Tiếng Việt | English

03/01/2020 - 16:45

Nỗ lực giảm nghèo

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 là giảm hộ nghèo tỉnh dưới 3%, đến nay, con số này chỉ còn 1,52%, vượt chỉ tiêu nghị quyết. Điều này cho thấy sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Nhiều hộ nghèo được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, từ đó  vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nhiều hộ nghèo được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, từ đó  vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Trao “cần câu” cho người nghèo

Năm 2016, qua rà soát, hộ nghèo của tỉnh theo hướng đa chiều còn 4,03%; cận nghèo 3,78%. Vì vậy, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững gắn với nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị, địa phương, trong đó xác định, tạo việc làm cho người nghèo là “chìa khóa vàng” thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. 

Theo đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn phát triển sản xuất; thực hiện tốt các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo,...

Cần Giuộc là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đến nay hộ nghèo của huyện còn 1,38%; cận nghèo 2,5%. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện - Hồ Văn Sơn cho biết: “Hàng năm, huyện tổ chức điều tra, rà soát và phân loại đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, từ đó đưa ra biện pháp giảm nghèo phù hợp với từng đối tượng. Cụ thể, người nghèo còn trong độ tuổi lao động sẽ được tạo điều kiện học nghề, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, đưa vào các chương trình đa dạng hóa sinh kế,… Riêng giai đoạn 2018-2020, huyện nhân rộng mô hình giảm nghèo nuôi tôm thẻ chân trắng gần 500 triệu đồng với 33 hộ tham gia tại xã Phước Vĩnh Đông; đa dạng hóa sinh kế chăn nuôi gia cầm gần 400 triệu đồng, 26 hộ tham gia; nhân rộng mô hình giảm nghèo trồng rau 250 triệu đồng, 27 hộ tham gia,... Còn người nghèo thuộc dạng neo đơn, bệnh tật, không còn khả năng lao động, huyện vận động nhà hảo tâm xây dựng nhà tình thương, tặng quà,...Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, đạt kế hoạch”.

Bằng nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững phù hợp với tình hình thực tế, huyện Cần Giuộc nói riêng, toàn tỉnh nói chung đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo. Ông Trần Văn Bé, ngụ xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có rất nhiều chế độ, chính sách ưu đãi dành cho người nghèo. Trước đây, gia đình tôi cũng thuộc diện hộ nghèo nhưng nhờ được hỗ trợ vốn trồng rau, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nên đã thoát nghèo. Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên”.

Tạo niềm tin, động lực giảm nghèo

Ngoài việc trao “cần câu” cho người nghèo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước ưu đãi cho người nghèo. Năm 2019, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 20.964 người thuộc diện hộ nghèo, với số tiền gần 16 tỉ đồng, 40.798 người thuộc diện hộ cận nghèo, với số tiền trên 30,6 tỉ đồng; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách, với số tiền trên 6,4 tỉ đồng; trợ cấp Tết Nguyên đán 2019 cho 9.108 hộ nghèo, với số tiền trên 4,5 tỉ đồng.

Tặng quà cho người nghèo

Tặng quà cho người nghèo

Không chỉ dựa vào ngân sách của Đảng và Nhà nước, các địa phương trong tỉnh còn tích cực vận động xã hội hóa chăm lo người nghèo bằng những việc làm cụ thể và thiết thực như khám bệnh, tặng quà, xây nhà tình thương, Đại đoàn kết,... Ông Đỗ Văn Bền, ngụ ấp 2, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, cho biết: “Gia đình tôi vừa được UBND xã vận động Công ty Ngô Gia và Cộng Sự (quận 1, TP.HCM) hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà tình thương. Đây là căn nhà mơ ước của gia đình tôi nhiều năm qua. Có được căn nhà vững chắc trong những ngày xuân về, tết đến, gia đình tôi mừng lắm!”. 

Được biết, năm 2019, huyện Tân Thạnh vận động xã hội hóa xây dựng 77 căn nhà tình thương và Đại đoàn kết, với tổng kinh phí gần 4,6 tỉ đồng. Đây là con số rất lớn đối với một huyện vùng sâu của tỉnh, từ đó thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với người nghèo. 

Bên cạnh kết quả, công tác giảm nghèo của tỉnh còn gặp khó khăn. Một số người nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, một vài địa phương còn chạy theo thành tích; các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn chưa thu hút được hộ nghèo tham gia; tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo ở các địa phương còn cao,...

Tặng nhà tình thương cho người nghèo

Tặng nhà tình thương cho người nghèo

Để giải quyết khó khăn trên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai chia sẻ: “Thời gian tới, ngành tiếp tục phối, kết hợp rà soát, đánh giá lại hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan tuyên truyền về giảm nghèo, giúp người nghèo hiểu rõ chính sách trợ giúp của Nhà nước; tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách giảm nghèo với hộ nghèo và cận nghèo để có phương hướng, giải pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời; tăng hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, khuyến khích họ chí thú làm ăn, cố gắng vươn lên ổn định cuộc sống,...”. 

Giảm nghèo là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Và thời gian qua, Long An thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Tin rằng, với sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” tiếp tục đạt nhiều kết quả tốt, góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh nhà, nhất là hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020)./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết