Tiếng Việt | English

01/12/2021 - 09:10

Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết ở mức cao nhất

Năm 2021, Long An thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Từ tháng 10/2021, tỉnh chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, các sở, ngành tăng tốc, quyết tâm cùng tỉnh hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết (NQ) năm 2021 ở mức cao nhất.

Nhiều kết quả tích cực trên lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường

Với đặc thù là cơ quan đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ động xây dựng kế hoạch, cùng với các giải pháp linh hoạt đang giúp đơn vị dần đưa các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2021 về đích.

Ngành Tài nguyên và Môi trường phấn đấu tham mưu, làm tốt nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực đất đai, khoáng sản (Ảnh tư liệu)

Theo Giám đốc Sở TN&MT - Võ Minh Thành, toàn ngành phấn đấu đạt những chỉ tiêu cơ bản đặt ra, các kết quả trên đóng góp quan trọng cho tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH. Ngành đóng góp ngân sách trực tiếp thông qua các nguồn thu từ đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, gián tiếp thông qua việc tăng cường kiểm soát tốt các vấn đề môi trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, ngành khắc phục khó khăn, vướng mắc, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, hồ sơ trên các lĩnh vực ngành phụ trách, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ngành TN&MT hoàn thành tham mưu nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đối với các dự án: Đường tỉnh (ĐT) 830E, ĐT827E, ĐT823D, tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư (TĐC) ĐT830E, ĐT826D và phát triển khu đô thị. Đồng thời, ngành kiểm tra, đôn đốc giải quyết vướng mắc, hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất TĐC cho người dân.

Hiện nay, tổng số nền bố trí TĐC trên địa bàn tỉnh hơn 18.500 nền; số nền giao cho người dân trên 17.300 nền (chiếm 93,5% so với tổng số nền bố trí TĐC). Đặc biệt, ngành tham mưu UBND tỉnh tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013; hoàn thành tham mưu tổng kết Kết luận số 720-KL/TU, ngày 29/3/2019 và ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận 720-KL/TU, tính đến nay đã bồi thường hơn 1.000ha.

Thời gian còn lại của năm 2021, ngành tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đó là trong công tác điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có lúc chưa kịp thời, đầy đủ, chưa đáp ứng được tốc độ phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành, địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nỗ lực hơn nữa để tạo được nhiều quỹ đất sạch, thu hút đầu tư cũng như quan tâm đến công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát và quản lý chất thải ở một số khu dân cư, khu đô thị,...

Ngành Nông nghiệp hoàn thành nhiệm vụ được giao

Năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được UBND tỉnh giao thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản của người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành, đến nay Sở hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, ngành NN&PTNT tiếp tục tập trung chủ yếu vào Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, theo kế hoạch năm 2021, ngành NN&PTNT phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành 1,5 - 2,0%. Trong đó, sản lượng lúa đạt 2,7 triệu tấn; có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM và 7 xã đạt NTM nâng cao; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,3%; trồng 1 triệu cây phân tán các loại và 500ha rừng sau khai thác;...

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ngành đạt trên 3%, sản lượng lúa đạt trên 2,7 triệu tấn; 13 xã đạt chuẩn NTM, 6 xã đạt NTM nâng cao. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 107/161 xã đạt chuẩn NTM, 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao;...

Thời gian tới, ngoài công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành NN&PTNT tập trung phát triển sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 theo chuỗi giá trị. Đồng thời, củng cố, nâng chất, giữ vững các tiêu chí đối với những địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM cũng như NTM nâng cao. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình mới; phối hợp các đơn vị, địa phương tập trung triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm

Sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay, các công trình trọng điểm của tỉnh khởi động trở lại để kịp hoàn thành tiến độ thi công. Theo Sở Giao thông Vận tải, hiện tại, chủ đầu tư, đơn vị thi công nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để vượt khó khăn, bảo đảm hoàn thành tiến độ các công trình.

Hiện nay, các nhà thầu tập trung thi công các công trình thực hiện chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X chuyển tiếp như nút giao ĐT283B và ĐT824; đường Tân Tập - Long Hậu đoạn từ cầu Rạch Dừa đến đường Vành đai 4 thuộc dự án đường Tân Tập - Long Hậu - Quốc lộ 50 - Cảng Quốc tế Long An và công trình ĐT830B, đoạn từ ĐT830B đến rạch Đôi Ma và cầu Đôi Ma;...

Ngành Giao thông Vận tải ưu tiên các công trình giao thông

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải thực hiện các bước đầu tư đối với các công trình trọng điểm và chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI như dự án Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (đường Vành đai TP.Tân An); ĐT830E (đoạn từ nút cao tốc đến ĐT830); ĐT827E (đoạn từ Tân Kim đến sông Vàm Cỏ Đông); 3 cầu trên ĐT827E; ĐT822B (đoạn từ ĐT825 kết nối ĐT838 đến đường mòn HCM); ĐT823D (trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP.HCM); cải tạo, nâng cấp ĐT817, đoạn Mỹ Lạc - Thạnh Phước - Mộc Hóa; cải tạo, nâng cấp ĐT818 đoạn từ Quốc lộ 1 - Quốc lộ N2 (bao gồm 15km đường và 8 cầu); các cầu trên tuyến ĐT831 (đoạn Vĩnh Bình - Cửa khẩu Long Khốt và đoạn Vĩnh Hưng - Tân Hưng đi Tân Phước);...

Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải cho rằng, hầu hết tại tất cả dự án công trình giao thông trọng điểm thi công đều có vướng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, Sở đề nghị UBND các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động các hộ dân, tổ chức đồng thuận bàn giao mặt bằng và yêu cầu các đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công các đoạn đã bàn giao mặt bằng để các dự án sớm hoàn thiện, phục vụ yêu cầu phát triển KT - XH./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết