận, nhiệt tình của ông trong quá trình làm việc. Chị Tuyết (huyện Cần Đước), người từng thuê ông Sáu Màng sửa máy may, kể: “Hôm ấy, sửa máy may cho tôi xong cũng gần trưa nhưng chú vẫn nán lại chỉ tôi cách dùng máy sao cho bền. Chú tận tình lắm!”.

Ông Sáu Màng gắn bó với nghề sửa máy may từ khi mọi người còn dùng máy bàn đạp, tính đến nay cũng hơn 40 năm

Ông Sáu Màng gắn bó với nghề sửa máy may từ khi mọi người còn dùng máy bàn đạp, đến nay cũng hơn 40 năm. Ngày nay, số gia đình còn dùng máy may không nhiều nên công việc “bữa có, bữa không”, nhưng vì yêu nghề nên ngoài 70 tuổi, ông vẫn miệt mài với ốc vít “cho vui”. Ông nói: “Tôi ở một mình nên cô đơn lắm, không sửa máy thì biết làm gì! Tôi thích công việc này nên hồi đó mới học để làm và sẽ làm đến khi nào hết làm nổi thì thôi”.

Mỗi chiếc máy nhận về, ông đều sửa một cách cẩn thận. Làm nghề, ông thích nhất là gặp máy khó để mày mò. Chỉ cần là máy may, ông Sáu Màng không từ chối bất cứ loại nào, sửa tại chỗ không được thì ông mang về nhà, 1 ngày không được thì 2 ngày cũng sửa được.

“Danh thiếp” của ông Sáu Màng

Ngồi trước cửa căn nhà nhỏ ngổn ngang dụng cụ sửa máy, ông cười, khoe: “Cái nhà này, tôi dành dụm xây nên. Làm nghề sửa máy nên nhà bề bộn lắm!”. Vừa nói, ông vừa chăm chú đưa cái ốc vít nhỏ bằng hạt đậu vào đúng vị trí khó trên thân máy. Đôi bàn tay ông lấm lem, các đầu ngón tay bị vẹo sang một bên do dùng tay vặn ốc vít quá nhiều. Bình thường, nếu rảnh, ông sẽ dành thời gian viết “danh thiếp” cho mình.

Đó là những miếng giấy cứng cắt ra từ vỏ hộp, ghi đơn giản: “Sửa máy may: 0774.181.386”. Gặp khách có nhu cầu, ông tặng 1 cái để họ gọi khi cần. Ông chuẩn bị sẵn để khách khỏi mất công tìm giấy, viết khi cần lưu lại số điện thoại của ông. Mỗi lần, ông làm 5-7 cái, bỏ sẵn trong túi. Bao nhiêu năm nay vẫn vậy.

Ông Sáu Màng với dáng người nhỏ nhắn, đôi chân yếu nhưng nghị lực sống lại vô cùng mạnh mẽ. Ông sống một mình trong những ngày bóng xế, suốt ngày quanh quẩn với công việc và dành hết tình yêu vào đó. Trong khả năng của mình, ông mang tới cho khách hàng sự hài lòng cao nhất bằng cách giao hàng tận nơi, chất lượng dịch vụ tốt, chăm sóc khách hàng chu đáo. Bởi vậy, về Nhị Thành (huyện Thủ Thừa), hỏi nhà ông sửa máy may ở đâu thì ai cũng biết, bởi ông thợ sửa máy may ấy có cái để người ta quan tâm và nhớ đến./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết