Tiếng Việt | English

15/07/2021 - 09:06

Nỗi lo người dân mua hàng hóa dự trữ

Sau khi UBND tỉnh Long An có chủ trương tạm ngưng tất cả chợ truyền thống, nhiều người dân với tâm lý lo ngại bắt đầu đổ xô đi mua hàng dự trữ tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị. Việc làm này khiến nhiều nơi quá tải và dẫn đến thiếu hàng cục bộ.

Theo Chỉ đạo của UBND tỉnh kể từ 00 giờ ngày 12/7/2021, các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, tất cả chợ truyền thống đều chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, với tâm lý lo lắng, nhiều người dân lại đổ xô vào các cửa hàng tiện ích, siêu thị mua hàng với số lượng lớn.

Bà N.T.L., ngụ phường 2, TP.Tân An, cho biết: “Hàng ngày, tôi đều đi chợ nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, nhất là sau khi các chợ truyền thống đóng cửa, tôi đi chợ mua dự trữ đồ ăn 15 ngày. Qua đây để hạn chế ra đường, tiếp xúc với người lạ, mặc dù biết rằng việc này sẽ làm một số mặt hàng tăng giá và thức ăn trữ lâu ngày cũng không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Người dân đổ xô đi mua hàng dự trữ dẫn đến thiếu hàng cục bộ

Theo ghi nhận tại tất cả cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn TP.Tân An, số lượng khách hàng tăng gấp 4-5 lần so với ngày thường. Hầu hết các mặt hàng tươi sống đều bán hết ngay từ sáng sớm, nếu bình thường, với khoảng 400kg thịt, cá, mỗi cửa hàng có thể bán đến cuối giờ chiều. Lường trước việc hút hàng sau khi chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, 88 cửa hàng Bách Hóa Xanh trên toàn tỉnh luôn có sẵn các phương án cung ứng dự phòng. Song, trước tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng dự trữ cho nhiều ngày đã gây nên tình trạng thiếu hàng cục bộ, sốt giá.

Anh Phạm Minh Tú (Quản lý Bách Hóa Xanh khu vực TP.Tân An) thông tin: “Người dân cứ đổ xô đi mua hàng như vậy thì chuỗi hệ thống Bách Hóa Xanh không thể cung ứng đủ cho khách hàng. Hệ thống luôn khuyến khích khách hàng chỉ mua hàng đủ dùng, không nên mua hàng dự trữ trong nhiều ngày, vì ngày nào Bách Hóa Xanh cũng cung cấp hàng mới, tươi ngon, bảo đảm không thiếu hàng nếu người dân không mua dự trữ”.

Không chỉ có Bách Hóa Xanh thiếu hàng cục bộ mà tại các hệ thống Co.opmart trên địa bàn tỉnh ngoài các mặt hàng tươi sống, số lượng nhu yếu phẩm đóng gói sẵn rất hút hàng, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, mặc dù hệ thống Co.opmart luôn nhập hàng về liên tục.

Bên cạnh những người dân mua hàng dự trữ thì vẫn còn nhiều người dân ý thức được việc không nên mua hàng dự trữ mà chỉ mua đủ dùng để nhường lại cho người đến sau. Bà Nguyễn Thị Út, ngụ phường 4, TP.Tân An, nói: “Dịch bệnh xảy ra trên địa bàn là điều không ai mong muốn, làm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và đời sống của nhiều người. Do đó, mọi người dân phải chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của địa phương bằng những hành động, việc làm dù nhỏ nhất. Tôi chỉ mua hàng đủ dùng, nhường lại cho người đến sau, không ra đường khi chưa có việc cần thiết, thực hiện tốt phương châm ai ở đâu, ở yên chỗ đó”.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bắt buộc nhiều hoạt động phải tạm thời ngưng hoạt động, trong đó có các chợ truyền thống. Vì vậy, chúng ta cần có sự đồng cảm, sẻ chia, đừng vì tâm lý lo sợ không đủ thực phẩm tiêu dùng mà gây nên tình trạng thiếu hàng cục bộ, kéo theo giá cả leo thang sẽ dẫn đến đời sống người dân khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhất là người lao động nghèo. Hơn hết, giá cả leo thang thì người thiệt thòi nhất chính là những người tiêu dùng./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết