Tiếng Việt | English

16/03/2016 - 09:02

Nông dân khốn đốn vì hạn, mặn

Đã nhiều năm nay, việc thiếu nước sinh hoạt vốn không xa lạ gì với người dân vùng hạ của huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Tuy nhiên, hiện nay, huyện tiếp tục phải đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhiều người dân.


Ông Nguyễn Văn Phe - nông dân ấp Phú Thạnh (áo đen) cùng Chủ tịch UBND xã Long Phụng - Huỳnh Trung Hậu bên thửa ruộng không thu hoạch được vì hạn, mặn

Vụ mùa bị thiệt hại

Năm 2015, mùa mưa đến muộn hơn so với mọi năm, lượng mưa ít và kết thúc sớm so với cùng kỳ. Do đó, lượng nước ngọt trên địa bàn huyện bị thiếu hụt nghiêm trọng và bị nước mặn xâm nhập sớm. Chỉ tính từ tháng 8 đến tháng 12-2015 và đặc biệt là những tháng đầu năm 2016, độ mặn trên sông Cần Giuộc tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm (tháng 3-2016, độ mặn cao nhất lên đến 19,3g/l, cao hơn 5,3g/l so với cùng kỳ các năm trước). Các cống đầu mối đóng ngăn mặn nên không có nguồn nước bổ sung cho khu vực nội đồng. Trong khi đó, mực nước trên các kênh rạch nội đồng tại hệ thống Trị Yên, Mồng Gà, Ông Hiếu,... đã không còn nguồn nước bổ sung nên thiếu nước trầm trọng.

Giữa trưa nắng, ông Nguyễn Văn Phe, nông dân ấp Phú Thạnh, xã Long Phụng vẫn ra thăm những thửa ruộng khô nứt nẻ của mình. Ông bùi ngùi: Gia đình tôi chỉ có tròm trèm 1 công đất lúa, để bảo đảm sinh hoạt gia đình, năm nào tôi cũng phải mướn thêm ruộng để sản xuất. Vụ lúa Đông Xuân vừa qua, tôi mướn 9 công đất. Toàn bộ diện tích này chỉ thu hoạch được một ít, năng suất chẳng đáng là bao, khiến gia đình tôi thua lỗ gần 30 triệu đồng. Có hộ do lúa bị thiếu nước, không thể phát triển đã cắt để lấy rơm, có người bỏ nguyên cả thửa ruộng. Nhìn cánh đồng lúa mà xót!”.

Được biết, vụ Đông Xuân này, xã Long Phụng bị thiệt hại đến 70% (330ha/455ha), tập trung nhiều nhất tại ấp Phú Thạnh (khu vực giáp sông Cần Giuộc có 70ha bị thiệt hại hoàn toàn). Mặc dù đê bao phủ kín toàn bộ diện tích sản xuất lúa ở địa phương, nhưng trước tình hình khô hạn kéo dài và xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng nặng đến năng suất vụ Đông Xuân vừa qua, mà còn kéo theo vụ Hè Thu cũng gặp trở ngại lớn.

Chủ tịch UBND xã Long Phụng - Huỳnh Trung Hậu thông tin, cùng với một số xã như Long An, Đông Thạnh, Phước Lại, một phần xã Trường Bình, Tân Tập, Phước Vĩnh Đông,... Long Phụng đang chịu ảnh hưởng nặng nề do bị xâm nhập mặn. Hiện, xã đang làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí cho các hộ bị thiệt hại với diện tích 330ha. Trước mắt, địa phương tập trung chỉ đạo nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, chuẩn bị trữ nước ngọt vào mùa mưa tới. Việc duy tu đê bao dựa vào một phần kinh phí Nhà nước và huy động nhân dân cùng đóng góp.

Năm 2015, diện tích canh tác lúa toàn huyện Cần Giuộc là 11.422ha được chia làm 3 vụ: Vụ Hè Thu từ tháng 6 đến tháng 9-2015, với diện tích gần 5.100ha; vụ mùa từ tháng 7 đến tháng 12-2015, với diện tích hơn 1.100ha; vụ Đông Xuân từ tháng 10-2015 đến tháng 2-2016, diện tích hơn 5.100ha.
Theo số liệu của UBND các xã, thiệt hại lúa mùa trên 8,5 tỉ đồng; lúa Đông Xuân sớm bị thiệt hại khoảng 13 tỉ đồng.


Thiếu nước ngọt, diện tích trồng rau bị giảm

Diện tích trồng rau giảm

Ngoài thiệt hại về lúa, hạn, mặn còn gây ảnh hưởng đến rau màu của các xã vùng thượng. Diện tích rau màu hằng tháng của huyện dao động từ 1.050ha đến 1.750ha, sản lượng năm 2015 đạt 125.000 tấn. Từ đầu mùa khô đến tháng 2-2016, sản xuất rau ổn định. Tuy nhiên từ tháng 3-2016, diện tích trồng rau giảm mạnh do thiếu nước, trạm bơm Cầu Mới ngưng hoạt động từ sau tết vì chất lượng nước kênh Trị Yên không bảo đảm. Hiện nay, diện tích trồng rau của huyện là 1.020ha (thấp hơn so với cùng kỳ 430ha), sản lượng giảm so với cùng kỳ 8.600 tấn (tương đương thiệt hại 8,6 tỉ đồng). Trước tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài, dự kiến diện tích rau màu sẽ tiếp tục giảm.

Là một trong những địa phương có diện tích trồng rau màu nhiều và ổn định của huyện, hiện tại, diện tích trồng rau của Mỹ Lộc giảm khoảng 10ha (từ 226ha xuống còn 216ha). Chị Trịnh Thị Bé, ấp Lộc Hậu chia sẻ, gia đình chị mướn 4.000m2 đất ruộng để trồng rau đắng. Loại rau này trồng không khó nhưng đòi hỏi phải có nước thường xuyên. Thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, chỉ cần đủ nước và chăm sóc kỹ khoảng hơn 1 tháng là có thể thu hoạch. Vì vậy, gia đình chị thường trồng quanh năm. Mỗi vụ, gia đình thu được vài triệu đồng. Khoảng 3 tháng trở lại đây, thiếu nước ngọt nên gia đình tự bỏ tiền mua ống dẫn nước, chi phí phát sinh thêm nhưng sản lượng không cao như những vụ trước.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc - Đặng Văn Tuấn, sở dĩ diện tích rau màu của xã giảm không đáng kể là do các hộ dân đã đề phòng được tình trạng khô hạn. Vì vậy, họ chủ động khoan giếng để phục vụ sản xuất. Hiện nay, toàn xã có 239 giếng khoan. Tuy nhiên, nếu mùa mưa đến trễ, lượng nước giếng khoan sẽ không đủ cung cấp vì hiện nay mực nước ngầm đã tụt giảm sâu.

Tập trung khắc phục hạn, mặn

Từ những tháng cuối năm 2015, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm khai thác quản lý các công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình khí hậu, thủy văn, đo độ mặn cửa sông và các tuyến kênh nội đồng. Sau đó, thông báo cho người dân biết, khuyến cáo, hướng dẫn chủ động lấy, tích trữ nước ngọt.

Huyện chỉ đạo các xã thông báo gieo sạ lúa mùa và Đông Xuân đúng thời vụ theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp các xã nạo vét kênh nội đồng, ngăn chặn mặn xâm nhập nội đồng. Đồng thời, phối hợp ngành nông nghiệp, thủy lợi huyện Cần Đước, Bến Lức điều tiết nước bổ sung cho Cần Giuộc. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo UBND xã Phước Hậu bơm nước từ trạm bơm Cầu Mới phục vụ nước tưới cho vùng thượng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Đối với vùng sản xuất rau, hiện nay, nước trong ao vẫn còn, vì vậy, huyện hướng dẫn người dân xử lý vôi, lân để hạ phèn, bảo đảm cơ bản nước tưới; vận động người dân áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm tự động. Riêng vùng nuôi tôm, huyện thường xuyên thông báo kết quả quan trắc nước, tình hình dịch bệnh trên tôm để người dân chủ động trong thả nuôi, chăm sóc.

Để chủ động thích ứng, hạn chế thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn, các ngành chức năng huyện sẽ cập nhật, kịp thời phổ biến thông tin tình hình; dự báo thiên tai, kế hoạch phòng chống; hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất (giống ngắn ngày, chịu hạn, mặn, các loại cây trồng ít sử dụng nước,…) tuân thủ lịch thời vụ, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết