Tiếng Việt | English

29/07/2021 - 12:15

Nỗ lực đưa hàng hóa thiết yếu đến người dân

Chợ tạm dừng hoạt động, nhu cầu mua nhu yếu phẩm, thực phẩm của người dân trở nên khó khăn. Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ, nhiều huyện đã phối hợp doanh nghiệp, tiểu thương tổ chức cung ứng kịp thời cho người dân với hình thức bán hàng lưu động.

Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng (KT&HT) huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An - Phạm Tấn Lợi cho biết, những ngày qua, nhu cầu mua thực phẩm tươi sống của người dân tăng cao, nhất là ở các xã vùng xa trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phòng KT&HT tham mưu UBND huyện phối hợp Sở Công Thương kết nối với các đơn vị cung ứng để thực hiện cung cấp thực phẩm tươi sống (thịt heo, gà, cá), trứng, rau, củ, quả và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác.

Hàng hóa được doanh nghiệp vận chuyển đến điểm bán bằng xe lưu động của đơn vị cung ứng. Theo đó, rau, củ, quả, thịt gà,… được đơn vị cung ứng đóng gói thành từng phần hoặc phân loại để thuận tiện cho việc bán hàng. Riêng sản phẩm thịt, cá thì do nhân viên của đơn vị cung ứng bán trực tiếp để bảo đảm an toàn thực phẩm. Thời gian và địa điểm bán hàng tùy vào sự sắp xếp của chính quyền địa phương trên cơ sở nhu cầu thực tế của người dân.

Thực phẩm chuẩn bị cung cấp cho người dân tại huyện Cần Giuộc theo hình thức lưu động

Tại điểm bán hàng ở xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc vào sáng ngày 24/7/2021 do một đơn vị thuộc Công ty Cổ phần C.P Việt Nam cung ứng, chỉ hơn 2 giờ, đơn vị này đã bán trên 250kg rau, củ các loại; gần 2.000 quả trứng, 100 con gà làm sẵn và gần 300kg thịt heo, tổng doanh thu khoảng 40 triệu đồng. Tương tự, các xã lân cận như Phước Vĩnh Đông, Đông Thạnh, Long Hậu,… cũng được doanh nghiệp vận chuyển đến phục vụ người dân với danh mục hàng hóa gồm: Thịt heo, trứng, gà làm sẵn, xúc xích,… Ngoài ra, các loại rau, củ, quả khác như mướp, dưa leo, cà chua, cải thìa, đậu bắp, cải trắng, cà rốt, khổ qua, bí đỏ, bí xanh, ớt, hành,… cũng được cung cấp cho người dân. Tất cả đều được bán với giá bình ổn.

Tân Thạnh là địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, toàn huyện chỉ có 1 cửa hàng Bách Hóa Xanh ở thị trấn Tân Thạnh, trong khi đó có nhiều xã xa trung tâm huyện đến 25km. Do đó, khi các chợ truyền thống tạm dừng hoạt động để tập trung phòng, chống dịch Covid-19 thì huyện Tân Thạnh lập tức tìm giải pháp bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là các xã xa trung tâm huyện.

Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho biết: UBND huyện giao UBND các xã chọn một số tiểu thương ở địa phương để triển khai cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân ngay tại địa bàn. UBND xã cung cấp số điện thoại các tiểu thương cho người dân và khi có nhu cầu đặt hàng qua số điện thoại, sẽ có người đến tận nhà giao hàng. Ngoài ra, UBND xã còn phân chia từng tuyến đường cho các tiểu thương phụ trách, tiểu thương không được ra khỏi địa bàn xã mình đang cư trú và buôn bán.

Soạn thực phẩm giao cho khách hàng tại huyện Tân Thạnh

Tại xã Nhơn Ninh, UBND xã chọn 9 tiểu thương cung cấp các mặt hàng gồm: Tạp hóa, rau, củ, quả và thịt, cá. Những tiểu thương này đều cam kết bán giá bình ổn, không tăng giá, nhất là bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong lúc giao hàng. Anh Trần Hoàng Dững (chủ quầy rau Hoàng Dững, xã Nhơn Ninh) chia sẻ: “Sau khi địa phương tạm đóng cửa chợ truyền thống, tôi chuyển sang bán qua điện thoại vì giữ được khoảng cách an toàn, tránh tập trung đông người làm lây lan dịch bệnh”.

Bà Nguyễn Thị Hưởng, ngụ xã Nhơn Ninh, bộc bạch: “Nhà tôi có người già, trẻ em nên không dám tiếp xúc với nhiều người. Hiện nay, tôi cần gì thì điện thoại là có người đem hàng hóa đến để trước cửa nhà rồi ra lấy và bỏ tiền vào cái túi đưa ra. Có hơi bất tiện một chút nhưng vẫn tốt hơn là đi ra đường trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp”.

Ngoài việc giúp người dân mua hàng như trên, huyện Tân Thạnh còn huy động các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thu mua các mặt hàng nông sản của nông dân, sau đó bán lại cho người dân với giá bình ổn. Tại xã Tân Lập, UBND xã mở điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản và bán hàng bình ổn giá, thời gian hoạt động từ 6-10 giờ các ngày trong tuần, trừ thứ bảy, chủ nhật. Khi đến mua hàng, người dân sẽ được chia theo từng khung giờ nhằm tránh tập trung đông người. Trường hợp người dân thuộc các đối tượng đang cách ly ở nhà, có nhu cầu mua nhu yếu phẩm thì chỉ cần điện thoại là Đoàn Thanh niên xã sẽ đến giao hàng tận nhà.

Đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong “cuộc chiến” chống lại đại dịch Covid-19. Không chỉ riêng Tân Thạnh, Cần Giuộc mà nhiều địa phương khác như Cần Đước, Tân Trụ, TP.Tân An,… cũng đang nỗ lực kết nối, cung cấp lương thực, thực phẩm để người dân yên tâm thực hiện giãn cách xã hội./.

 Mai Hương - Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích